(CMO) Qua loạt bài 2 kỳ: “Từ chuyện "lùm xùm" bến khách ngang sông”, ra ngày 12, 13/4/2021, báo Cà Mau phản ánh về thực trạng quản lý, kiểm tra và cấp phép bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau vốn còn nhiều bất cập do sự thay đổi các quy định trong khoảng thời gian ngắn.
Từ đó xảy ra không ít vấn đề tranh chấp vì hiểu chưa đúng các quy định cấp phép, quy định bến khách, cấp quản lý, kiểm tra… Nguy hiểm hơn, từ đây dẫn đến tình trạng tồn tại những mâu thuẫn không đáng có âm ỉ, kéo dài và phát sinh.
Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Sơn cho hay: “Sở đang nghiên cứu và đề xuất trình UBND tỉnh về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân cấp đường thuỷ nội địa do UBND các huyện, TP Cà Mau quản lý theo Nghị định số 08/2021 quy định về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa. Thời gian dự kiến trình thông qua vào quý II/2021”.
Thực tế cho thấy, những năm 2014-2015, nhu cầu bến khách ngang sông bắt đầu gia tăng khi hệ thống giao thông bộ của tỉnh phát triển trong khi địa hình nhiều sông rạch, việc xây cầu khi đó còn ít. Thế nên, chỉ bến khách ngang sông mới đáp ứng nhu cầu đi lại và các hoạt động giao thương.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có đến 542 bến thuỷ nội địa và 241 bến khách ngang sông. Trong đó, vì nhiều lý do hiện còn đến 11 bến thuỷ nội địa chưa được cấp phép vẫn tồn tại hoạt động. Riêng bến khách ngang sông, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Ðều có giấy phép hoạt động hoặc gia hạn thời gian hoạt động theo quy định”.
Bến phà trên nhánh sông Tam Giang. |
Tuy nhiên, việc lùm xùm những sự vụ liên quan đến bến khách ngang sông như đã phản ánh phần nhiều do sự hiểu biết các quy định cũng như hồ sơ bàn giao về Sở GTVT từ trước khi áp dụng Thông tư số 50/2014 của Bộ GTVT (Thông tư 50) thiếu chặt chẽ.
Hiện Cà Mau có đến 58 tuyến đường thuỷ nội địa chính với tổng chiều dài khoảng 1.200 km, bao gồm: 13 tuyến do Trung ương quản lý, với chiều dài 227 km; 12 tuyến do tỉnh quản lý, tổng chiều dài 349 km; 33 tuyến còn lại do huyện, thành phố quản lý, với tổng chiều dài hơn 559 km.
Bên cạnh đó, còn khoảng hơn 9.000 km kênh, sông, rạch phục vụ thuỷ lợi và vận chuyển hàng hoá của người dân. Do đó, thực hiện cấp phép hoạt động, cấp lại phép hoạt động bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định hiện hành (Thông tư 50), đòi hỏi Sở GTVT phải bố trí nguồn nhân lực lớn. Vấn đề này không phù hợp với điều kiện, biên chế hiện tại của Sở GTVT.
Nhận thấy những vấn đề mới khi Thông tư 50 ban hành hiệu lực từ đầu năm 2015 về quy định quản lý cảng, bến thuỷ nội địa, UBND tỉnh Cà Mau sớm có tờ trình Bộ GTVT. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1822/QÐ-UBND ngày 5/12/2014 về phê duyệt quy hoạch bến thuỷ nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Ðiều đặc biệt cần lưu tâm với bến khách ngang sông là, dù bến tư nhân hay bến do Nhà nước quản lý, điều cốt yếu vẫn phải chịu sự giám sát, quản lý của Nhà nước về các mặt thủ tục, quy định, tiêu chuẩn, kể cả quản lý về tình hình an ninh trật tự. Chứ không thể tuỳ tiện mở mới hoặc cho ngưng bến cũ khi chưa thực sự cần thiết và khi chưa có giải pháp lưu thông thay thế.
Với địa phương có địa hình sông rạch nhiều như Cà Mau và hiện trạng giao thông bộ đang phát triển mạnh mẽ, những bến khách ngang sông đảm bảo an toàn vẫn được xem xét mở mới nhằm đảm bảo nhu cầu và chặt chẽ các quy định.
Do vậy, vấn đề tham mưu trình cấp thẩm quyền xem xét xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về phân cấp đường thuỷ nội địa do UBND các huyện, thành phố trong tỉnh quản lý theo Nghị định số 08/2021 là cần thiết, cấp thiết.
Ðó cũng là mục tiêu hướng tới nâng cao chất lượng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh cũng như việc quản lý, kiểm soát hoạt động bến khách ngang sông ở mỗi địa phương được quy củ. Ðảm bảo tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ./.
Phong Phú