ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 15:36:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chảy về đâu, sông ơi?

Báo Cà Mau (CMO) “Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu? Mà khi về đất nước mình thì bắt lên câu hát Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…” (Nguyễn Khoa Điềm)

Ngày còn rất nhỏ, mỗi lần đứng nhìn dòng sông lặng lờ chảy ngang qua xóm làng, tôi tự hỏi lòng dòng sông kia bắt nước từ đâu và chảy xuôi về phương nào? Chắc là xa xôi lắm!

Tôi đem thắc mắc đó hỏi bà tôi, nhưng bà không lý giải được cái dấu hỏi lơ lửng trong đầu tôi. Bà tôi ôn tồn nói rằng: “Sông dài như cuộc đời vậy đó con”.

“Sông dài như cuộc đời”, câu nói của bà đã theo tôi qua nhiều năm tháng.

Dòng sông quê luôn là một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ.
Những chiếc ghe hàng bông luôn xuôi ngược trên sông quê. 

Hồi bé, tôi đâu biết con sông chảy đi đâu và cuộc đời con người dài bao lâu. Dòng sông bấy giờ chỉ là tấm gương phản chiếu những kỷ niệm tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo. Bảy, tám tuổi, tôi thường hay lén má bơi nổi bơi chìm trên quãng sông này vào mỗi buổi chiều tà. Má dặn, sông sâu nước cả, đừng có bơi kẻo nước cuốn trôi đi. Tôi gật đầu. Ấy vậy mà sự quyến rũ của những cánh chuồn chuồn bay là đà trên mặt sông, làn nước mát lành lấp ló mấy sợi rong đuôi chồn dưới đáy nước khiến tôi không thể cưỡng lại được. Bốn năm đứa đứng trên bờ co chân phóng thẳng xuống nước rồi cứ thế mà sải tay quạt nước tiến về phía trước xem đứa nào bơi giỏi hơn đứa nào. Bao giờ tôi cũng về nhì, thằng Dũng về tư và Hồng Hà về bét. Nó tức khóc đỏ hoe đôi mắt, còn thằng Tùng thì lấy làm thích thú bởi nó là đứa bơi giỏi nhất trong đám trẻ xóm này. Thằng Tùng tự hào về điều đó. Và bao giờ chơi đá banh mà trái banh rơi xuống nước thì nó cũng “xung phong” lội nước vớt trái banh. Dòng sông quê tôi, mùa hè cánh phượng theo gió rớt xuống là đà trên từng cánh sóng. Xóm tôi đẹp nhất có lẽ là vào mùa hè. Phượng đỏ rực hai bên bờ sông. Những mái nhà rơm rạ đầy sân vàng giòn và cái nắng tháng Tư, tháng Năm nhuộm rực cả khoảng trời tươi thắm. Dòng sông mùa hè vì thế cũng đẹp hơn gấp bội phần. Chiều mát, chúng tôi hay rủ nhau ra bờ sông thả diều. Trong xóm chỉ có đôi trâu nhà ông Thuấn. Chúng tôi thường năn nỉ ông Thuấn để chúng tôi chăn đôi trâu ngoài bãi sông đầu xóm. Dĩ nhiên là ông Thuấn vui vẻ gật đầu. Chúng tôi hay ngồi trên lưng con trâu đang ngụp lặn ngoài triền sông, cỏ nước mọc lên mềm như tấm thảm. Trâu nhai cỏ, chúng tôi ngẩng mặt lên trời. Xóm bên kia có đứa trẻ nào thả diều bay vi vút trên nền trời biêng biếc. Chim trời vỗ cánh chao nghiêng. Ôi, những năm tháng tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông xinh đẹp. Đoạn đầu cuộc đời, dòng sông trở thành tấm gương phản chiếu tâm hồn, dòng nước hiện sinh cưu mang những ký ức tuổi thơ, vỗ về niềm vui con trẻ…

Vậy đó, dòng sông hiền hậu vô ngần, cớ gì má tôi lại không cho tôi ra ngoài quãng sông đùa nghịch? Tôi mỉm cười, sông lành như tuổi thần tiên.

