ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 18:59:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cầm đôi bông tai đi tìm mộ đồng đội

Báo Cà Mau (CMO) Chiến tranh qua đi. Nhiều người lính may mắn được sống, trở về. Tuy hưởng cảnh thanh bình, nhưng không ít người vẫn canh cánh nỗi lòng bởi đồng đội còn gửi thân nơi chiến tuyến. Ðó cũng là tâm trạng của bà Hồ Thanh Hồng (ấp Ðất Cháy, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời), nữ thanh niên xung phong (TNXP) tuyến đường 1C ngày nào giỏi tài bắn súng cối, được gọi biệt danh “Hồng Cối”, mà báo Cà Mau trước đây từng có bài viết.

Minh hoạ:  M. Tấn

Trời tháng 6 mưa sụt sùi. Ðường vào núi Sóc Mẹt lầy lội. Xe cuốc của Ðội K92 mới ì ạch di chuyển được một đoạn thì tuông bánh, máy hư. Ngày thứ 2, rồi thứ 3 vẫn mịt mùng mưa gió. Mấy anh lính hì hụi sửa xe. Bà Hồng thấy ái ngại trong lòng.

Trước đó vài hôm, anh em K92 cho hay, tình hình nước bạn Campuchia đang phức tạp, bảo bà và người đồng đội cũ tên Khéo (đi cùng) chuẩn bị để họ đưa về Việt Nam. Nhưng bà nhất quyết: “Không được, chuyến này bốc được mộ mới về!”. “Thiệt vậy à?”, có ai đó ngạc nhiên. “Thiệt chớ!”, bà cương quyết.

K92 là đội cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Ðơn vị thường xuyên có mặt trên đất bạn Campuchia tìm kiếm, cất bốc hài cốt những người con quê hương hy sinh khi làm nhiệm vụ đưa về nơi chôn nhau cắt rốn. Thấy được quyết tâm của bà, anh em rất mừng, càng có thêm động lực.

“Chuyến này dự định mấy phuy dầu, chị ơi?”, có ai đó trêu chọc. Bà cười: “Chắc ít thôi”. Họ đã có nhiều lần đồng hành cùng nhau nên đã coi nhau như người thân thuộc. Riêng tại nơi này 2 lần, và việc đào xới tìm kiếm khi đó ngốn gần đứt 2 phuy dầu. Gần nửa thế kỷ mới trở lại chiến trường xưa, mọi thứ quá nhiều thay đổi, dấu tích những ngôi mộ chôn ngày nào không còn xác định được. Khi ấy, xe cuốc cứ đào xới kiếm tìm theo áng chừng của bà, dù hết sức nỗ lực nhưng không thu được kết quả.

Về lại quê nhà, bà cứ thấy lòng không yên ổn. Bà nhớ hoài hình ảnh ba của đồng chí Hạnh, dù tuổi cao, mắt mờ, chân chậm nhưng cụ nhất quyết đòi theo đoàn để tìm kiếm hài cốt con gái mình. Chiến tranh qua mấy mươi năm, nhưng có người làm cha làm mẹ nào trọn vẹn được niềm vui khi núm ruột của mình vẫn còn hoang lạnh tận đâu đâu miền viễn xứ. Nhìn vẻ háo hức của cụ khi đi, rồi nỗi thất vọng khi đoàn quyết định quay về càng làm lòng bà se thắt. Bà cảm thấy như có lỗi với bậc sinh thành.

Trận chiến đấu 16 ngày đêm ở núi Sóc Mẹt vào tháng 6/1970 ấy, bà không sao quên được. Giặc huy động cả Sư đoàn 9, Sư đoàn 21, nhiều xe tăng, trực thăng, máy bay B52 điên cuồng trút bom, nã pháo, càn quét. Ðường Hồ Chí Minh trên biển bị phong toả, chúng biết 1C là tuyến huyết mạch mới. Cắt đứt được con đường này là cắt được sự chi viện vũ khí, phương tiện, lực lượng chiến đấu từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Vì vậy, ngoài đánh phá dữ dội trên tuyến kênh Vĩnh Tế hòng ngăn chặn những chuyến hàng về, chúng còn càn quét qua địa bàn cất giấu, trung chuyển hàng của ta trên đất bạn.

