ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 23:35:35
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện cuối năm

Báo Cà Mau (CMO) Sáng 30 tháng Chạp, quán cà phê của chị Tám đầu ngõ có vẻ xôm tụ hơn. Bởi lẽ, nhiều người đi làm công nhân ở xa trở về, tập trung lại đây để gặp gỡ láng giềng, hàn huyên tâm sự. Và dĩ nhiên “tiêu đề” về tết được mang ra bàn luận xôn xao.

“Nghĩ cũng lạ! Mấy đứa nhỏ trong xóm mình, bây giờ gần như thờ ơ với tết, không như thời niên thiếu của tôi, cứ bước qua ngày rằm tháng Chạp là lòng dạ đã bồn chồn chờ tết. Sau ngày đưa ông Táo về trời thì bắt đầu đếm từng ngày, có khi nửa đêm giật mình, trong lòng lại nôn nao đón tết…”, Bảy thợ hồ gợi chuyện.

“Tết đến là thêm một tuổi, mà tuổi đời chững chạc như tụi mình thì lại hay hoài niệm về tết cũ”. Sáu thợ mộc đồng tình với Bảy thợ hồ. Hớp một ngụm cà phê thấm giọng, Sáu thợ mộc nói tiếp:

“Lúc tôi còn nhỏ, nhà ở trong chợ Ngã Năm, mấy ngày giáp tết vui lắm. Nhất là sau ngày đưa ông Táo về trời thì hoạt động ở chợ náo nhiệt cả ngày lẫn đêm. Bởi ngày thì buôn bán, đêm nhập hàng hoá rồi phân loại, sắp xếp… Thời bao cấp, tuy đời sống chật vật nhưng người ta tâm niệm tết là phải vui 3 ngày, nên từ mùng 4 tết trở đi chợ mới có người buôn bán. Vì vậy, cuối năm người ta đi chợ đông đúc, chen chúc nhau vì phải lựa chọn thực phẩm, hàng hoá tươi ngon để dự trữ trong 3 ngày".

Bảy thợ hồ tiếp lời: "Tôi nhớ, khoảng 11 giờ trưa 30 tháng Chạp, loa phát thanh bắt đầu réo vang, nhắc nhở các hộ kinh doanh dọn dẹp quầy sạp, làm vệ sinh xung quanh chuẩn bị ăn tết. Khoảng 2 giờ chiều là chợ đã được dọn dẹp sạch sẽ, vắng tanh, pháo nổ vang trời vì nhà nào rước ông bà ít nhất cũng đốt một dây pháo cho vui nhà cửa. Sau khi ăn bữa cơm tất niên, anh em tôi được má tắm rửa, cho mặc đồ mới rồi chúng tôi bắt đầu hành trình “săn” lì xì và bàn chuyện đi chơi tết. Thật ra, thời đó đâu có công viên hay hội xuân, chơi tết của bọn tôi chủ yếu là hùn tiền thuê xe lôi chạy quanh nội ô thị xã, xa hơn là đi vườn trái cây ở xã Tân Thành. Hết tiền thì lại đi chúc tết để được lì xì… và cứ thế rong chơi 3 ngày tết”.

“Đúng là tết mà không nghe pháo nổ thì như thiếu cái gì đó làm cho ngày xuân không còn nôn nao, nhưng mà nghĩ lại thì đốt pháo có hại nhiều hơn là lợi. Thế nên, nhắc chuyện đốt pháo là vì nhớ tết của thuở hàn vi trong thời bao cấp, chớ đừng cổ suý cho tụi nhỏ đốt pháo nghe cha nội”, Sáu thợ mộc nhắc khéo.

Minh hoạ: MT

Nghe nhắc về chuyện đốt pháo ngày tết, chú Năm xe ôm tham gia bình luận: “Ngày xuân người ta mong cầu cho sự bình an, nhưng năm nào sau tết cũng nghe có tai nạn về pháo. Chỉ tính riêng cái Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994), trên cả nước đã tiêu tốn gần 30 tỷ đồng cho việc đốt pháo, để rồi từ pháo đã gây ra hơn 720 vụ tai nạn, làm chết hơn 70 người, bị thương hơn 760 người. Cho nên Thủ tướng Chính phủ cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo kể từ Tết Nguyên đán Ất Hợi (năm 1995) đã góp phần tiết kiệm, chống lãng phí và cũng là xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chung của Nhân dân trong cả nước. 24 năm qua, tết không pháo nhưng ngày xuân vẫn rộn ràng đó thôi”.

“Chú Năm nói quá đúng, tập tục thì mình phải duy trì nhưng cái nào xét thấy không còn phù hợp thì phải kiên quyết loại bỏ, hiểu chưa mấy cha nội? Còn chuyện mấy ông nói tụi nhỏ bây giờ thờ ơ với tết cũng sai bét. Tết vẫn là tết, dẫu có bao nhiêu năm thì “xuân” vẫn tươi trẻ, chỉ có điều mỗi giai đoạn có sự cảm nhận và ăn tết khác nhau. Như thời chú Năm, chú Ba ăn tết trong chiến tranh, vừa vui vừa lo bom đạn. Thời của Sáu với Bảy đây, đất nước còn lắm khó khăn, ngày thường làm gì được ăn ngon, mặc đẹp, được cho tiền tiêu xài… nên cứ phải nôn nóng, trông chờ đến tết để được ăn, chơi thoả thích. Còn bây giờ, đất nước mình ngày một đổi mới, xã hội ngày càng phát triển đi lên, đời sống bà con mình sung túc hơn, tụi nhỏ ngày nào không được ăn ngon, mặc đẹp, đi chơi công viên, thậm chí là đi du lịch vào những cuối tuần… nên đâu cần nôn nóng chờ tết”, chị Tám chủ quán chen vào.