Thời gian trôi qua, lũ trẻ xóm nghèo ngày một lớn lên, bọn con trai vỡ giọng ồm ồm như vịt đực, còn bọn con gái cũng ngại ngần không dám ở trần tắm sông như mấy năm về trước. Chúng tôi có vẻ e ấp hơn. Tuy nhiên, những cuộc chơi vẫn cứ diễn ra đều đặn bên dòng sông này. Chừng ấy năm những tưởng suy nghĩ trẻ con đã dần phôi pha trong trí óc, nhưng không, tôi vẫn cứ mộng mơ về một miền đất xa xôi rợp màu cỏ hoa, những biền bãi xanh um có dòng sông chảy qua - sông nguồn tươi mát.

Dạo nọ, tôi theo má đi ghe về thăm một người họ hàng xa. Hình như chiếc ghe đi lâu lắm, xa lắm. Sáng sớm má khệ nệ mang đồ xuống dưới ghe, mang theo cả cơm, canh nữa. Má nói đường xa, dọc đường phải neo lại ăn cơm mới có sức mà đi tiếp. Máy nổ, chiếc ghe chạy chầm chậm ra khỏi xóm. Chiếc ghe đi qua bao nhiêu dòng sông, sông này nối tiếp sông khác, sông nhỏ đổ ra sông lớn bạt ngàn sóng trắng lập lờ… Tôi mới biết sông rẽ về muôn hướng chứ đâu phải một nhánh chảy hoài. Mà nước mình thì mênh mông lắm. Đất rộng thì sông phải dài, quanh co, khúc khuỷu. Nhưng đích đến của sông là đâu? Tôi nghĩ mãi vẫn không đoán được. Má chở tôi về xóm nhỏ xa xôi, nơi có người họ hàng xa của tôi lâu ngày không gặp, xóm làng vắng vẻ, cạnh bên bờ sông có mấy lò gạch cũ khói còn vơ vẩn bay lên. Nắng chiều nghiêng ngả.

Hồi này gia đình tôi sống bằng nghề bán hàng bông. Sáng sớm, má tôi đi ghe lên miệt Vĩnh Thuận lấy rau cải tươi về bán lại kiếm lời. Cuộc mưu sinh của má diễn ra trên những dòng sông. Mùa hè không phải cắp sách đến trường, tôi đi cùng với má. Má nói, đi với má thì phải thức dậy thiệt sớm, thức trễ đi lấy hàng không kịp, về tới là trưa trờ trưa trật ai đâu mà mua. Tôi thức dậy vừa đi vừa dụi mắt, xuống ghe, tôi nằm co ro trong khoang ngủ thiếp đi, còn má tôi ngồi sau lái điều khiển chiếc máy koler cũ mua lại từ một người khác. Lâu lâu má nhắc tôi trùm mền kín lại, muỗi trên sông nhiều vô kể. Cũng có khi tôi không ngủ, tôi ngồi chống tay lên cằm nhìn dòng sông huyền hoặc trong đêm. Bóng trăng trên sông dường như cũng đang đi theo chiếc ghe của má con tôi. Ghe đi đến đâu trăng theo đến đó, gió sông lồng lộng, đêm sông yên bình. Dòng sông thuở ấy gắn với những chuyến hành trình nhọc nhằn, vất vả của má con tôi.