Khi nghe tin giặc sắp tấn công, cũng là lúc bà và đồng đội đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng vào kho tại núi Sóc Mẹt (tỉnh Kampot). Chỉ huy triển khai ngay phương án chiến đấu, bố trí làm 3 chốt, bám trụ ở 4 hang, dù lực lượng khi đó chỉ khoảng 20 người. Bà ở chốt 3, còn Hạnh ở chốt 2, cách nhau hơn trăm mét gập ghềnh đường núi. Chiều đó, ngày thứ 11 giặc bao vây, Hạnh từ bên chốt 2 được phân công qua chốt 3 gặp chỉ huy để nhận nhiệm vụ. Trên đường đi, đụng biệt kích, bạn đã hy sinh.

Hạnh chết trong tư thế nằm nghiêng, đầu đội nón tai bèo, vai choàng miếng vải dù qua ngực, tay phải còn cầm trái lựu đạn. Khi đỡ thân thể lên, từ bên hông ngực trái, một dòng máu đỏ tươi chảy tràn ra ướt đẫm.

Chạng vạng tối, trời rả rích mưa, dưới ánh sáng tù mù của cây đèn cạn pin, công việc chôn cất diễn ra gấp rút. Ðồng chí chỉ huy vừa cùng đào huyệt vừa luôn miệng giục: “Nhanh tay lên các đồng chí, kẻo bọn biệt kích mò vào!”.

Nơi chôn Hạnh trước đó đã có mộ đồng chí Bình (Trung đoàn 10, hy sinh khi đang theo tuyến 1C vào Nam chiến đấu) và đồng chí Hai Niểng (làm nhiệm vụ giữ kho). Khoảng đất giữa còn rộng, mọi người quyết định để Hạnh nằm vào cho đỡ phần lạnh lẽo. Mảnh cao su nhỏ, nên dù xoay chuyển kiểu nào vẫn không quấn kín được tới đầu người mất. Từng vá đất được lấp vội lên thi thể không hòm, không chiếu… mà lòng ai cũng trĩu nặng xót thương. “Chiến tranh khắc nghiệt, Hạnh nằm tạm đây nghe. Ðất nước hoà bình đồng đội sẽ đưa bạn về quê hương xứ sở”, bà nghẹn ngào cùng mọi người nói lời tiễn biệt trong màn đêm đen đặc. Bỏ lại sau lưng tiếng nỉ non não ruột của côn trùng.

Vậy rồi khi nước nhà thống nhất, cuộc sống mới bắt đầu với bao bộn bề, gian khó. Ðồng đội tứ tán khắp nơi, có nhớ, có muốn biết tin tức về nhau không phải dễ.

Mãi tận mấy chục năm sau, khi có chủ trương thành lập hội cựu TNXP, cũng là lúc con cái trưởng thành, việc mưu sinh, việc Nhà nước không còn nhiều bận bịu, bấy giờ họ mới có điều kiện để tìm kiếm, tập hợp nhau. Những mái đầu xanh mười tám, đôi mươi ngày nào nay ngả bạc. Hỏi thăm tới lui, mới giật mình, nhiều đồng đội xương cốt vẫn còn hoang lạnh nơi xứ lạ quê người.

Vậy là chuyện tìm mộ được bàn tính đến. Bà thu xếp gia đình để cùng tham gia thực hiện tâm nguyện hằng đau đáu bấy nay.

Tiếng gọi đồng đội cứ như thôi thúc bà đâu đó trên những cánh rừng, gò hoang, đồi núi… nên đôi chân bị chứng xương khớp ngày nào cũng quên bệnh tật. Ðể rồi đêm về bên lán trại, mới thấm thía cái đau… Gần 10 năm, với 12 lần “xuất hành”, dài thì cả tuần, ngắn cũng 3-4 ngày dầm mưa, dãi nắng; 8 hài cốt được tìm thấy, với bà cũng là sự đền bù.

