ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:44:47
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện ông Tám Lý

Báo Cà Mau (CMO) “Ở đời, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn là quý nhất, phải không cháu? Cần gì giàu có mới giúp được cho người, khả năng mình có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. Quan niệm của chú là trao cần câu chứ không trao con cá”. Đó là suy nghĩ của ông Huỳnh Công Lý (Tám Lý) Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.

Giúp người bằng cái tâm

Không tính toán thiệt hơn, không suy nghĩ đụng hàng dội chợ, giá cả trồi sụt thất thường, thấy mô hình trồng xoài Đài Loan cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tám Lý lại muốn chia sẻ với bà con quê mình. Vậy là khi nông dân nào chí thú làm ăn, muốn trồng cây ăn trái trên mảnh vườn thuở ruộng, ông Tám Lý không chỉ sẵn sàng hướng dẫn mua giống ở đâu, cách trồng ra sao mà còn cho bà con mượn vốn để sản xuất trong lúc túng kẹt.

Chuyển sang trồng xoài Đài Loan là hướng đi đúng giúp cuộc sống gia đình ông Tám Lý bước sang trang mới.

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Ấp 5 Quách Vĩnh Phương tự hào khi nói về lão nông Tám Lý: “Chú Tám không chỉ là tấm gương sáng trong làm ăn, phát triển kinh tế mà chú còn giúp đỡ bà con nhiệt tình về vốn, cây giống, khoa học kỹ thuật. Cái gì giúp được là chú giúp, không nề hà. Chú cũng là người đầu tiên đưa giống cây xoài Đài Loan về trồng trên vùng đất này và giờ đã nhân rộng hơn, kinh tế bà con phát triển hẳn”.

Nói về chuyện giúp đỡ bà con, chuyện tiền nong trong thời buổi vì đồng tiền mà tình thân, tình người đã bị đánh đổi, bên ly trà quạu quen thuộc, ông Tám Lý lại nở nụ cười nhẹ, rồi bảo: “Tôi cũng biết chớ, người ta hay bảo đồng tiền là phải để sinh lợi. Chẳng hạn, 100 triệu đồng tôi gởi ngân hàng thì ít hay nhiều cũng được lãi mà không sợ mất nữa, nhưng nếu cho người ta mượn thì đâu được gì. Nếu sống mà tính toán chi li quá thì còn gì là tình người. Mình sống ác, sống hơn thua, đêm về đau đầu, khó ngủ lắm, còn mình sống nhẹ nhàng, đầu óc sẽ thoải mái, cuộc sống bình yên”.

 Vài chục triệu đồng cất trong tủ đem ra giúp bà con khi cần đúng là ông Tám Lý không được lợi về vật chất, khi thì cả năm, thậm chí vài năm trời ròng rã họ mới hoàn lại, nhưng ông Tám Lý vẫn giúp, vẫn tin rằng mình làm việc tốt ắt gặp được điều tốt. Hơn nữa, ông nghĩ, nông dân mà biết đổ mồ hôi, công sức trên mảnh đất của mình thì là nông dân biết lo, biết nghĩ.

Nhìn sự giúp đỡ của bản thân đem lại ý nghĩa, giúp bà con có điều kiện sản xuất, kinh tế gia đình phất lên, minh chứng là hộ này trồng cây ăn trái thì hộ khác trồng theo, đến giờ tính sơ sơ toàn ấp cũng phải có 30 ha xoài Đài Loan, lòng ông Tám Lý vui đến lạ. Cái vui không phải cho mình mà cho hàng xóm láng giềng, cho quê hương xứ sở.

Bên hàng ngàn gốc xoài đã cho những mùa quả ngọt, ông Huỳnh Công Thiết tâm sự: “Thấy mô hình trồng xoài của anh Tám Lý cho hiệu quả kinh tế cao, tôi trồng theo. Lúc đầu chỉ trồng có 300 gốc, giờ đã lên 1 ngàn gốc. Anh Tám không giấu nghề, cái gì biết là chia sẻ, mua cây giống ở đâu tốt, kỹ thuật trồng ra sao cũng nhỏ to tâm tình. Đến nay, có thể khẳng định tôi đã thành công với mô hình này. Lấy ngắn nuôi dài, trong khi chờ vườn cây ăn trái cho thu nhập thì tận dụng đất trống trồng màu quanh năm, dưới mương trồng bông súng, nuôi cá đồng để chi tiêu hàng ngày, thu nhập từ trồng xoài thì làm chuyện lớn, dành dụm, cũng nhờ nó mà cuộc sống gia đình khá lên hẳn”.

Dám thay đổi để làm giàu

Xoài xuất ngoại - câu chuyện khó tin nhưng đã hiện hữu tại mảnh vườn của ông Tám Lý và nhiều bà con ở Ấp 5 này. Dẫn khách tham quan mấy ngàn gốc xoài xanh tốt, đang cho trái, chuẩn bị cho một mùa chính vụ ngọt ngào, chỉ tay vào mấy trái xoài được bọc trong bao bì có xuất xứ hẳn hoi, ông Tám Lý cho biết: “4 năm nay, tôi liên kết với vựa trái cây ở An Giang thực hiện việc trồng xoài sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Và xoài nhà tôi đã đạt chất lượng, xuất đi được một số nước như Nhật, Úc, Đài Loan. Một số bà con cùng sản xuất, cùng chí hướng như tôi đang thực hiện sản xuất theo mô hình liên kết như vậy”.

