(CMO) Việc triển khai thực hiện Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn TP theo hướng nông nghiệp đô thị bước đầu mang lại hiệu quả.
TP. Cà Mau được thành lập ngày 14/4/1999, hiện nay có 17 đơn vị hành chính, trong đó có 7 xã, 10 phường và 125 ấp, khóm. Bên cạnh phát triển mạnh dịch vụ (chiếm 60,4%,), công nghiệp (chiếm 33,62%,) thì nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng khoảng 4,17%. Ðặc biệt cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất các loại hình cây, con có giá trị kinh tế cao, gắn với đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hàng năm hơn 12,9%, đóng góp hơn 31.542 tỷ đồng trong khoảng 10 năm qua.
Với điều kiện, vị trí đặc thù và là hạt nhân vùng đô thị Tây Nam vùng ÐBSCL và là 1 trong 4 đô thị động lực vùng kinh tế trọng điểm thuộc khu vực TP Cà Mau có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho việc phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao có thể phát triển lên quy mô sản xuất hàng hoá.
Xã Lý Văn Lâm được xem là vành đai xanh của TP Cà Mau. Những ngày này, không khí lao động hết sức nhộn nhịp. Mỗi người một công việc, tất bật chăm sóc các rẫy dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán.
Vùng dưa hấu Lý Văn Lâm hứa hẹn cho vụ mùa đạt hiệu quả cao. Ảnh: ANH KHOA |
Tỉ mỉ chăm chút từng trái dưa hấu, anh Trần Hoài Phương, ấp Bà Ðiều, phấn khởi chia sẻ, nếu thời tiết không có gì bất thường (nhất là mưa trái vụ) thì năm nay, vụ dưa hấu tiếp tục thành công. Theo anh Phương, nếu thuận lợi, vụ dưa này gia đình chắc chắn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Xã Lý Văn Lâm có diện tích tự nhiên 2.417 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.019 ha, chiếm 83,55%. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Xã được xem là vành đai xanh của TP Cà Mau với sản phẩm đặc trưng và đã nổi tiếng là dưa hấu VietGAP.
Xác định dưa hấu là thế mạnh và phù hợp với vùng đất này, vào năm 2016-2017, thành phố xây dựng dự án sản xuất dưa hấu đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 21 ha (trong tổng diện tích khoảng 95 ha dưa hấu của xã). Việc áp dụng quy trình sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VieGAP đem lại an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; giúp ổn định giá cả, tăng thu nhập và hiệu quả cho người dân trên địa bàn xã Lý Văn Lâm. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng.
Người dân vùng trồng dưa hấu VietGAP Lý Văn Lâm chăm sóc rẫy dưa hấu chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: ANH KHOA |
Không chỉ có Lý Văn Lâm, xã Tân Thành là nơi gắn liền với con cá chình, cá bống tượng. Ðây là 2 loài vật nuôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "Cá chình, cá bống tượng Tân Thành - Cà Mau" vào năm 2016. Sau khi được công nhận, diện tích, năng suất 2 loại vật nuôi này không ngừng tăng. Ðến nay, tổng diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng của thành phố khoảng 1.070 ha, 1.286 hộ với năng suất trung bình khoảng 4 tấn/ha, tập trung chủ yếu tại xã Tân Thành, An Xuyên và phường Tân Thành. Theo đó, các THT, HTX nuôi cá chình, cá bống tượng được hình thành nhằm chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý, khai thác nhãn hiệu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình, quy định về sản xuất, để ngày càng nâng cao chất lượng và uy tín cho sản phẩm. Ðây là mô hình triển vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng ven thành phố.
Con cá chình, cá bống tượng đã góp phần tăng kinh tế của hộ gia đình. Theo thống kê, thu nhập bình quân của người dân xã Tân Thành hiện đạt khoảng 60 triệu đồng/năm.
Lúa VietGAP, một loại hình kinh tế đang được chính quyền thành phố và người dân vùng ven phát triển mạnh. Tổng diện tích trồng lúa hiện nay của thành phố khoảng 2.581 ha, năng suất 5,3 tấn/ha. Trong đó, diện tích lúa VietGAP 120 ha, năng suất 6,2 tấn/ha, tập trung tại An Xuyên và xã Lý Văn Lâm. Vào năm 2018 thành phố đã bắt tay vào xây dựng dự án sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP tại xã Lý Văn Lâm và An Xuyên. Từ đó, giúp nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ, các kỹ năng canh tác an toàn theo chuẩn VietGAP. Ðồng thời, hỗ trợ người sản xuất liên kết với HTX, doanh nghiệp trong đầu vào và đầu ra sản phẩm. Từ đó, hiệu quả trong sản xuất lúa của thành phố không ngừng tăng lên về năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Ðó chỉ là những sản phẩm, mô hình tiêu biểu của nông nghiệp tại các vùng ven TP Cà Mau. Trong định hướng phát triển thời gian tới, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau Lý Khánh Ly cho biết: "TP Cà Mau đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện có hiệu quả các dự án, đề tài khoa học và công nghệ. Ðể từ đó tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất, nuôi trồng đạt hiệu quả. Ðịnh hướng trong phát triển của thành phố là xây dựng các xã ven thành phố thành vành đai xanh, để không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn kết hợp khai thác phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, đưa TP Cà Mau sớm đạt tiêu chuẩn đô thị loại I./.
Nguyễn Phú