(CMO) Trước Tết, nhìn rẫy bí rợ, ông Vũ Đăng Khoa không khỏi phấn khởi, mường tượng vụ bội thu. Tất cả xã viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Hà (ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) đều có tâm trạng như vậy. Thế nhưng, lo lắng bắt đầu xuất hiện khi sau Tết, nắng nóng gay gắt kéo dài. Mực nước vơi dần, bí bắt đầu cho trái cũng là lúc không còn nước để tưới. Mọi người tổng lực “cứu màu” với hy vọng chí ít cũng hoàn vốn, may hơn thì có thêm ít lời.
“Chúng tôi hùn tiền nhau để đắp đập lấy nước về kinh 1/5 cứu rẫy, nhưng cuối cùng thì cũng thua. Thu hoạch được bao nhiêu thì thu, chỉ hy vọng gỡ gạc lại vốn”, lão nông Vũ Đăng Khoa ngao ngán.
Là người đã có hơn chục năm làm rẫy ở xứ này, hiện là Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Hà, ông Vũ Đăng Khoa thất vọng bảo: “Vụ này, các xã viên trồng chủ yếu là bí rợ, bầu... phục vụ thị trường sau Tết, nhưng 50 xã viên đều thiệt hại, năng suất giảm hơn nửa do khi mới bắt đầu cho trái thì hết nước tưới tiêu”.
Anh Lâm Tướng Khanh xót xa bên đám rẫy héo khô vì thiếu nước. |
Nỗi buồn của họ không dừng lại ở chuyện năng suất giảm. Nỗ lực đắp đập lấy nước tưới tiêu, lộ làng sụp lún làm giao thương khó khăn, thêm thương lái ép giá. Chi phí đầu tư tăng, tốn kém mà giá cả bấp bênh, dân làm rẫy ấp Minh Hà A đã có vụ màu gian nan, vừa "mất mùa, mất giá".
Anh Lâm Tướng Khanh, cũng là dân làm rẫy kỳ cựu, than: “Thương lái mua với giá bằng một nửa năm trước. Bí rợ loại nhất năm trước 8.000 đồng/kg, năm nay chỉ còn 4.000 đồng, có lúc chỉ 2.000-3.000 đồng”.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông Cao Văn Đạt cũng chỉ biết thở dài khi nói về thực trạng của bà con xóm rẫy: “Hạn quá gay gắt, toàn bộ 58 ha rau màu của ấp Minh Hà A bị giảm năng suất. Giá bán thấp quá, bà con thu hoạch bí xong chất đầy nhà, không bán chờ giá nhưng rồi cũng đành chịu”.
Lão nông Vũ Đăng Khoa phân trần: “Nhiều xã viên bị ép giá quá nên trữ lại, nhưng bầu, bí đâu có để kho lâu quá được, cuối cùng đành phải bán, nhưng khi ấy càng lỗ thêm”.
Chuyện nông dân bị ép giá, ông Khoa có cái nhìn khác hơn. Ông bảo, đâu chỉ vụ này, bao năm qua, người làm lúa, trồng rẫy nơi đây luôn chịu tình cảnh ấy. Mặc dù là khu vực có diện tích trồng màu lớn nhất xã, thêm lúa 2 vụ nhưng giao thông đường bộ rất nan giải.
Chỉ tay ra con lộ trước nhà, ông Khoa bức xúc: “Cho đến nay, xóm này chưa có lộ bê-tông, nên thương lái không đến tận nơi để mua. Vận chuyển đường sông thì qua 2 con đập. Muốn chở hàng hoá bằng xe máy qua con lộ bên kia kênh 1/5 thì vướng các cây cầu nhỏ xíu. Xe máy chỉ chở được vài chục ký một chuyến. Vận chuyển hàng hoá đi bán là một gánh nặng đối với dân làm lúa, trồng rẫy”.
Mặc dù chịu nhiều thiệt hại bởi đợt hạn hán, xâm mặn nghiêm trọng nhưng ông Vũ Đăng Khoa không quá bi quan về những vụ sau, bởi theo ông, "không phải năm nào cũng có thiên tai". Điều ông quan tâm là sự đầu tư cho vùng ngọt hoá này. Về đầu ra sản phẩm, ngành chức năng hiện chưa hỗ trợ hiệu quả cho nông dân. Ban lãnh đạo của HTX phải tự thân vận động để đi ký các hợp đồng, nhưng như thế là chưa đủ. Ngoài ra, xã viên muốn vay vốn từ các gói tài chính cũng không hề dễ dàng.
“Trước tôi cũng muốn vay vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, nhưng đến khi tiếp cận thì có quá nhiều thủ tục, điều kiện rườm rà nên đành từ bỏ. Các xã viên của HTX không ai vay được các nguồn vốn hỗ trợ”, anh Lâm Tướng Khanh lý giải thêm.
Về quy hoạch, đầu tư hệ thống thuỷ lợi, Nhà nước đã đầu tư trạm bơm phục vụ sản xuất cho bà con nơi đây, nhưng chỉ đáp ứng được một phần. Hệ thống cống, trạm bơm dùng để ngăn mặn, giữ ngọt, xổ phèn phục vụ sản xuất nhưng chỉ hiệu quả là xổ phèn vào mùa mưa, còn mùa hạn thì... không tác dụng. Nguyên nhân là do trạm bơm được thiết kế với đáy cống xả quá cao nên khi mực nước xuống thấp, kênh 1/5 bị nhiễm phèn, xâm mặn không xả ra được, mà đây là nhu cầu bức thiết.
Qua đợt hán, xâm mặn lần này có thể thấy nhiều lỗ hổng trong quy hoạch các vùng sản xuất, đặc biệt là ở vùng ngọt. Vùng ngọt hoá được tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung nhiều công trình đầu tư bảo vệ, phát triển sản xuất, phục vụ đời sống người dân, nhưng khi đến ấp Minh Hà A, nghe câu chuyện “cứu rẫy”, cảm nhận nỗi lòng của những nhà nông tâm huyết tự đặt ra cho mình câu hỏi: "Cứu rẫy có phải là cứu người làm rẫy trong thời điểm khó khăn lúc thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất, điều mà không thường xuyên xảy ra, hay cần “cứu” nông dân để họ sản xuất bền vững, hiệu quả nhất từ chính sách, giải pháp khi họ mới bắt đầu sản xuất như: điều kiện hạ tầng, liên kết tìm đầu ra sản phẩm...?
Ông Vũ Đăng Khoa đau đáu, nông dân cần ngành chức năng trước khi đưa ra quy hoạch sản xuất, đầu tư hạ tầng thì phải có sự khảo sát, đánh giá mức độ tác động cũng như hiệu quả kinh tế một cách cụ thể, đúng thực trạng và có tầm nhìn dài hạn. Khi đầu tư cho vùng được quy hoạch, cần tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dân, bởi họ chính là người sản xuất trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của quy hoạch. Quy hoạch để phát triển, giúp nông dân ổn định kinh tế và làm giàu. Nếu đã có một quy hoạch tốt, nhận được sự đồng thuận của người dân mà đầu tư không đồng bộ, không phát huy hết hiệu quả thì cũng trở nên lãng phí./.
Đặng Duẩn - Hoàng Vũ