Chỉ cần xoài đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, đến đợt thu hoạch, một cuộc gọi điện thoại sẽ có xe tải đến tận nơi thu mua và “tiền trao cháo múc”. Vì vậy, ông Tám Lý không còn phải lo lắng chuyện tiêu thụ như trước. Như mới đây, ông “alo” thoả thuận xong giá cả là có mối lái đến tận vườn, 100 gốc xoài cho trái nghịch vụ, được chừng 3 tấn, thu nhập ngót nghét 80 triệu đồng.

Thật ra, trước đây, cũng như bao nông dân Cà Mau, ông Tám Lý cũng loay hoay tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Mô hình nào mới có thể giúp mình phát triển kinh tế bền vững?”. Làm ruộng, giá lúa rẻ bèo, chẳng mấy khi có lời; Chuyển sang trồng chuối, được vài năm rồi cũng rơi vào cảnh trượt giá. Ừ, thì nếu chăm chỉ làm lụng, bỏ công bỏ sức cũng có được cái ăn, không đến nỗi nào, nhưng cứ như vậy, bao giờ mới làm giàu, bao giờ mới thực sự gọi là ổn định? Câu hỏi ấy cứ trăn trở mãi trong suy nghĩ của ông Tám Lý.

Một buổi sớm mai thức dậy, ông Tám Lý quyết định đi ngao du đây đó. Không phải đi du lịch mà đi để biết, để học cái hay của tỉnh bạn, của nông dân xứ người. Vậy rồi, năm 2009, ông gom góp số vốn trồng thử 200 gốc xoài Đài Loan đỏ (còn gọi là xoài Ngọc Vân). Chỉ 2 năm đầu lợi nhuận đã lên tới 400 triệu đồng, một con số mà từ lúa cho đến trồng chuối chưa bao giờ ông có được.

Nói về quãng thời gian đầu mới mẻ vừa khó khăn vừa lo sợ trước quyết định táo bạo của mình, ông Tám Lý kể: “Lúc đó vui lắm nghe, vụ đầu tiên 1 kg xoài bán được 58 ngàn đồng, cả 1 giạ lúa chớ chẳng chơi. Tôi chịu khó chở ra tới Cơi 5, rồi bao xe lên tận Đồng Nai bán ở vùng trển. Không đủ bán luôn đó chớ!”.

Được đà, ông Tám Lý tấn tới theo hướng mình đã chọn, lên liếp toàn bộ đất ruộng, chuyển sang trồng cây ăn trái. Khả năng bao nhiêu làm bấy nhiêu, mở rộng từ từ. Và hiện nay, trên 5,2 ha đất canh tác của gia đình đã có 2.500 gốc xoài Đài Loan đỏ và xanh bao vàng đã cho trái.

Hướng dẫn các con và mấy anh nông dân xịt thuốc, ông Tám Lý bảo, những tháng mùa mưa là cực công lắm. Gặp trời mưa là phải xịt thuốc liền. Nói vậy, chớ vùng đất quê mình phù hợp với giống cây này lắm. Trồng xuống là sống và cho trái tốt. Một gốc không dưới 40-50 kg. Mấy ngàn gốc xoài chỉ riêng thời điểm chính vụ (tháng 10 âm lịch năm trước đến tháng 3 năm sau) đạt 40-50 tấn/năm. Giá cả thì nhiều loại, bình quân cũng phải từ 20-40 ngàn đồng/kg.

Ông Tám Lý cười nói: “Đó, 3 liếp này thì cho thu hoạch đón Tết, còn 2 liếp còn lại thì vừa qua tết. Trong khâu thu hoạch mình cũng phải tính toán. Thường được mùa, rớt giá mà được giá, mất mùa nên thu hoạch thời điểm nào, sản lượng bao nhiêu đều phải tính trong đầu. Ví dụ, lúc trái vụ giá cao hơn thì mình cho ra trái thời điểm này một phần để hưởng giá, còn thời điểm chính vụ thường giá rớt xuống thì mình đẩy mạnh số lượng và phải chia số lượng thu hoạch ra. Như vậy, giá hay mùa đều được hưởng, thu nhập sẽ cao hơn, chớ không phải cứ trồng trọt theo quán tính, thời điểm này để trái hết rồi thu hoạch đồng loạt sẽ khó tránh khỏi tình trạng thiệt hại về giá”.

Trong câu chuyện về xoài xuất ngoại, ông Tám Lý vẫn có điều hối tiếc. Ông bảo, bà con quê mình giỏi giang lắm chớ, chịu khó đâu thua ai, nhưng với tình hình hiện tại thì tính ra mình vẫn qua khâu trung gian, phải liên kết với người ta thì nông sản mình mới được xuất khẩu. Như vậy, cũng là thiệt rồi. Ước mơ của ông Tám Lý là cây ăn trái sẽ có quy hoạch cụ thể, liên kết từ diện tích đến trồng trọt, nông sản làm ra được đi xa hơn mà không phải qua khâu trung gian nào.

Ai bảo trồng cây ăn trái khoẻ re? Với ông Tám Lý, trồng cây gì, nuôi con gì cũng vậy, muốn đạt, muốn cho thu nhập như mong muốn phải thật tâm chăm sóc. Thời nay, nông dân muốn làm giàu không phải chỉ biết cặm cụi bên mảnh vườn thửa ruộng mà còn phải định hướng sản xuất, phải tính toán từ đầu vào cho đến đầu ra. Và với ông Tám, hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn là thành công trong lao động và sẻ chia với mọi người./.

Ngọc Minh

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.