(CMO) Gia đình Cả Tý thuộc hàng cự phú ở xóm Ngọc Mễ. Giàu có là vậy, nhưng vợ chồng Cả Tý hiếm muộn con, cầu tự mãi cho đến năm ngoài 40 mới sanh được một đứa con gái. Cả Tý cầm tinh con chuột và vô tình thay, đứa con gái cũng sanh năm chuột.
Ông bà xưa nói, con gái nhờ đức của cha, nếu cùng con giáp với cha thì phúc đức càng dày. Bởi vậy nên Cả Tý thương con gái của mình hơn tất cả mọi thứ trên đời. Ông coi đó là món quà mà trời đất, tổ tiên dành riêng cho mình.
Khổ nỗi cô Hai sanh ra đã dặt dẹo khó nuôi, vóc dáng cũng kỳ dị khác người. Đám gia nhân trong nhà Cả Tý xì xào:
- Cô chủ mỏ nhọn, tai vảnh như chuột!
Tiếng dữ đồn xa, nên khi Cả Tý sắp về già, cô Hai chớm tuổi nổi giò thì một câu chuyện khác khiến vợ chồng Cả Tý ngày đêm mất ăn, mất ngủ: Làm sao gả chồng cho con gái. Trời chẳng bao giờ bất công với ai, lấy cái này thì bù cái khác. Dù vóc dáng nhỏ bé, nước da ngăm đen, môi vẫu, tai lộ, nhưng cô Hai càng lớn càng lanh lợi, tháo vát. Do bị nhiều tiếng dị nghị, xì xầm, cô Hai lớn lên lúc nào cũng nhút nhát, mình ển mình ên lủi thủi. Thương con nên Cả Tý hay nói:
- Con đừng buồn, con gái của tía sau này kiểu gì cũng phú quý sung sướng.
Đang yên đang lành, dịch chuột nổi lên khắp nơi. Chuột phá tan hoang mùa màng, chuột chạy tràn khắp đường làng, nhởn nhơ trong nhà người. Làng nước hò hét nhau diệt chuột. Họ đặt ra lệ đổi đuôi chuột, đầu chuột để đổi gạo. Cứ 100 đuôi chuột được đổi về một đấu gạo. Ban đầu nhiều người hào hứng, nhưng sau đó, giết được một, chuột sanh trăm, sanh ngàn, con người đành bất lực. Họ để mặc cho chuột làm tổ trong nhà. Họ để mặc chuột long nhong ngoài đường. Còn khắp đồng ruộng, lũ chuột mở hội linh đình. Và rồi nạn đói kéo đến. Xóm Ngọc Mễ chìm trong không khí u buồn. Những nhà đông con bắt đầu kéo nhau ra đường để xin ăn.
Nhưng những chuyện thị phi cũng chưa thoát khỏi gia đình Cả Tý. Tin đồn cho biết, chính cô Hai nhà Cả Tý là công chúa của loài chuột. Những đêm tối đen, cô Hai được lũ chuột kênh ra đồng trên kiệu bay. Người ta thấy cô Hai nói nói, cười cười và cùng lũ chuột quay cuồng trong những vũ điệu man dại của loài gặm nhấm. Chuyện tới tai ông Cả Tý. Ông bần thần trong người mà chưa có cách gì để ứng phó.
Một sớm tinh mơ, cô Hai ra đầu cổng gặp ngay một gia đình ngồi gục vì đói. Cô Hai lẳng lặng chạy vào nhà đem ít thức ăn cho họ. Vì đói, họ ngấu nghiến ăn. Khi phần nào hồi tỉnh, nhìn thấy cô Hai, họ đồng loạt bỏ chạy. Vừa chạy, vừa la oai oải:
![]() |
Minh hoạ: M.Tấn |
- Trời đất ơi, công chúa chuột.
Cô Hai quay vào nhà, thưa với tía:
- Làng xóm gặp nạn, người đói nhiều quá, cha thương tình mở kho gạo để cứu tế tích đức đi cha.
Ông Cả Tý chưa bao giờ từ chối con điều gì. Vả lại cô Hai xưa giờ ít đòi hỏi. Thêm nữa, yêu cầu của con gái là quá trúng tâm ý của ông. Cả Tý không ngần ngại mở kho gạo cứu tế. Người xếp hàng dài đến nhận gạo. Trong dòng người ấy, có cả những lời cay nghiệt:
- Ông Cả Tý phát chẩn để che giấu việc con gái mình là chuột tinh, chuột chúa.
- Chính nhà ông Cả Tý gieo hoạ cho xóm Ngọc Mễ này.