Sau bao nỗ lực tìm nơi chôn Hạnh và đồng đội tới 2 lần mà không gặp, bà về cứ tức tối mãi. Bà nhớ ràng ràng các ngôi mộ nằm cạnh con đường mòn dưới chân núi. Nhưng giờ nơi đó vắng vẻ và hoang vu, cây dại mọc um tùm không biết đâu mà định hướng. “Nếu không xác định được địa điểm để nhờ bốc hài cốt thì mãi mãi đồng đội không còn cơ hội trở về”, bà nhủ lòng và quyết tâm phải tìm bằng được mộ. Nhiều tháng trời, trong tâm tưởng bà, hình ảnh những ngôi mộ ngày trước và cảnh núi rừng hoang địa trong thực tại cứ ẩn hiện đan xen.

Rồi một hôm đang tập trung tâm lực, mắt bà chợt sáng lên. Bà nhanh tay bấm điện thoại gọi lên Cần Thơ cho bà Khéo, người đồng đội cùng làng, cùng quê Sóc Trăng với Hạnh. Giọng bà đầy phấn khởi: “Chế Khéo ơi, em xác định được vị trí chôn Hạnh và anh chị em rồi. Mình qua Hà Tiên rồi nhờ K92 cùng đi qua đó nghe...”.

Buông điện thoại rồi, bà sực nhớ: Lấy đâu ra tiền để đi? Tiền quản lý nhà trọ tháng qua bà được lãnh và tiền chạy xe ôm của ông đổ hết cho chi phí thuốc men khi vết thương ông tái phát.

Vợ chồng bà đều là thương binh, từ chiến trường trở về tay trắng. Không đất đai canh tác, phải đánh vật với cái đói, cái nghèo để lo cho đàn con 5 đứa được ăn no, mặc lành, có con chữ trong đầu để không thua thiệt với đời đã là một nỗ lực lớn.

Khi con cái tự lực được, sức khoẻ kém, không lao động nặng nhọc ở quê nổi nữa, ông bà ra Cà Mau tìm việc nhẹ hơn để có tiền chi phí thuốc men và cũng có điều kiện liên lạc với bạn bè đi tìm mộ đồng đội. Cứ tích góp được chút ít tiền là bà rủ các cựu TNXP đi tìm mộ. Ðồng đội tuyến đường 1C quê ở nhiều tỉnh miền Tây, mà kinh phí hội chỉ hỗ trợ tìm người của tỉnh. Thêm nữa, người mất đã gần nửa thế kỷ rồi, địa hình địa vật thay đổi, việc tìm kiếm không hề đơn giản, đâu hễ cứ đi một lần là gặp. Vì vậy, nên cứ có manh mối là bất chấp người ngoài tỉnh, bà và đồng đội tự bỏ tiền túi đi tìm.

Trường hợp Hạnh, các lần trước tổ chức đoàn đi tìm mà không gặp, giờ dù có quả quyết cũng chỉ bằng cảm tính nên bà đâu dám thông báo rộng rãi với mọi người. Ngẫm ngợi hồi lâu, bà đề xuất với chồng: "Nhà mình giờ ngoài đôi bông cưới, đâu thứ gì có giá trị. Hay mình đem cầm nó để lấy tiền làm lộ phí đi tìm mộ, nghe ông".

Nói là bông cưới nhưng thật ra hồi đám thành hôn ông bà tại đơn vị, ông đâu có gì làm sính lễ. Sau này, cùng với mấy tháng tiền thương binh đầu tiên bà được lãnh, ông cố làm lụng góp thêm sắm cho bà đôi bông tai và gọi vui là bông cưới, để bù đắp những thiệt thòi cho bà. Với ông bà, đó là vật kỷ niệm thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa, và cũng là vật phòng thân khi đau ốm.

“Mình dẫu sao cũng còn được sống. Ðồng đội tận bây giờ xương cốt vẫn đang thất lạc nơi hoang vu rừng núi, thì sao nỡ cam lòng… ”, bà thủ thỉ cùng ông. Là lính Ðoàn 195, sát cánh cùng TNXP trên tuyến 1C, lại nhiều lần cùng bà đi tìm hài cốt nên ông thấu hiểu và thuận theo ý vợ.

Vậy là hai người đồng đội tóc pha sương tiếp tục hành trình đi tìm mộ đồng đội. Ðó là vào đầu tháng 6/2013.

