(CMO) Mấy bận lên TP Hồ Chí Minh để họp mặt đồng hương dịp cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ tình cảm nồng nàn của dân Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) đối với quê hương.
Có xa xôi gì đâu, hơn 300 cây số chứ bao nhiêu. Ấy vậy mà có nhiều cô chú cứ thắc thỏm: “Già rồi, ít về dưới quê. Tụi con coi, mỗi năm cứ vắng đi một vài người”. Rồi những câu chuyện của năm nẳm năm nao, thuở người Cà Mau ngón chân còn chưa rỏ phèn lên phố để làm “người Sài Gòn bất đắc dĩ” (tên tập ký của Nhà văn Võ Đắc Danh) lại ùa về. Nhớ mùi mắm đồng kho, nhớ chuyến tàu tốc hành ngược xuôi trên sông cái, nhớ cả chang đước, hương tràm, nhớ trường làng với lũ bạn đầu khét nắng, nhớ người mẹ Cà Mau nhẫn nại nuôi lớn con rồi cứ tết tới là ra bến sông mắt ngó nhìn vời vợi…
Tâm tình người xa quê
Chuyến đi dịp Tết Canh Tý này, Anh Tuấn (Đài Truyền hình Cà Mau) có nhiều kỷ niệm vui. Có một cô bạn tên Chung, công tác ngành ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh tìm gặp cho bằng được anh chỉ để nói một câu chuyện của thời áo trắng: “Hồi đó, nhà em ngang sông nhà anh, mỗi bận đi phà dìa, em cứ ngó anh hoài mà hổng dám hỏi thăm, vì anh là phát thanh viên, là... người nổi tiếng”. Nhà anh Tuấn ở Hoà Thành, còn mé bên kia sông là xã Lương Thế Trân, ngày đó vẫn còn những chuyến phà xuôi ngược để lên Cà Mau. Cô bạn còn thổ lộ: “Trên này em vẫn hay coi đài Cà Mau, thấy anh Tuấn hổng khác hồi đó bao nhiêu, vẫn đẹp trai quá chừng”. Vậy là cả nhóm anh em báo chí Cà Mau cười ồ lên, quay sang chọc ghẹo Anh Tuấn: “Phải chi hồi đó em gái làm quen đại, biết đâu bây giờ còn ở dưới Cà Mau chớ đâu cần lên Sài Gòn mần chi”.
Vậy rồi bạn Chung chia sẻ: “Xa quê trên này nhớ lắm mấy anh ơi. Nhất là dịp gần tết vậy nè. Nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ tùm lum thứ hết”. Xa quê, ai mà không nhớ. Trên Sài Gòn này, có hơn 1 ngàn gia đình dân Minh Hải gốc, thế nên nỗi nhớ cũng dài rộng mênh mông. Trên khán đài, một chú tự giới thiệu: “Tao năm nay 84 tuổi, còn nhảy nhạc ngon, ông anh 89 tuổi năm rồi dự họp mặt, nay đi hết nổi”. Và giai điệu quê hương cất lên “Rằng quê Minh Hải mình đây…”. Chợt người ta ngó quanh, kiểm đếm lại những gương mặt thân quen, những người thuộc lớp đầu lên Sài Gòn sau ngày giải phóng. Cái được nhất là hầu hết đều thành đạt, nhưng trong khoảnh khắc ấy, người ta chợt hụt hẫng khi khều vai nhau nói nhỏ: “Quay qua quay lại xa quê mấy chục năm, nhiều người cũng đã theo ông bà tổ tiên về dưới Cà Mau rồi đó nghen…”.
Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Dương Thanh Bình ân cần thăm hỏi các cô chú cao niên là người Minh Hải đang sinh sống, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. |
Thoáng thấy Nhà báo Trần Thanh Phương, tôi chỉ kịp gật đầu chào, bởi chú hơi mệt nên không trò chuyện được nhiều. Mấy năm trước, chú còn khoẻ, hay ngồi kể chuyện về Cà Mau cho chúng tôi nghe. Hôm ghé thăm nhà chú ở Đường Cày, người em ruột của chú cho biết: “Anh Hai bệnh nên ít về. Ổng tính hoài mà chưa đi được”. Về Cà Mau hơi xa, nên chú Phương vẫn cố gắng đến với đồng hương trong dịp họp mặt tại Sài Gòn. Để ý thấy gần hết buổi, chú Phương hầu như không nói gì, lật mấy tờ báo xuân ra đọc, xong rồi thì ánh mắt xa xăm ngó quanh như tìm kiếm lại quê nhà trong những mặt người, giọng nói. Riêng tôi, nhớ hoài lời chú tâm sự trong một dịp riêng chú cháu ngồi với nhau tại tư gia của chú ở Sài Gòn: “Chú biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Ai mà dè một đứa chăn trâu, chữ nghĩa không đầy lá mít như chú lại được ăn học đàng hoàng, trở thành nhà báo”.