Mặc kệ tiếng gièm pha, nhà Cả Tý chỉ mong giúp đỡ người trong cơn bĩ cực. Cô Hai vẫn lặng lẽ cam chịu những ánh nhìn moi móc của mọi người. Cả Tý cũng chỉ thở dài cho qua chuyện, không dám hỏi con gái gì thêm.
Rồi nạn đói cũng qua. Làng xóm lại bình yên bên mùa màng trù phú. Ông Cả Tý đã già, cô Hai đã ngoài 20 tuổi. Chuyện cô Hai là chuột tinh vẫn rì rầm khắp xứ. Hết cách, ông Cả Tý bàn với vợ mở lễ kén rể để cô Hai sớm yên bề gia thất. Đánh tiếng đã lâu, nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai bén mảng tới. Ông Cả Tý ngày đêm lo lắng đến mức lâm trọng bệnh. Lúc biết mình khó cầm cự, ông căn dặn vợ con:
- Tía cả đời tích đức, sống lương thiện. Nay đã tới số trời, mẹ con bây ở lại đùm bọc nhau. Ở hiền thì gặp lành…
Không bao lâu sau, vợ ông Cả Tý cũng quy tiên. Cô Hai đã thui thủi càng thui thủi. Xóm Ngọc Mễ cứ rì rầm, bàn tán chuyện cô Hai gieo hoạ cho dân làng.
Thế rồi nạn chuột lại hoành hành. Lần này ác liệt hơn, người đói lại nhiều hơn bận trước. Một ông thầy địa lý từ xứ xa ghé qua xóm và phán rằng:
- Phải đúc một cặp chuột vàng, đem chôn dưới gốc đa đầu làng, lập đàn cúng tế đất trời, may ra xóm này mới thoát cơn diệt vong.
Tất cả các bô lão, dân làng tụ họp xôn xao. Tiền đâu để đúc chuột vàng. Ai bỏ ra? Đang lúc ấy, cô Hai đứng dậy thưa với mọi người:
- Nay tía má tôi vắn số, tôi thân phận con gái côi cút, xin nguyện hiến tài sản để làm chuột vàng khấn vái trời đất, cầu bình an cho bà con.
Tất cả mọi người vỗ tay rầm rầm. Họ vỗ tay không phải vì cảm động trước nghĩa cử của cô Hai, mà vì họ cho rằng, hoạ do cô Hai gây ra, cô Hai giải quyết là hợp tình, hợp lý. Thế rồi nhà cửa, trâu bò, kho lẫm của nhà ông Cả Tý bị san phẳng một cách nhanh chóng. Của nả thâu lượm được có hội đồng bô lão đứng ra để thuê thợ kim hoàn luyện đôi chuột để làm lễ dâng. Chỗ chôn đôi chuột chỉ có ông thầy địa lý biết mà thôi. Không ai biết, cô Hai đã theo sát hành tung mờ ám của gã này…
Buổi lễ cầu khấn đất trời và dâng cặp chuột vàng diễn ra trang nghiêm, dân làng Ngọc Mễ có mặt đầy đủ. Chôn cặp chuột vàng xong, chợt trời đất tối sầm. Ông thầy địa lý cầm chủ lễ sa sầm nét mặt mà nói:
- Đất trời linh ứng, nhưng phải hiến sinh một cô gái trinh trắng cầm tinh con chuột mới mong hoá giải kiếp nạn này.
Thế rồi cả làng nhao nhao:
- Phải hiến cô Hai! Phải hiến cô Hai! Phải hiến cô Hai!
Cô Hai nhỏ bé làm sao kháng cự lại đám đông đang điên cuồng. Một cái lồng tre đem ra, cô Hai bị trói quặt tay, một chiếc bè tre đóng gấp. Thế là cô Hai bị thả trôi sông tế lễ. Người con gái vẫn thản nhiên đón nhận mọi chuyện, không chút phản kháng, không chút giãi bày. Chiếc bè trôi dần xa, chỉ còn vẳng những tiếng hò hú của đám đông phấn khích. Mơ hồ trong đầu của cô Hai là lời cha căn dặn, “ở hiền thì gặp lành”…
Chiếc bè trôi đến hạ nguồn dòng sông, về một làng xóm xa xôi. Cô Hai tưởng chừng đã chết, nhưng may thay, một đôi vợ chồng già làm nghề chài lưới vớt được, đem về nhà. Ông bà già mừng rỡ:
- Trời cho một nàng dâu chăng?
Thì ra, ông bà có một đứa con trai lực điền, mỗi tội nhà nghèo quá mà gần 30 vẫn chưa lấy nổi vợ. Vậy là cô Hai có chồng. Cô Hai vẫn vậy, lặng lẽ và ít mở lời về bản thân. Người chồng thấy lạ, gặng hỏi:
- Em từ đâu trôi dạt về đây? Nhà em ở đâu?
