(CMO) Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất là tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Cà Mau trong suốt thời gian qua. Theo đó, để đạt mục tiêu này, Cà Mau ưu tiên sức người, sức của để từng bước hoàn thiện các điều kiện hạ tầng, trang thiết bị, cũng như nâng cao nhận thức của người dân.
Mặc dù thiếu nguồn lực đầu tư, nhất là những năm gần đây bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song, với sự chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là sự chủ động của các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh, những khó khăn dần được khắc phục, góp phần đưa công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai ngày một hiệu quả.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng
Sạt lở bờ biển, bờ sông là vấn đề nóng của tỉnh trong nhiều năm qua với phạm vi ngày một rộng, diễn biến ngày một phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, dù nguồn lực còn rất hạn chế, nhưng công tác khắc phục tình trạng sạt lở bước đầu mang lại hiệu quả. Hiện tỉnh được đầu tư 51 km đê biển Tây trong chiều dài 108 km và đã đầu tư được 56 km kè trong số hơn 200 km bờ biển bị sạt lở. Trong đó, giải pháp tiêu biểu đang mang lại hiệu quả cao là kè phá sóng từ xa.
Giải pháp kè rọ đá áp mái được triển khai để hộ đê trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Đá Bạc.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định, kè phá sóng từ xa là giải pháp được triển khai thời gian qua và mang lại hiệu quả rõ rệt. Những khu vực có kè không chỉ ngăn chặn tình trạng sạt lở mà còn tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, bảo vệ sản xuất cho hơn 130.000 ha của hơn 25.000 hộ dân phía trong. Không chỉ vậy, giải pháp kè này chi phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 1/3-1/4 so với giải pháp kè áp mái. Như vậy, với hơn 51 km đã hoàn thành và hơn 10 km đang triển khai đã tiết kiệm chi phí đầu tư rất lớn.
Bên cạnh việc đầu tư đê, kè, thời gian qua, công tác phòng, chống sạt lở luôn được theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời. Ông Hoai cho biết, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã dành khoảng 120 tỷ đồng từ các nguồn vốn xổ số kiến thiết, dự phòng ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện các công trình hộ đê, khắc phục sạt lở khẩn cấp. Các giải pháp công trình đã được triển khai, như kè rọ đá, hộ đê bằng xếp đá hộc, thảm rọ đá mái… với tổng chiều dài đã được xử lý khoảng 10 km.
Để giúp người dân thích ứng với thực trạng triều cường ngày một dâng cao hơn và diễn biến nhanh không còn theo quy luật, nhiều tuyến đê bao, bờ bao được triển khai xây dựng. Với mục tiêu từng bước kiểm soát mặn, ngăn tràn do triều cường cũng như chủ động tiêu úng khi có mưa lớn cục bộ, toàn tỉnh đã đầu tư được gần 715 km đê bao, bờ bao, song song đó là hệ thống 187 cống và 15 trạm bơm.
Bên cạnh đó, để chủ động trong mọi tình huống thiên tai, ông Nguyễn Long Hoai cho biết thêm: "Phương tiện, vật tư được thống kê, rà soát chặt chẽ hàng năm. Từ đó, các phương tiện thuỷ, bộ và các phương tiện, vật tư khác phục vụ công tác PCTT&TKCN luôn trong tình trạng chủ động ứng phó trước mọi tình huống. Dù còn nhiều khó khăn, song hiện tại khi cần thiết có thể huy động được khoảng 80 xe cứu hộ, chữa cháy, hơn 200 xuồng cứu hộ các loại, 252 nhà bạt, 172 máy bơm và hơn 200.000 trang thiết bị khác. Đặc biệt, có thể huy động tham gia công tác phòng, chống thiên tai hơn 27.000 người".
Vẫn còn khó khăn
Có thể thấy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh ngày một hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để người dân thích ứng an toàn, hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, còn nhiều khó khăn, tồn tại cần được khắc phục. Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh còn hơn 100 km sạt lở cần được đầu tư kè chống sạt lở, cũng như đê biển, trong khi công việc này đòi hỏi nguồn lực rất lớn, cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Cà Mau vẫn còn rất nhiều hộ dân sử dụng phượng tiện thuỷ gia dụng để hoạt động khai thác trên sông, ven biển rất nguy hiểm khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhiều khu vực ven biển đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng chưa được đầu tư đê, chưa có kè bảo vệ, đang là hiểm nguy lớn, đe doạ đến hàng trăm ngàn héc-ta đất sản xuất và hàng ngàn hộ dân. Ông Hoai cho biết thêm, qua khảo sát và quan trắc, chiều dài bờ biển bị sạt lở ở mức độ rất nghiêm trọng và nghiêm trọng khoảng 171 km. Cụ thể, bờ biển Tây 89 km, biển Đông 82 km. Trong khi đó, Dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây chỉ mới thực hiện được hơn 51 km đê và hơn 41 km kè, tức chỉ mới gần một nửa. Còn tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư đê, chỉ mới đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng được khoảng 12,962 km kè trong số hơn 82 km trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Dù đã được đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng với tác động của các yếu tố thời tiết cực đoan và cả con người…, đoạn kè ly tâm L3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng kè cấp bách tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi có khoảng 17 m tiếp tục bị sạt lở, hư hại. Qua khảo sát thực tế công trình, nhận thấy một số vị trí thuộc đoạn kè L3 đã mất ổn định; cụ thể có khoảng 17 m của đoạn này cọc bị nghiêng, đà ngang, dầm dọc bị nứt; đà ngang không còn liên kết với dầm dọc...; Sở NN&PTNT đang kết hợp với Viện Thuỷ lợi miền Nam tiến hành đánh giá nguyên nhân để đưa ra giải pháp bảo vệ công trình đoạn kè này.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các loại hình thời tiết kết hợp không nằm trong 22 loại hình thiên tai cụ thể được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai mà được xếp vào loại hình thiên tai khác, chưa được quy định hoặc chưa giao thẩm quyền xác định cấp độ rủi ro thiên tai. Trong khi đó, loại hình này thường xuyên xảy ra và gây nhiều thiệt hại dẫn đến sự lúng túng, bị động trong quá trình xử lý khi thiên tai xảy ra. Ngoài ra, một bộ phận người dân, cả cán bộ còn chủ quan, dẫn đến việc thờ ơ, lơ là trong quá trình triển khai ứng phó sự cố.
Để tiếp tục hạn chế tình trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau đang tiếp tục đầu tư kè, công trình chống sạt lở. Cụ thể, khu vực biển Tây đang triển khai các bước đầu tư xây dựng 26 km tại các đoạn xung yếu từ cửa biển Sông Đốc đến cửa biển Bảy Háp; dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực ĐBSCL, với 5 đoạn có chiều dài khoảng 15 km. Đề xuất đưa vào "Dự án cải thiện hệ thống thuỷ lợi các tỉnh ven biển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vay vốn ODA Nhật Bản (JICA5)" với tổng chiều dài 22 km. Khu vực biển Đông hiện nay đã và đang được xây dựng, chuẩn bị đầu tư 41,6 km các đoạn sạt lở.
Nguyễn Phú
BÀI 3: BIẾN SỰ BẤT THƯỜNG THÀNH BÌNH THƯỜNG