Tôi lớn lên, lũ trẻ xóm nghèo năm nào cũng lớn. Những trò chơi dân gian, những điệu đồng dao không còn vang lên như hồi chúng tôi còn bé xíu. Tôi đã từng chứng kiến những vui buồn diễn ra trên dòng sông này. Bao cuộc hò hẹn bên bờ sông, bao mối tình quê đẹp như tranh vẽ, hiền như nhành lúa trổ đòng đòng. Tình yêu có sông quê làm chứng, sông quê dẫn lối chú rể đến rước cô dâu về dựng xây tổ ấm, chắt chiu yêu thương, sáng ngời đạo nghĩa vợ chồng. Sông bình an vậy đó, vậy mà có đôi khi sông khắc nghiệt vô cùng. Tháng năm nào tôi nhìn thấy đôi vợ chồng xứ khác đi ghe ngang qua xóm nghèo vô tình để đứa con rơi xuống sông, dòng nước hung hãn cuốn đứa bé trôi đi, người chồng mò mãi vẫn không tìm thấy xác. Người vợ vì đau lòng quá hoá điên. Họ lẳng lặng rời xóm tôi đi trong một đêm mưa gió bão bùng. Nhiều lần tôi đi ngang qua một chiếc ghe đậu ngoài bến sông đầu xóm, tôi ngó đăm đăm, xem thử có phải vợ chồng người thương hồ bất hạnh năm nào hay không. Nhưng không, họ là những con người khác, những gương mặt khác. Biết bao người đã lui tới trên sông. Vui nhiều mà buồn cũng nhiều. Dòng sông là dòng đời, phải vậy không? Bà tôi bảo: “Sông có khúc, người có lúc”. Ngày trước tôi cứ ngỡ câu nói của bà mang hàm ý “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, nhưng mãi về sau tôi còn ngẫm nghiệm ra rằng: Đời có lúc vui, lúc buồn; Cũng như sông, khúc dữ dằn, khúc êm dịu. Mà, nỗi buồn đau gắn với dòng sông thì còn khắc khoải hơn gấp trăm ngàn lần.

Sông vẫn chảy…

Tôi nghe người ta nói rằng: “Sông này đổ về sông khác, chảy xuôi về biển cả. Mà biển rộng vô cùng, có đi hết trăm ngàn cuộc đời cũng không thể trọn vẹn trùng khơi”.

Hoá ra, biển chính là đích đến của sông, là nơi cuối cùng của những con nước chảy trên dòng. Sông về với biển.

 Tôi chưa thể hiểu hết cái câu “Đời người dài như sông” của bà tôi ngày xưa, bởi tôi chỉ mới sống được một phần ba trong “sáu mươi năm cuộc đời”. Nhưng những cuộc đời ba chìm bảy nổi trên sông thì tôi có dịp chứng kiến, khóc, cười, buồn, vui… Chẳng phải cuộc đời của má tôi cũng dài, lúc phong ba, lúc yên bình như dòng sông hay sao? Mà phong ba với yên bình thì làm sao đo đếm được, khổ đau hay hạnh phúc suy cho cùng cũng là một phần của cuộc đời. Đâu thể sống mà không buồn đau? Cũng đâu thể sống một cuộc đời chỉ toàn niềm vui, chỉ toàn nụ cười? Đời đâu dễ dàng như vậy? 

Đắng cay là sông. Ngọt ngào cũng là sông. Những dòng sông luôn chảy…/.

Hoàng Khánh Duy

Mùi Tết của má

Hăm tám Tết, Nhiên phi như bay từ Sài Gòn về nhà, sau hồi bịn rịn cho có với mấy đứa bạn cùng trọ, cùng “bị” về quê trễ như mình.

Về quê với má

(CMO) Mấy năm dịch giã bó gối, chồn chân, vợ chồng tôi quyết định Tết năm nay làm một chuyến du xuân đổi gió cho đã thèm. Tất nhiên, tụi nhỏ cũng giơ hết tay chân đồng ý. Ðịa điểm, lịch trình, thuê xe, kinh phí chuẩn bị sẵn sàng. Tôi và vợ điện thoại về quê cho nội, ngoại hay. Thế là háo hức lên đường.

Bên hồ đá trong xanh

Tạm biệt Sài Gòn

Còn chồi sẽ lên cây...

Ðám cưới phòng 13

Trường xưa

Phục tùng mệnh lệnh

Duyên phận

Sài Gòn mùa yêu thương