ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 06:36:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ những lời nói tâm đắc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo Cà Mau Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng tận hiến của mình, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, bài nói vô cùng sâu sắc, nhân văn, mang tầm thời đại về công tác xây dựng Ðảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, nhất là về xây dựng đạo đức người cán bộ, đảng viên, vì lý tưởng cao đẹp của Ðảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. (Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cà Mau trao tập sách và học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn thành phố, năm học 2024-2025).

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. (Trong ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cà Mau trao tập sách và học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn thành phố, năm học 2024-2025).

Bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và tinh thần cách mạng tiến công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều công trình nghiên cứu đặc biệt giá trị về lý luận, thực tiễn và hành động, nhất là tổng kết quá trình gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước do Ðảng lãnh đạo. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Vì sao Ðảng Cộng sản Liên Xô tan rã”; “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Biến thách thức thành cơ hội, quyết tâm tạo đột phá đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững”; “Xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng”; “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”; “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam”; “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”...

Bên cạnh những công trình lý luận to lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài phát biểu, lời nói ấn tượng, giản dị, sâu sắc, gần gũi, đầy tính triết lý, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tổng Bí thư luôn nhớ nằm lòng câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của Nhà văn Nga  (Nhi-cô-lai Ốt-xtơrốp-xki): "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".

Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, nhất quán giữa nói và làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tại buổi lễ nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Ðảng diễn ra ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ: “Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Ðảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Ðảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản!".

Trên lĩnh vực thực hành tư tưởng, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời về tinh thần tự học, tự rèn luyện, tự soi, tự sửa và nêu gương trên các lĩnh vực công tác Ðảng, nhất là trong học tập, làm theo và nêu gương thực hành đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đấu tranh tự phê bình và phê bình, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Uỷ viên Trung ương Ðảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ: “Trong cuộc sống đời thường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người rất giản dị, liêm khiết, chuyên cần, gần gũi với người dân. Không chỉ riêng mình, đồng chí còn truyền những giá trị tốt đẹp đó cho cả gia đình, để thực sự là một gia đình gương mẫu. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về con cái rất nghiêm khắc. Luôn yêu cầu các con phải tự lực cánh sinh, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình. Khi làm Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng đề nghị thay xe mới theo chế độ, đồng chí nói “Xe vẫn chạy tốt, sao phải thay làm gì cho tốn kém!”. Và đồng chí vẫn sử chiếc xe Toyota Cresida cũ. Chính lối sống giản dị, liêm khiết, gần gũi, chia sẻ với mọi người, trở thành một tấm gương mẫu mực của người cộng sản, đã để lại những tình cảm rất sâu sắc, rộng lớn trong các tầng lớp Nhân dân cả nước”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Công tác tư tưởng là công tác quan trọng hàng đầu, nhưng khó ở chỗ tư tưởng rất trừu tượng... Ðiều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân, kể cả trong cán bộ tuyên giáo là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất hết nhuệ khí đấu tranh... Chính vì vậy, tôi mong muốn toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là ngành tuyên giáo và đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn ý nghĩa, vai trò, vị trò quan trọng của công tác tư tưởng. Ngành tuyên giáo phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng. Ðấy chính là nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đã đi, tuyệt đối không dao động, mơ hồ... Ðó là để tất cả chúng ta phải kiên định con đường đi lên dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Theo Tổng Bí thư, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác một cách chân thực, khách quan, xây dựng, cùng tiến bộ.

Tại nhiều cuộc họp khác nhau, Tổng Bí thư đều nhất quán quan điểm: "Mọi đảng viên đều phải tự gột rửa, tự sửa mình". Ðồng thời, không ít lần căn dặn lãnh đạo, cán bộ, đảng viên: "Ðời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu? Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

Một điều khiến người dân nhớ mãi về Tổng Bí thư chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Ðảng, Nhà nước, nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và gần gũi. Tháng 11/2020, dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư về thăm thầy cô và mái trường nơi mình từng học hành, chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô... "Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020 - PV) nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học".

Một trong những dấu ấn đọng lại trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thực hiện liên tục, bền bỉ, từ Trung ương đến địa phương, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Tổng Bí thư nhấn mạnh, chống tham nhũng, xử lý cán bộ vi phạm không phải vì trị ai, thù oán ai, mà hoàn toàn vì nhân văn, nhân đạo. Như Bác Hồ nói, phải cưa một cành mọt, sâu để cứu cả cái cây; xử một vài người để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa người khác đừng vi phạm. "Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận để tránh nhụt chí, không ai muốn làm, nhưng rõ ràng tư tưởng đó là sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sáng 31/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu? Và không thể đứng ngoài được! Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công!".

Thấm nhuần những chỉ đạo, bài nói, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương luôn nỗ lực, vượt khó, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Ðặc biệt, trong giai đoạn đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì những lời tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là nguồn sức mạnh, cổ vũ toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta viết tiếp những thành tựu mới trong giai đoạn cách mạng mới./.

 

Ðỗ Chí Công

 

Sách lý luận chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Sách lý luận chính trị được ví như cẩm nang của cán bộ, đảng viên, chuyên cung cấp hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, kết quả hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị qua từng giai đoạn lịch sử, có tính kế thừa và phát triển. Sách lý luận chính trị rất “kén” người đọc, bởi nội dung còn khô khan. Song, giá trị của sách lý luận chính trị vô cùng to lớn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Phụ nữ khẳng định tầm quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Phụ nữ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì phụ nữ vừa là lực lượng trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, vừa là đối tượng mà các thế lực thù địch nhắm tới hòng thực hiện âm mưu chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ ta. Ðể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng phải đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Ðảng viên lan toả thông tin tích cực

Với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, việc thường xuyên chia sẻ, lan toả thông tin tích cực khi sử dụng mạng xã hội của đội ngũ đảng viên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng hiện nay.

Báo chí khẳng định vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng - Bài cuối: Xứng đáng hơn nữa trên mặt trận tư tưởng

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí. Nhận thức được trọng trách là công cụ đắc lực, vũ khí sắc bén của Ðảng trên mặt trận tư tưởng, các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa những mặt tích cực; khắc phục những hạn chế, khó khăn; đề ra và thực hiện những giải pháp tối ưu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong tình hình mới.

Báo chí khẳng định vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng - Bài 1: Báo chí đồng hành cùng thời đại

Trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, báo chí luôn đóng vai trò quan trọng, là vũ khí, công cụ đắc lực của Ðảng trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta luôn đề cao vai trò báo chí từ buổi sơ khai của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhất là trong giai đoạn cả hệ thống chính trị ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, thì vai trò của báo chí càng được đặc biệt quan tâm.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ

Thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết số 43), ngày 24/11/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đã tiếp tục kế thừa, khẳng định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại.

Tuổi trẻ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) thị trấn Cái Ðôi Vàm luôn là lực lượng tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đồng thời xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời đại mới.

Nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng

Ðấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và Nhân dân là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, đó cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước và dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của dân tộc ta tạo thành khối đại đoàn kết mà hạt nhân lãnh đạo là Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động sẽ chiến thắng mọi kẻ thù, các thế lực phản động.

Sức sống xanh của tuổi trẻ

Ðể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, hơn ai hết, thanh niên phải được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này.

Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và coi trọng sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là người hiền tài, đức độ. Người khẳng định: “Có tài phải có đức” [1] và “Ðức phải có trước tài” [2]. Bởi “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.