Điện thoại chợt reo, nổi số của dượng Út Siêu, con rể của bà dì Tư (em của bà nội tôi). Dượng đang làm lãnh đạo một công ty lớn ở Sài Gòn, năm nào cũng dự họp mặt để trao học bổng cho con em người Minh Hải. Bà dì Tư lấy chồng miệt Nhưng Miên, có thời gian lên Sài Gòn ở với cô dượng Út. Nhưng càng lớn tuổi, bà càng đòi về Cà Mau với một điệp khúc: “Ở đây tao nhớ quê chịu hết nổi rồi”, vậy là phải chiều ý bà. Dượng Út nói, ở Sài Gòn mà bà dì Tư cứ kể chuyện về rừng đước, về hàng đáy, ba khía, tôm khô, về Xẻo Lá, làm con cháu cũng ngắc ngoải nhớ Cà Mau. Ở trên Sài Gòn, người ta nếu biết mình là dân Cà Mau lên thì ngưỡng mộ dữ trời lắm. Người Sài Gòn khi nói về Cà Mau là biết bao nhiêu thứ thèm thuồng. Hồi ở quê, mình thấy mấy cái đó bình thường, nhưng thiệt ra bây giờ trên này là đặc sản vô nhà hàng sang trọng hết. Dượng hẹn, tết dìa Cà Mau phải mần một chuyến thăm hỏi bà con giáp vòng cho thoả dạ.
Hướng về quê hương
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải có những lời gởi gắm chân thành đến bà con xa quê, đại ý là cùng chung sức, nghĩ suy và hành động vì một Cà Mau giàu đẹp. Cà Mau trong năm 2019 có nhiều dấu ấn làm phấn chấn lòng người. Cà Mau không còn đò giang cách trở, không còn là những vùng quê lam lũ. TP Cà Mau đã khoác lên diện mạo của một đô thị hiện đại. Nông thôn Cà Mau đã giàu đẹp, trù phú với hai hệ sinh thái mặn - ngọt. Nhiều người chắc mẩm rằng: “Sài Gòn có gì, Cà Mau có đó, mà nhiều thứ Cà Mau có mà chưa chắc Sài Gòn đã có”. Ví dụ đưa ra thì mênh mông… Như ba khía muối, như gác kèo ong rừng tràm, như Mũi Cà Mau chẳng hạn… Và không ai có thể chối cãi những căn cứ quá trời thuyết phục như vậy.
Gian hàng giới thiệu đặc sản Cà Mau tại ngày họp mặt đồng hương ở TP Hồ Chí Minh. |
Với Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Việt Lắm, ông khẳng định: “Dân Cà Mau mình với người quê khác thì để thương, để nhớ và sống với nhau thì thuỷ chung sau trước”. Ông Mười Lắm cho biết: “Nhiều người Cà Mau khi sắp lìa trần, căn dặn con cháu lấy hết tiền phúng điếu trong đám tang của mình để gởi về góp sức cho quê hương”. Hay như Nhà văn Võ Đắc Danh, góp tiền bán sách để xây nên mấy chục cây cầu cho những miền quê xa Cà Mau. Nhà văn Võ Đắc Danh tự nhận mình là “người Sài Gòn bất đắc dĩ”, còn vốn dĩ và mãi mãi là người Cà Mau.
Anh Phan Trường Duy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Đại Phú thổ lộ: “Tôi quê ở Tân Tiến, Đầm Dơi. Biết Cà Mau ngày càng phát triển thì mừng lắm. Thế hệ trẻ như mình còn phải học hỏi các cô chú đi trước thật nhiều để biết yêu thương, gắn bó và san sẻ với quê hương”. Thật vui mừng! Trong những lần họp mặt đồng hương, chúng tôi còn thấy cả sự kế thừa và lan toả của niềm tự hào quê hương. Có nhiều bạn sinh ra ở Sài Gòn, lâu lâu về thăm Cà Mau, không am hiểu Cà Mau nhiều, nhưng khi được ai hỏi vẫn dõng dạc giới thiệu: “Tôi quê gốc ở Cà Mau”. Biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, khi mật lòng đủ chín, những người trẻ ấy lại trở về, lại trở thành dân Cà Mau chánh hiệu và góp sức để quê nhà cất cánh.
Họp mặt đồng hương giữa Sài Gòn, mọi người ăn bánh tét, tôm càng kho tàu, tôm khô, dưa kiệu. Bài vọng cổ lắng men sâu của tháng năm nào, ân tình nào, kỷ niệm nào ở phía đất Cà Mau. Tôi đọc một câu văn của Nhà văn Phan An mà cứ khắc khoải mãi, nghĩ rằng đó cũng là tâm tư không của riêng ai: “Những dòng sông đi suốt đêm ngày, nhưng lúc nào cũng luôn ở đó”. Thì vậy, ai có bôn ba ngược xuôi khắp nẻo, thì Cà Mau là một và trái tim thì cũng chỉ một nẻo để hướng về./.
Phạm Quốc Rin