(CMO) Là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng bà lại chọn cho mình cái nghề ngụp lặn dưới lòng sông sâu, được nhiều người trong nghề nể trọng vì cuộc đời bà gắn với nhiều lần trục vớt chiến hạm, tàu chiến, thậm chí cả xác người.
Bà Đàm Thị Duyên năm nay đã gần 60 tuổi (ngụ thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn). Cuộc đời của bà đã dệt nên nhiều huyền thoại về những cuộc trục vớt chiến hạm bị đắm trên dòng sông Cửa Lớn.
Nghề làm bạn với “thuỷ thần”
Không còn đủ sức làm nghề thợ lặn, giờ đây bà Đàm Thị Duyên vừa nuôi hàu vừa làm chủ vựa thu mua hàu. |
“Mười ơi có nhà không?”, tiếng gọi quen thuộc của vị trưởng khóm khiến bà Duyên gác lại việc nhà, đón khách. Trước mắt chúng tôi là người phụ nữ với gương mặt hiền lành, có đôi chút xuề xoà, không ai nghĩ đó là một nữ thợ lặn “vang tiếng” một thời trong vùng, từng chỉ huy nhóm hơn 30 tay thợ lặn chuyên nghiệp hành nghề vớt tàu chiến trên sông.
Người gốc Cần Thơ, từ nhỏ, bà Duyên đã có thể ngụp lặn một hơi dài để bắt tôm, bắt cá. “Thời đó chiến tranh, tôi có thể lặn được 5 phút dưới lục bình để tránh những trận càn quét của quân địch”, bà kể lại.
Vào đầu thập niên 80, cái tên Mười Duyên bắt đầu nổi tiếng trong giới thợ lặn khi tự tay bà đứng ra tập hợp hơn 30 thợ lặn chuyên nghiệp hành nghề tìm tàu, ghe bị chìm trong thời chiến. Đội thợ lặn của bà có nhiệm vụ đưa những xác tàu sắt đã nằm lại dưới lòng sông lên bờ.
“Chúng tôi là bên kỹ thuật, chỉ cần rờ cái mũi là biết tàu đó bao nhiêu tấn, hiệu gì, trọng lượng bao nhiêu, nằm tư thế ra sao, sau khi khảo sát xong thì mới đưa ra phương án trục vớt. Đối với những chiến hạm lớn, người thợ lặn phải mất hàng giờ dưới sông, chia nhỏ từng phần của chiến hạm mới có thể kéo được lên bờ”, bà Duyên phân tích.
Đứng trên bờ quan sát ống hơi của từng thợ lặn, đã không ít lần bà phải lặn xuống đáy sông để cứu đồng đội bị sự cố cúp hay đứt dây hơi.
“Mình là người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn sợi dây hơi là biết người đó còn thở được hay không. Nghề này gian truân lắm, có người chịu không nỗi áp suất nước quá lớn bị điếc một bên tai, hay lên bờ trở thành ngớ ngẩn, thậm chí có người bỏ mạng vì câu sinh nghề tử nghiệp vận vào mình”, bà bùi ngùi.
Ba lần hồi hương vì... Nhớ nghề
Năm 28 tuổi, bà Duyên kết hôn với một thương nhân người Hoa ở Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh). Vài năm sau đó, bà cùng chồng và ba đứa con sang Mỹ định cư. Trong những năm tháng xa xứ, do những bất đồng về ngôn ngữ, cùng nỗi nhớ quê nhà khôn nguôi, bà quyết định trở về Việt Nam sinh sống bằng nghề thu mua phế liệu. Bà được anh trai là ông Đàm Văn Đức (từng là lính đặc công thuỷ của Quân khu 9) truyền lại cho nghề thợ lặn và cùng ông hành nghề vớt xác tàu trên dòng sông Cửa Lớn.
“Ngày trước con sông này và khu vực sông Tam Giang là những khúc sông nguy hiểm bởi độ sâu, nước chảy xiết tạo thành xoáy nước cực mạnh, ai đi ngang cũng sợ. Có lần tôi nhận hợp đồng vớt tàu cá chìm dưới độ sâu 50 m, lúc này anh trai tôi là người trực tiếp luồn dây qua lườn tàu, do tuổi cao, cộng thêm áp suất mạnh khi ngoi lên bờ ông đã tử nạn”, bà Duyên ngậm ngùi kể lại.
Từ sau cái chết của người anh trai, bà chán nản bỏ nghề trở về Mỹ sinh sống, sau hai lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam, vì quá nhớ nghề, bà lại hồi hương.
Mấy chục năm gắn bó, bà không nhớ nổi có bao nhiêu xác tàu lẫn xác người được bà trục vớt khỏi lòng sông lạnh lẽo. “Có những xác tàu đắm thời chiến chôn vùi cả xương cốt của người Việt Nam mình, khi lấy lên nhìn đau lòng lắm, nhưng thời chiến tranh mà, chuyện sinh tử sao tránh khỏi. Đối với những tai nạn trên sông, người ta gọi nửa đêm mình cũng phải ra ứng cứu. Mình làm nghề này thấy người ta chết chóc, ai nỡ lặn lấy tiền người ta, làm vậy coi sao đặng”, bà khẳng khái.
Bước qua cái tuổi 60, bà Duyên không còn đủ sức khoẻ để làm nghề, thế nhưng, bà vẫn là người đôn đốc tinh thần cho những thế hệ thợ lặn trẻ tiếp tục mưu sinh trên dòng sông Cửa Lớn. Trong căn nhà rộng thoáng nằm nép mình bên sông, bộ đồ nghề vẫn còn được giữ nguyên. "Giữ để làm kỷ niệm, cuộc sống của tôi giờ sáng thì nuôi hàu, tối rảnh rỗi thì bật vài bài hát lên karaoke cho vui. Buồn thì đi đây đi đó, có tai nạn gì trên sông thì cho mấy đứa nhỏ đem đồ ra ứng cứu", bà Duyên tâm sự./.
Phúc Thuỵ