Ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Tam Giang Ðông, thông tin, địa phương có 3/6 ấp có đất sản xuất nằm trên lâm phần rừng phòng hộ. Hiện nay, việc quản lý, chỉ đạo phát triển các loài thuỷ sản kết hợp với con tôm dưới tán rừng ở các ấp này gặp nhiều bất cập, do đa phần người dân nhận khoán đất rừng của các đơn vị tự túc trước đây, diện tích mặt nước ít, khó mở rộng sản xuất.
“Bây giờ con tôm vẫn còn “ôm gốc đước” nhưng không nhiều, do người dân còn nuôi theo kiểu truyền thống. Nếu bà con phát triển mô hình như nuôi sò, vọp trong khu vực đất sản xuất, nằm trên lâm phần rừng phòng hộ, thì tỷ lệ đạt không cao do không có diện tích trống nhiều. Thực tế những năm qua, người dân cũng thực hiện nhiều mô hình nuôi cá, vọp, sò và nuôi tôm 2 giai đoạn, nhưng nhìn chung vẫn chưa hiệu quả”, ông Sáu trần tình.
Ðã qua, xã Tam Giang Ðông thực hiện thí điểm mô hình nuôi sò huyết nhưng hiệu quả chưa cao.
Số liệu thống kê, xã Tam Giang Ðông có 4.628 ha đất nuôi trồng thuỷ sản, trong đó chỉ có 5,81 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, 855 ha quảng cảnh cải tiến, còn lại 3.768 ha tôm - rừng. Ða phần nuôi thuỷ sản phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, xổ theo con nước, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, từ đó năng suất đạt không cao. “Nhìn chung, trên địa bàn xã đến giờ này, việc nuôi trồng thuỷ sản của người dân chỉ làm theo kinh nghiệm truyền thống, chưa có mô hình và giải pháp nào hữu hiệu. Bà con khao khát có cách sản xuất nào đó hiệu quả để thay thế cho cách làm hiện nay, nhưng vẫn chưa tìm được”, ông Trần Ẩn, Bí thư Chi bộ ấp Mai Vinh, chia sẻ.
Với chiều dài bờ biển khoảng 16 km, có 2 cửa biển là Hố Gùi và Bồ Ðề, 65 phương tiện tàu cá tham gia đánh bắt biển, nên ngoài nuôi trồng thì việc đánh bắt thuỷ sản là nguồn thu nhập đứng thứ hai của người dân, nhưng vẫn không mấy khởi sắc.
Tàu đánh bắt biển của người dân ấp Hố Gùi.
Ông Nguyễn Văn Khởi, Bí thư Chi bộ ấp Hố Gùi, thông tin, ấp có khu tái định cư gần cửa biển Hố Gùi do Hội Chữ thập đỏ Thuỵ Sĩ tài trợ. Về nhà ở, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là có lộ cấp 6 đồng bằng về trung tâm xã, có đầy đủ trường học, từ mẫu giáo đến THCS. “Cuộc sống người dân trước đây khá sung túc nhờ đánh bắt biển, nhưng do nguồn lợi không còn nhiều dẫn đến cuộc sống bấp bênh. Cả năm nay, việc khai thác biển không đạt hiệu quả, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Có trên 10% số hộ bỏ đi lao động ngoài tỉnh, người ở lại đa số làm thuê, làm mướn”, ông Khởi nêu thực tế.
Trong chuyến làm việc với Ban Chấp hành Ðảng bộ xã Tam Giang Ðông vào trung tuần tháng 11 vừa qua, ông Lượng Trọng Quyền, Bí thư Huyện uỷ, lưu ý, địa phương cần quan tâm tuyên truyền, dự báo lịch thời vụ, đồng thời khuyến khích bà con đa dạng sản xuất; hướng dẫn bà con cách thức nuôi trồng, lựa chọn cây, con cho phù hợp; đặc biệt, tận dụng các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững./.
Công Tố