Không phủ nhận tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Mặt khác, Ðảng, Nhà nước đã có các cơ chế, chính sách về khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng. Thế nhưng thời gian vừa qua, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương khiến tâm lý, dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, thất vọng.
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo và dám hành động) vì lợi ích chung là chủ trương lớn của Ðảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Bằng tinh thần dấn thân, dám làm, dám chịu trách nhiệm, họ là những người tiên phong đột phá vào việc mới, việc khó, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét cho cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tranh: KIỀU LOAN
Ngay khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau ban hành Kế hoạch số 103-KH/TU nhằm giúp cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo thực hiện Kết luận 14. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn tổ chức chương trình kết nối công chức, viên chức trẻ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, đóng góp ý kiến, chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trong quá trình công tác với các cấp lãnh đạo. Ðồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau, khẳng định: “Tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến; nhiều tập thể đã trăn trở bàn bạc, đưa ra các giải pháp đột phá trong triển khai thực hiện nhiệm vụ”.
Nhìn lại sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị, lãnh đạo các địa phương đều có chung nhận định, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ đã có sự chuyển biến rõ nét và chỉ cần làm có tâm, làm việc hết tinh thần trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo thì ở cơ quan, địa phương nào cũng có.
Ðồng chí Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định: "Cho đến nay, gần như tất cả những đổi mới, sáng tạo đã và đang được triển khai, vận hành trong thực tiễn. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có những thay đổi thực sự mang tính đột phá về tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo của cán bộ. Từ khi Kết luận 14 được ban hành và đi vào thực tiễn, theo ghi nhận của địa phương, những cá nhân đề xuất ý tưởng mới, sáng tạo đột phá gần như chưa có và cũng chưa có điển hình cán bộ “6 dám” được biểu dương, khen thưởng, nhân rộng...".
Trên thực tế, những diễn biến tâm lý này vẫn đang tồn tại, âm thầm len lỏi và đã có phần ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, không dễ nhận diện, đấu tranh ngăn chặn triệt để. Kết luận 14 của Bộ Chính trị được ví như “đơn thuốc”, nhưng dường như vẫn chưa đủ “liều lượng” để chữa trị căn bệnh đang ngày một trầm trọng, đè nặng tâm lý của nhiều người. Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương.
Câu chuyện về phân cấp, uỷ quyền liên quan đến triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, cũng là một minh chứng. Trong nghị quyết, Chính phủ giao quyền cho các địa phương tự quyết nhằm chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án... Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đều không dám chủ động thực hiện mà phải chờ hướng dẫn.
Sợ sai là mức nói giảm, nói tránh của việc né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, cái gì có lợi thì vơ vào mình, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người dân, doanh nghiệp. Xét ở góc độ đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đây chính là dấu hiệu của một loại “tự diễn biến”, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, làm cản trở nghiêm trọng sự phát triển.
Lý giải cặn kẽ mọi điều cho những hành vi này, có thể phân cán bộ sợ sai ra 3 cấp độ: Ở mức độ thấp là những người không biết gì nên không làm. Ðó là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao; mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm, nhưng không có lợi ích thì không làm. Họ không tham mưu, đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng... vì không có lợi ích gì trong đó; và nhóm thứ 3 là những người biết, nhưng sợ sai nên không làm.
Việc cán bộ không dám làm còn là do họ làm với cái tâm không trong sáng. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai, không dám làm là vì cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn phát triển đất nước đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Ở thời điểm này cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai? Bản chất cơ chế, chính sách là đúng, nhưng cái không đúng là những người có chức quyền, có hiểu biết lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất, để phục vụ cho lợi ích “sân sau”, lợi ích nhóm. Nếu là do cơ chế, tại sao nhiều cán bộ, công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng? Không thể nói những cán bộ đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng, có danh dự. Trong khi đó, những vị chức to, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì sao có thể làm đúng được...
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhận thức đúng đắn, phân định rõ giữa đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với hành động vô kỷ luật, vô tổ chức. Dù trong bất cứ lĩnh vực, hoàn cảnh nào, việc đổi mới, sáng tạo cũng phải hướng đến mục đích phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Ðiều này cũng đã được Bác Hồ chỉ ra: “Chúng ta phải nhận rõ, bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” là lời răn dạy sâu sắc của Bác Hồ mà mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ.
Thực tế cho thấy, một khi cán bộ làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Nếu đội ngũ cán bộ của chúng ta thực hiện mọi việc đều vì lợi ích của Nhân dân, mang lại hiệu quả cho sự phát triển và tiến bộ xã hội thì dù “vượt rào”, “xé rào” cơ chế cũng luôn được ủng hộ. Ðó là điều chắc chắn./.
Bá Hiên - Minh Mạnh - Thuý An - Anh Minh
Bài cuối: Gỡ “nút thắt” để cán bộ năng động, sáng tạo