(CMO) Diễn biến của thiên tai thường rất nhanh, bất ngờ, khó lường trước và hậu quả để lại vô cùng nặng nề, đòi hỏi phải có sự chủ động và ứng phó nhanh nhất có thể. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, lực lượng tại chỗ có vai trò quyết định, trong đó nòng cốt chính là lực lượng xung kích tại các xã, phường, thị trấn và chính người dân.
Hơn 27.000 người từ công an, quân sự, bộ đội biên phòng, y tế cho đến Hội Chữ thập đỏ, lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, các ban, ngành, lực lượng phản ứng nhanh, cán bộ các cấp... là con số về lực lượng hiện nay luôn thường trực sẵn sàng để được huy động bất cứ lúc nào khi có thiên tai xảy ra.
Chuyên nghiệp lực lượng xung kích
Từ những kết quả thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó thiên tai nhiều năm qua, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhận định: "Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là nhân tố quyết định trong việc nâng cao hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, đặc biệt là các tình huống cấp bách. Song song với sự chỉ đạo quyết đoán, quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền, cần phải phát huy tối đa các nguồn lực tại chỗ. Các nguồn lực tại chỗ, nhất là các lực lượng xung kích cấp cơ sở sẽ mang lại hiệu quả tối ưu nhất trong quá trình ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề khai thác cũng là ngần ấy năm anh Lê Quốc Khởi, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc tham gia tổ xung kích phòng, chống thiên tai của thị trấn. Bằng kinh nghiệm sau nhiều năm chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai trên biển, anh Khởi không chỉ trực tiếp tham gia khi có các tình huống thiên tai xảy ra mà còn là một kênh tuyên truyền vô cùng hiệu quả trong những ngày bình thường.
Như một phản xạ tự nhiên và với kinh nghiệm hàng ngày trong quá trình đi lại, anh Khởi luôn để mắt và nhắc nhở các trường hợp, từ tàu cá của ngư dân cho đến hộ gia đình khắc phục những hạn chế, thiếu an toàn. “Nhờ có nhiều năm trực tiếp cầm tàu khai thác trên biển nên vốn kinh nghiệm ứng phó trước các tình huống thiên tai khá phong phú. Từ đó, việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân trang bị những vật dụng cần thiết phòng bị khi có thiên tai nhận được sự đồng thuận của mọi người”, anh Khởi bộc bạch.
Lực lượng xung kích cơ sở như anh Khởi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Bởi họ không chỉ là người thông hiểu địa bàn, nắm bắt tình cảnh của từng hộ dân ở cơ sở, mà là lực lượng trực tiếp và sớm nhất trong tiếp cận, hỗ trợ người dân khi có thiên tai, không chỉ vậy đây cũng là lực lượng nòng cốt trong quá trình khắc phục hậu quả sau thiên tai. Theo đó, đến nay toàn thị trấn Sông Đốc đã xây dựng được khoảng 190 lực lượng tham gia công tác phòng chống thiên tai, trong đó đáng chủ ý là tổ xung kích khi có đến 73 người luôn sẵn sàng để huy động bất cứ lúc nào.
Các phương tiện nhỏ, thuỷ gia dụng tham gia khai thác trên biển vô cùng nguy hiểm khi gặp gió mạnh.
Thị trấn Sông Đốc là nơi có địa bàn phức tạp, dân cư tập trung đông, sẽ rất nguy hiểm khi có thiên tai. Do đó, để giảm nhẹ thiệt hại thiên tai có thể xảy ra, ông Nguyễn Đình Triểu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết, nhiều năm qua thị trấn dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng và củng cố tổ xung kích phòng chống thiên tai của thị trấn. Các thành viên tổ xung kích được lựa chọn với tiêu chí là người có sức khoẻ, kinh nghiệm, tâm huyết và thông thạo địa bàn.
Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030, thời gian qua hàng loạt các hoạt động đã được triển khai. Trong đó, trọng tâm là công tác tập huấn, huấn luyện, diễn tập thực hành phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, tỉnh còn tranh thủ và nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ. Từ đó, giúp các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai cũng như người dân ngày càng hoàn thiện kỹ năng ứng phó tại chỗ đối với các tình huống thiên tai.
Tạo điểm tựa từ người dân
Để từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND. Mục tiêu của kế hoạch là tiếp tục nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hoá phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường do thiên tai.
Dù đã có nhiều nỗ lực, song hiện nay riêng việc xây dựng nhà tránh trú thiên tai cộng đồng của tỉnh còn nhiều hạn chế. Hiện nay các công trình tránh trú cộng đồng đang sử dụng kết hợp các công trình, như trụ sở UBND xã, huyện; trường học và cơ sở tôn giáo... Tuy nhiên, số lượng công trình kết hợp tránh trú thiên tai cộng đồng tại một số khu vực chưa đảm bảo, nhất là tại các khu vực dân cư sống rải rác. Mặt khác, nhiều công trình kết hợp sơ tán dân bị hư hỏng, xuống cấp theo thời gian.
Nhiều hộ dân sống nhờ vào nguồn lợi ven biển đang đối mặt với nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.
Để khắc phục hạn chế này, nhiều địa phương đã tiến hành rà soát, kiểm tra mức độ an toàn một số cơ sở của doanh nghiệp, nhà dân để làm điểm tránh trú khi có tình huống thiên tai xảy ra cần sơ tán dân. Tại thị trấn Sông Đốc, phương án này được triển khai từ nhiều năm qua. Theo ông Triểu, các công ty và nhà dân chọn làm điểm sơ tán dân được lựa chọn cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn và thuận tiện nhất. Điều đáng mừng là tất cả các trường hợp được chọn, từ công ty cho đến nhà riêng của người dân, đều nhận được sự đồng thuận cao.
Là xã thuộc vùng bãi ngang ven biển Đông, Tân Thuận là một trong những địa phương được đánh giá nguy hiểm trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là khi có bão, siêu bão đổ bộ. Theo ông Trần Quốc Khải, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thuận, do số hộ cần sơ tán lớn trong khi hạ tầng phục vụ việc tránh trú thiên tai cộng đồng còn hạn chế nên nhà dân là một lựa chọn ưu tiên thời gian qua. Trong tổng số hơn 80 điểm sơ tán dân của 11 ấp trên địa bàn xã chủ yếu là nhà dân, chỉ có vài điểm là trường học.
“Điều vô cùng thành công trong công tác phòng chống thiên tai thời gian qua của xã là tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của người dân. Không chỉ dành nhà để làm điểm sơ tán khi cần thiết, nhiều người dân có điều kiện còn sẵn sàng để phương tiện thuỷ của gia đình phục vụ công tác phòng chống thiên tai khi cần, toàn xã đã huy động được hơn 70 phương tiện”, ông Khải cho biết thêm.
Chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động thực tế của đại đa số người dân được xem là một trong những thành công lớn trong nỗ lực phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai thời gian qua. Những nỗ lực ấy đã giúp người dân biết, hiểu và có giải pháp thích ứng kịp thời... nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Đặc biệt, đã chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả từ thiên tai./.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được tổ chức mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chỉ đạo, các tỉnh, thành phố nhanh chóng củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở, từng bước tiến tới xây dựng lực lượng này trở thành lực lượng chuyên nghiệp.
Nguyễn Phú