Trong 5 năm qua, việc triển khai Đề án Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Bình quan tâm thực hiện và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Trong 5 năm qua, việc triển khai Đề án Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Bình quan tâm thực hiện và mang lại nhiều kết quả thiết thực.
Qua đó, tình trạng xảy ra bạo lực gia đình giảm đáng kể, góp phần cho sự phát triển chung của địa phương. Trong đó, huyện đã xây dựng được hàng chục cụm pa-nô tuyên truyền, hàng trăm băng rôn; cấp phát hàng ngàn tờ rơi; tổ chức nhiều hội thi “Tìm hiểu pháp luật về PCBLGĐ” và tìm hiểu kiến thức về gia đình, “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong công nhân, viên chức, lao động" và hàng chục buổi hội diễn, liên hoan văn nghệ địa phương, ngành… với các thông điệp truyền thông về PCBLGĐ và bình đẳng giới.
Thường xuyên truyền tải nội dung PCBLGĐ trên Đài Truyền thanh huyện, trạm truyền thanh các xã, thị trấn và Trang thông tin điện tử huyện với tổng số hàng ngàn lượt người nghe, xem. Ngoài ra, vào dịp kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hằng năm, Phòng VH-TT, Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thiết thực như: toạ đàm, gặp mặt, hội nghị biểu dương gia đình văn hoá tiêu biểu… Qua đó, lồng ghép truyền thông về PCBLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng và hạnh phúc.
Từ những nỗ lực ấy, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện được giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2010 trên địa bàn huyện đã xảy ra 55 vụ bạo lực gia đình, thì năm 2011 giảm còn 45 vụ, năm 2012 còn 39 vụ, năm 2013 còn 37 vụ, 2014 còn 18 vụ và trong 11 tháng năm 2015 là 10 vụ. Các vụ bạo lực gia đình chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật PCBLGĐ; trong đó, rượu chè, cờ bạc, tệ nạn xã hội, ngoại tình... được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực.
Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khoẻ, tinh thần của nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì vậy, hoạt động PCBLGĐ là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp và các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, làm chuyển đổi hành vi của các tầng lớp Nhân dân về công tác PCBLGĐ được xem là việc làm vô cùng quan trọng, cần được đặc biệt quan tâm để xây dựng gia đình thật sự ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhằm hướng đến một xã hội phát triển và văn minh./.
Nguyễn Văn Ðô