Nằm trong tiến trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, thời gian qua, công tác trồng và bảo vệ cây xanh trên địa bàn TP Cà Mau đang được đặc biệt quan tâm.
Nằm trong tiến trình xây dựng và chỉnh trang đô thị, thời gian qua, công tác trồng và bảo vệ cây xanh trên địa bàn TP Cà Mau đang được đặc biệt quan tâm.
Theo số liệu khảo sát của các ngành chức năng, hiện diện tích cây xanh và thảm cỏ công cộng trong phạm vi nội ô TP Cà Mau trên 376.000 m2, đạt 3,18 m2/người. Hệ thống cây xanh công viên, vườn hoa góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của cư dân đô thị. Ðó là nơi nghỉ ngơi, thư giãn, giao tiếp, là nơi tập luyện thể dục - thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí của các tầng lớp Nhân dân.
Chăm sóc cây xanh, thảm cỏ đô thị. |
Ông Trần Phú Cường, ngụ tại Khóm 6, Phường 5, chia sẻ: “Trong thời gian đã qua, thấy rằng thành phố có rất nhiều cố gắng về trồng cây mới, chăm sóc cây cũ. Nhiều tuyến đường được trồng mới, có nhiều bóng cây mát mẻ, góp phần làm cho môi trường tốt hơn”.
Ðên nay diện tích cây xanh trên địa bàn thành phố ngày càng tăng dần về số lượng và chủng loại. Tuy nhiên, việc quy hoạch, quản lý và bảo vệ cây xanh trên địa bàn thành phố hiện còn không ít bất cập, đó là: cây xanh trên một số tuyến đường trồng trong hành lang an toàn lưới điện, việc quy hoạch khu dân cư ít chú ý đến mảng cây xanh trong khu này, một bộ phận người dân tự ý trồng cây trước nhà do không được tư vấn nên trồng những loại cây không phù hợp…
Ông Trần Quốc Anh, Khóm 4, Phường 5, bức xúc: "Công viên đáng lý ra phải có cây xanh bóng mát để luyện tập thể dục thể thao, mà lại cho mướn bán cà phê. Còn vỉa hè có trồng cây xanh, nhưng vỉa hè nhỏ cho nên trồng cây lại vướng đường điện, cáp quang… cây lớn lên cứ đốn, tỉa trụi”.
Hiện nay, dọc theo các tuyến đường chính nội ô thành phố thường thấy không ít cây bị bẻ cành, nhổ đi, treo băng rôn quảng cáo lên cây… làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, nhiều cây sau khi trồng không được chăm sóc, bảo vệ nên tỷ lệ sống thấp. Bên cạnh đó là vấn đề quy hoạch tổng thể cho việc trồng cây xanh chưa tốt, dẫn đến cây trồng một thời gian phải chặt bỏ để lấy đất thực hiện các dự án khác, hoặc sau khi trồng thấy giống này không bằng giống cây khác lại chặt bỏ để trồng cây mới thay thế, gây lãng phí tiền của, công sức của Nhà nước và Nhân dân.
Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau Bùi Tứ Hải cho biết: “Ðể cây xanh thành phố phát triển ổn định, lâu dài, phòng lập thủ tục trồng cây mới, cũng như trồng lại, chỉnh trang một số tuyến đường chính của thành phố. Trong đó quan tâm đầu tư, nghiên cứu chọn trồng những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng của thành phố".
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác (19/5), các ngành chức năng của TP Cà Mau phát động phong trào “Trồng cây nhớ ơn Bác”. Ðây là việc làm thiết thực, góp phần xây dựng thành phố ngày càng xanh - sạch - đẹp. Ðể việc trồng cây xanh phát huy hiệu quả, tránh lãng phí, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của “Tết trồng cây” tới từng người dân thì cần phải chọn lựa cây xanh trồng cho phù hợp với từng địa bàn, có sự quy hoạch hợp lý. Ðồng thời, giao nhiệm vụ trồng và chăm sóc cây cho từng hộ gia đình, cơ quan hay mỗi địa phương như một chỉ tiêu để thi đua, đánh giá.
Cây xanh tạo cảnh quan đẹp, tạo môi trường trong lành cho con người, góp phần làm giảm bức xạ, giảm nhiệt độ không khí, giảm bụi, tăng độ ẩm, giảm tiếng ồn… Ngoài ra, một giá trị không thể phủ nhận đó là cây xanh còn có tác dụng rất lớn trong việc phòng chống lụt bão, thiên tai. Do vậy, vì sự phát triển bền vững của thành phố, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, cây xanh phải được coi là một loại hình kỹ thuật đô thị. Có như vậy TP Cà Mau mới thực sự trở thành một đô thị xanh./.
Bài và ảnh: Ninh Hải