Cô Hai ra dáng dâu hiền, vợ thảo. Từ ngày có cô về, gia đình ông bà lão không còn lênh đênh chài lưới mà khai khẩn đất đai để trồng trọt. Chẳng mấy chốc, gia đình trở nên khá giả. Cô Hai sinh cho người chồng một đứa con trai đẹp như tranh vẽ.
Chuyện đời tưởng đâu đã bình yên. Một sớm mai, có ông thầy địa lý đến làng và phán rằng:
- Làng này sắp gặp đại hoạ, phải đúc một cặp chuột vàng…
Lần này, nhà chồng của cô Hai được chỉ định phải hiến gia tài làm chuột. Lý do được đưa ra là do cưới phải một cô gái không gốc gác, hình thù kỳ dị. Mà lý do chính là ông thầy địa lý nọ tiết lộ, cô gái ấy chính là chuột tinh từ xứ khác về phá hoại làng này. Trong cơn hoảng loạn, cô Hai chỉ căn dặn chồng:
- Anh hãy theo dõi gã thầy địa lý…
Thật bất ngờ! Trong tay nải mà thầy địa lý mang theo, có một cặp chuột vàng được đúc thật đẹp. Nhớ lời vợ, người chồng để lại cặp chuột như cũ.
Ngay đêm hôm đó, vợ chồng gởi lại con và lặn lội trở về quê cũ. Khi cô Hai trở về, xóm Ngọc Mễ tiêu điều, hầu như không còn mấy ai sinh sống. Cô Hai cùng chồng đào gốc đa lên tìm cặp chuột. Sự thật rõ ràng, bằng chứng hẳn hoi, cặp chuột chôn này là giả, còn cặp chuột thật đã bị ông thầy địa lý đánh tráo. Vợ chồng tức tốc trở về để vạch mặt ông thầy địa lý.
Buổi lễ lại diễn ra uy nghiêm. Vị thầy địa lý chăm chú nhìn cô Hai, lại phán:
- Làng này có chuột tinh, phải diệt trừ!
Mọi ánh mắt lại đổ dồn về phía cô Hai. Đúng lúc này, người phụ nữ nhỏ thó đứng lên dõng dạc nói:
- Thưa bà con! Thầy địa lý này đã từng lừa gạt dân làng cũ của tôi, bày trò cúng bái đất trời để tráo đổi chuột vàng thành chuột giả rồi tư túi. Không tin, bà con cứ xem trong tay nải của vị này cũng có một cặp chuột vàng, bên dưới có đề chữ hiệu của làng Ngọc Mễ.
Ông thầy địa lý tái mặt. Dân làng lặng im. Người chồng chạy lên tháo tay nải, trưng ra bằng cớ. Rốt cuộc, ông thầy địa lý thú nhận:
- Ngày trước biết cô Hai có lòng nhân, lại có tài sản lớn mà ba mẹ đã qua đời. Tôi vin vào lòng tin mù quáng của dân quê cô mà đốc giục người ta hại cô tán gia bại sản, phải nhốt lồng trôi sông. Nay, xin cô và dân làng cho tôi một con đường sống…
Lúc này, cớ sự cuộc đời của cô Hai được gã thầy địa lý hé mở. Cả gia đình bên chồng và dân làng thêm bội phục nghĩa cử và trí tuệ cao đẹp của người con gái tuy xấu người nhưng đẹp nết lại thông minh tuyệt đỉnh. Sau đó, người ta bắt đầu gọi cô Hai là cô Hai Tý. Cô Hai trở về quê cũ để di dời mồ mả cha mẹ, tổ tiên về quê chồng. Bên gốc đa xứ Ngọc Mễ, cô dựng một đôi chuột bằng đồng trong am nhỏ để thờ tự, tưởng nhớ công đức của cha mẹ cô ngày trước.
Bãi biển, nương dâu. Cô Hai Tý sống một đời hạnh phúc, sung túc bên chồng con. Còn dấu tích cũ ở làng Ngọc Mễ, người ta đặt tên thành miếu thờ Thần Chuột. Về sau này, đất đai Ngọc Mễ lại đón dòng người lập xóm, lập làng, truyền đời nhau về một giai thoại đẹp, phong cô Hai Tý là thành hoàng bổn cảnh, ngày đêm hương khói.
Chuyện này hoàn toàn có thật, không tin, có thể về xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời để hỏi thêm Bác Ba, thưa tất cả mọi người!./.
Truyện ngắn của Phạm Quốc Rin