Hiện nay, việc áp dụng mô hình đa cây, đa con đã góp phần giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thới Bình tăng nguồn thu nhập cho gia đình từ 150-700 triệu đồng.
- Hiệu quả mô hình đa giá trị trên vùng mặn
- Mạnh dạn đưa giống mới về địa phương
- Cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân
Điển hình như gia đình ông Phạm Tấn Công, Ấp 3, xã Tân Lộc Ðông, đã vươn lên phát triển kinh tế ổn định từ mô hình đa cây, đa con trên cùng diện tích. Ông áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị thu nhập nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài nuôi tôm, cua kết hợp trồng lúa, sân vườn trồng cây ăn trái và rau màu, cùng với chăn nuôi gà, vịt thì ông Công còn nghiên cứu nuôi thêm chồn hương, ông có cách nuôi riêng biệt, làm chuồng trên ao nên tận dụng được phân chồn nuôi cá và dễ dàng vệ sinh chuồng. Trong quá trình sản xuất, ông không quên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, nên mô hình sản xuất theo hướng trồng đa cây, nuôi đa con của ông đạt hiệu quả cao, mỗi năm gia đình có thu nhập gần 400 triệu đồng, riêng thu nhập từ nuôi chồn hương hơn 100 triệu đồng.
Ông Công chia sẻ: “Phải tận dụng hết diện tích đất có thể để có thu nhập mỗi ngày. Làm vuông thì thời gian rảnh nhiều nên tôi tìm thêm nhiều mô hình khác để làm, cũng nhờ vậy mà thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước, cuộc sống gia đình ổn định”.
Luôn trăn trở tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học, bà Lê Thị Tập, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, tích cực chăn nuôi, trồng trọt, không bỏ trống khoảnh đất nào. Với diện tích mặt nước, bà nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm càng xanh - lúa, nuôi cua, nhờ học hỏi và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên dù những hộ xung quanh thu hoạch kém nhưng gia đình bà vẫn thu hoạch đạt năng suất cao. Theo đó, bà chia ra nhiều ô trong cùng mảnh đất rộng và nuôi tôm theo nhiều giai đoạn để đạt số lượng cũng như chất lượng cao, phối hợp cua xen canh, rồi tôm càng xanh; ngoài cấy lúa lấy gốc rạ, bà còn cấy thêm cỏ bông lúa cho tôm ăn, không để đồng trống. Nhờ áp dụng kỹ thuật sát sao và theo dõi xuyên suốt nên mỗi năm bà thu nhập từ tôm, lúa và cua hơn 350 triệu đồng; trong vườn thì xây chuồng nuôi heo và đặt rượu, thu thêm khoảng 300 triệu đồng/năm.
Bà Tập còn trồng và chăm sóc thêm cây cảnh, hoa kiểng, hiện vườn kiểng có khoảng 80 gốc, vừa qua bà bán cây kiểng được khoảng 100 triệu đồng. Quanh nhà, bà còn trồng hoa màu cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập.
Bà Tập trồng cây kiểng, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi đợt bán.
Ông Phù Công Triều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: “Người dân ngày càng tiến bộ, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tận dụng đất trống nuôi trồng đa con, đa cây. Các mô hình phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn mang đến thu nhập cao, khơi dậy phong trào sản xuất của huyện, từng bước đưa quê hương Thới Bình ngày càng phát triển”.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi sản xuất trên cùng diện tích đất mà người dân trên địa bàn huyện có cuộc sống khá giả, từng bước vươn lên làm giàu, góp phần thực hiện hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của huyện Thới Bình./.
Thuỳ Linh