ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 26-9-24 03:19:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chợ trầu cau

Báo Cà Mau (CMO) “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mặc dù tập tục ăn trầu không còn phổ biến, nhưng ngày nay trầu cau vẫn được dùng trong việc cúng kiếng (cúng bà, cúng mụ, cúng tổ tiên, đất đai dương trạch…); đặc biệt, trong sự kiện trọng đại của đời người, đó là việc kết hôn.

 “Trầu nầy khấn nguyện tơ hồng
Trầu nầy kết nghĩa loan phòng từ đây!”
                                              (ca dao)

Có lẽ xuất phát từ nội dung câu chuyện trong "Sự tích trầu cau" là nhắc nhở con người về sự thuỷ chung nên mâm trầu nhất thiết phải có trong lễ ăn hỏi và lễ cưới để thể hiện ước vọng hạnh phúc.

Cũng vì vậy, ở TP Cà Mau vẫn tồn tại một chợ trầu cau mấy chục năm qua (hiện nằm tại đường Trưng Trắc, Phường 2, cặp cầu Cà Mau).

“Chợ trầu cau” là cách gọi của nhiều người, chứ thật ra giờ chỉ còn 4 sạp bán mặt hàng này. Bà Trang Thị Cẩm Liễu, 60 tuổi, có thâm niên bán trầu 40 năm qua, nhớ lại: “Hồi đó có tới mấy chục người bán trầu cau, trong đó có nhiều người từ miền Trung, miền Bắc vào. Người ta bày bán bằng xịa, thúng, ngồi rải rác dọc từ gần Chùa Bà dài tới gần Cầu Cũ (cầu Phan Ngọc Hiển - PV). Lúc đó bán trầu cau được lắm. Xóm tôi dưới Phường 1, trong hẻm chùa Khmer có bà chị gánh nước mướn, thấy cực quá tôi rủ đi bán trầu. Bán được, chị bỏ luôn nghề gánh nước, còn kéo thêm mấy người em đi bán”.

Bà Trang Thị Cẩm Liễu có thâm niên bán trầu cau 40 năm qua.

Với bà Liễu, bán trầu cũng là một cơ duyên. Ban đầu bà gánh trầu mướn cho cặp vợ chồng già ở xóm ra chợ bán. “1-2 giờ khuya đã đi. Buổi trưa, tầm 11-12 giờ lại ra dọn hàng gánh về. Hồi đó đường còn bịt bùng khó đi, gánh ra rồi một mình đâu dám về, vậy là phải ngồi đợi đến sáng. Nhiều lần như vậy, tôi nói với bà chủ đem theo xịa tôi bỏ trầu ra bán phụ. Dần dần mê bán rồi theo nghề luôn”, bà kể.

Cũng từ bán trầu, bà gặp và nên duyên anh con trai là chủ vườn trầu ở U Minh hay mang trầu ra bỏ mối. Vợ chồng bà từ nghề bán trầu mà nuôi 5 người con ăn học, trưởng thành.

 

Trước đây trầu cau thường lấy mối từ trong tỉnh, nhưng giờ số lượng tiêu thụ hạn chế nên các nhà vườn chuyển đổi cây trồng. Thêm nữa, một số nơi chuyển dịch sang nuôi tôm, nước mặn vào vườn trầu không giữ được. Giờ đây trầu được lấy mối từ Vị Thanh, Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang). Cau thì lấy từ Tắc Cậu (Kiên Giang) hoặc Sóc Trăng. “Hồi đó ngồi dưới dạ cầu, chính quyền sợ sập cầu nên dời qua đây, lên sạp khang trang hơn. Hàng thì 1-2 ngày lấy 1 lần, chỉ cần điện thoại đặt là lái gửi xe xuống, tiền thì chuyển khoản. Bán buôn bây giờ khoẻ hơn trước nhiều”, bà Liễu cho biết.

Theo thời gian, số người bán trầu vì tuổi cao qua đời, có người già yếu nghỉ bán. Và cũng do lớp người sau này không ăn trầu như trước nên nhiều người chuyển sang nghề khác, giờ chợ trầu cau con số trụ lại chưa đầy bàn tay.

Cũng vì ít người bán nên lượng tiêu thụ cũng khá. Câu chuyện của chúng tôi cứ bị gián đoạn bởi liên tục có người ghé mua trầu cau đi mâm, người mua cho các cụ già ăn, người mua cúng, người mua làm thuốc... Bà Cao Kim Khuyến cho biết, cả năm nay, người ta đồn có bài thuốc chữa bệnh gút từ lá trầu (100 gram lá trầu thái bỏ vào trái dừa ngâm rồi uống), nên người tới mua trầu cũng nhiều hơn.