Bị chị Tám “lên lớp”, Sáu thợ mộc bông đùa cho đỡ thẹn: “Ở chợ bọn tôi thiếu thốn và nôn tết như thế, nhưng còn ở quê bà ăn tết thế nào hả Tám?”.

“Nhìn chung thì bọn nhỏ tụi mình thời đó đều trông chờ đến tết để được mặc quần áo mới, được lì xì. Nhưng ở chợ thì phải mua bánh trái, thức ăn, còn ở quê tôi mọi thứ đều tự làm lấy. Vui nhất là coi người lớn tát đìa bắt cá, quết bánh phồng, làm các loại bánh khéo, luộc bánh tét đón giao thừa… Hồi nhỏ thì khấp khởi chờ tết, nhưng giờ tết lại lo đủ thứ. Nhà nào cũng tất bật trang hoàng, sắm sửa, nhưng qua ngày mùng 1 là coi như xong. Thiệt là… tết chi cho cực vậy!”, chị Tám than.

“Nói như bây thì còn gì là phong tục cổ truyền hả Tám?”, chú Ba bốc xếp nghiêm giọng giải thích: “Từ ngàn đời xưa, cây lúa đã gắn bó với con người, làng quê Việt Nam và hình thành nền văn minh lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp, thời gian trong một năm được chia thành 24 tiết khí khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác. Từ chữ “tiết” người ta đọc chạy thành chữ “tết”, còn “nguyên” nghĩa là sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm. Với ý nghĩa đó, người ta quan niệm rằng ngày tết tất cả mọi thứ phải sạch sẽ và mới mẻ thì trong năm công chuyện làm ăn mới phát đạt, nên nhà cửa thường được quét dọn, trang trí rực rỡ, hoa tươi khoe sắc, mua sắm thức ăn... thật chu đáo. Và Tết Nguyên đán là tết cổ truyền của dân tộc, vốn văn hoá quý giá chứa đựng nhiều ý nghĩa đẹp đẽ và thiêng liêng. Thể hiện qua việc sum họp gia đình, thăm hỏi người thân, mừng tuổi ông bà và cúng bái tổ tiên”.
Chú Ba dứt lời, từ phía nhà bà Hai ve chai vang lên điệu nhạc xuân “Tết, tết, tết, tết đến rồi… Tết đến trong tim mọi người. Mừng ngày tết trên khắp quê tôi…”.

“Rồi, nhạc vang rền là nhà bà Hai đang cúng tất niên đón rước ông bà. Thôi tụi mình cũng về lo chuẩn bị cúng tất niên thôi. Tết đến rồi”, chú Năm xe ôm thúc giục mọi người. Song, trước khi rời quán, chú còn ngoáy lại dặn dò chị Tám chủ quán:

“Ngoài ý nghĩa tết chú Ba bây nói lúc nãy, thì tết còn là dịp để mọi người trao gửi yêu thương, gạt qua hết mọi hiềm khích ganh ghét để cùng nhau uống ly rượu đầu xuân, nói lời hay ý đẹp. Loại bỏ lại cái cũ kỹ để đón rước một mùa xuân an khang, thịnh vượng”./.

Mỹ Pha

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; chủ động tìm việc làm sau khi tốt nghiệp là mục đích được đề ra trong Kế hoạch triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, vừa được UBND tỉnh ban hành.

Xây dựng lối sống lành mạnh, phù hợp, phòng bệnh tim mạch

Do áp lực từ cuộc sống, rất nhiều người đã lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khoẻ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro các bệnh lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bản thân, trong đó có các bệnh lý về tim mạch. Đáng nói hơn, bệnh lý này không loại trừ bất cứ ai và có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Bệnh ung thư đang tăng cao

Theo số liệu thống kê ghi nhận được tại Khoa Ngoại ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, hiện nay đơn vị đã tiếp nhận chăm sóc, khám và chữa trị thường xuyên cho gần 3.200 bệnh nhân mắc ung thư, tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023 (không kể số bệnh nhân tự đi thăm khám, phát hiện và được điều trị ở tuyến trên).

Mang niềm vui đến trẻ kém may mắn

Luôn quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn, trong đó có trẻ em, thời gian qua, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, không chỉ giúp đỡ về vật chất cho trẻ mà còn mang lại ý nghĩa to lớn về mặt tinh thần.

Cẩn trọng với nguồn thực phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch

Thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) là loại thực phẩm thiết yếu trong hầu hết các bữa ăn của nhiều hộ gia đình hiện nay. Bởi đây là loại thực phẩm có nguồn protein khá cao và rất tốt cho sức khoẻ, do có ít calo và chất béo bão hoà so với các loại thịt đỏ như: heo, cừu, trâu, bò… từ đó cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tim mạch hơn.

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.