Ngày thứ 4, rồi thứ 5, đất trời vẫn giăng mưa mù mịt. Giờ đây, tới lượt mấy anh lính nhìn hai người ái ngại. Nhưng đã quyết rồi, họ không bỏ cuộc…

Mưa mãi rồi cũng tới lúc có ánh mặt trời. Hai ngày tiếp sau, nắng dần ráo đất. Xe cuốc nhích từng chút một cũng vào được đến nơi bà mô tả. Từng nhát cuốc bổ vào lòng đất mang theo bao niềm hy vọng. Nhưng hì hục đến cuốc thứ 10, vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan. “Cố gắng nhé anh em. Lần này chị chắc chắn đúng chỗ rồi đó”, bà quả quyết. Rồi bà tiếp tục lầm thầm khấn nguyện: “Hạnh ơi, anh Bình, anh Niểng, chị Mười ơi, hồn có linh thiêng thì mách đường đi nước bước để chúng tôi tìm kiếm đưa hài cốt các đồng chí về quê hương cho mồ yên mả ấm...”.

Ðoạn bà bảo xe quay đầu đi vòng ra, tiếp tục tìm kiếm. Nhát cuốc thứ 3 vừa cất lên, một mảnh cao su lòi ra. Bà xúc động bủn rủn tay chân, không tin được vào mắt mình.

Và rồi, 4 hài cốt dần lộ diện... Niềm vui, nỗi xúc động vỡ oà khiến tim bà như nghẹt thở. Nước mắt cứ thế tuôn dài… Bà Khéo thì cứ khóc không ra tiếng. Anh em K92 cũng quá đỗi mừng vui.

“Ngày thứ 16 thì chị Mười ở chốt 2 chung với Hạnh lại hy sinh. Thấy khoảng trống giữa anh Hai Niểng còn rộng, vậy là anh em chôn chị vào đó. Vị trí tuần tự: anh Hai Niểng, chị Mười, Hạnh, anh Bình”, bà kể, giọng bùi ngùi.

Vẫn tâm trạng đầy xúc động, bà nhớ lại: “Mộ Hạnh còn cây kẹp bồ câu bằng inox, cái mặt kiếng, 1 chai dầu; chiếc áo li phăng màu xanh lá cây Hạnh mặc ngày nào vẫn còn nguyên 2 lỗ đạn từ phía trước xuyên qua sau lưng áo. Chị Mười thì còn đôi đũa, cây muỗng. Vì gói trong cao su nên xương cốt mọi người vẫn chưa phân huỷ. Sau khi lau rửa, xếp cẩn thận hài cốt từng người vào quách, chúng tôi báo cho Tỉnh đoàn Sóc Trăng và gia đình cho xe qua đưa hài cốt Hạnh về an táng. Còn hài cốt của chị Mười, anh Hai Niểng và anh Bình thì đưa về Nghĩa trang Kiên Lương (Kiên Giang), sau đó báo các địa phương và gia đình đến nhận”.

Vậy là tròn 43 năm nằm lạnh lẽo miền biên viễn, đồng đội bà đã được trở về ấm áp bên gia đình, quê hương, an yên trong lòng Tổ quốc. Làm được chút nghĩa cử với đồng đội, với người thân họ, bà cũng thấy nhẹ lòng. Ðôi bông cưới của bà giờ đây khắc ghi thêm sự kiện thấm đẫm nghĩa tình.

“Tôi còn một nỗi trăn trở, đó là chưa quy tập được hài cốt anh Tư Dành, quê ở huyện U Minh. Hồi đó anh Tư cũng hy sinh bên nước bạn Campuchia, được ông xã tôi chôn. Hơn 6 năm trước, chúng tôi định đi tìm kiếm, đùng cái ông nhà bị tai biến. Giờ ông cũng đỡ bệnh rồi, ổng có chỉ chỗ cho tôi. Con trai anh Tư cũng thiết tha được đưa hài cốt cha về. Cầu trời dịch bệnh mau qua để cùng gia đình cháu đi tìm, bốc mộ", nữ cựu TNXP tuổi thất thập trải lòng.

"Không biết thì thôi, đã biết rồi mà làm ngơ thì sao tròn đạo nghĩa…”, đôi mắt xa xăm, bà như nói với chính mình./.

 

Trang Anh

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.