Bà Khuyến năm nay đã 63 tuổi, cũng có thâm niên bán trầu khoảng 40 năm qua. “Lúc đó sau giải phóng, ban đầu theo phụ mẹ bán, dần dần bà lớn tuổi mình bán thay”, bà nói.

Theo các chủ sạp, trầu bán mạnh nhất vào mùa cưới, từ tháng 11, tháng Chạp và tháng Giêng, tháng Hai. Có ngày ít thì vài mâm, ngày lành tháng tốt bán 7-8 mâm, có khi đến hơn chục mâm. Bắt đầu từ 6 giờ sáng, các sạp dọn bán đến 6 giờ chiều. Những hôm bán đắt, cả ngày các chủ sạp loay hoay cắt tỉa, gói, xếp, bán không nghỉ tay.

Mâm trầu, buồng cau không thể thiếu trong phong tục cưới hỏi của người Việt.

Quanh chuyện trầu cúng, mâm trầu đám cưới cũng có nhiều điều thú vị. Bà Khuyến chia sẻ: "Chẳng hạn, cúng mụ bà thì phải 12 lá trầu têm (có đuôi), cúng đất đai 6 lá têm (cũng có đuôi), trầu đi mâm thì têm rồi gói lại (không đuôi). Thường người khác vùng miền, khác dân tộc, mâm trầu cũng không giống nhau. Người miền Bắc thì mâm trầu phải 105 lá, trầu têm 5 lá, cả buồng cau 105 trái, tượng trưng “trăm năm hạnh phúc”. Người Hoa thì 24 trái cau, 240 lá trầu, trầu têm 4 lá. Người miền Nam thì cứ mâm trầu 4 ốp (mỗi ốp 40 lá) và 1 chục cau (14 trái), trầu têm 4 lá.

Cũng chính vì số lượng trầu cau không giống nhau, đồng thời cũng đòi hỏi sự sáng tạo, kiểu dáng trong việc xoay (xếp) mâm trầu mà giá cả cũng khác nhau. Những mâm trầu đơn giản, lượng trầu cau ít, có giá từ 100.000-120.000 đồng. Mâm lượng trầu cau nhiều, xếp mâm sáng tạo, có khi lên đến 500.000 đồng.

Trẻ nhất trong số 4 chủ sạp bán trầu là bà Cao Tuyết Lâm, 56 tuổi. Bà Lâm là em ruột bà Cao Kim Khuyến, trước đây cũng theo bán phụ mẹ. Khi lập gia đình, bà làm nghề may. Hơn 2 năm nay, bà ra đóng sạp theo hẳn nghề bán trầu cau. Miệng nói chuyện, tay bà thoăn thoắt xoay mâm trầu cho khách một cách tài hoa, khéo léo. Bà “bật mí”, những hình ảnh mâm trầu và các kiểu trầu têm (cánh phượng, cánh én…) trưng bày trong Bảo tàng tỉnh chính là thành quả của bà.

Từ nghề may, giờ là bán trầu, chồng bà đi ráp máy lạnh, chạy xe ôm đã nuôi 2 người con ăn học. Người con lớn tốt nghiệp sư phạm Trường Đại học Cần Thơ loại xuất sắc, được bằng khen UBND tỉnh, hiện làm cho một công ty tư nhân. Người con út học đại học năm thứ 4.

 Bình quân mỗi ngày trừ chi phí, các chủ sạp bỏ túi vài trăm ngàn đồng. Không giàu có nhưng thu nhập ổn định nên các chủ sạp cứ ngày ngày ngồi chợ, coi đó cũng là niềm vui.

Trong số các hộ bán trầu cau, có người có ý định truyền nghề cho con cháu, có người không ai kế nghiệp. Nhưng quy luật thị trường, có cầu ắt có cung nên việc bán trầu cau chắc chắn còn tồn tại lâu dài (dù hình thức này hay hình thức khác).

Có lần tôi nói với người bạn: “Đảm bảo với bạn rằng, dù trong lòng có bộn bề trăm mối, đi ngang chợ trầu cau và để tâm vào, thì lòng sẽ lắng dịu. Bởi ở đó dường như có cái gì thật đặc biệt, chứ không đơn thuần là chuyện bán - mua. Hình như trong ấy còn mang dáng dấp, cốt hồn dân tộc Việt”./.

Huyền Anh 

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).