Với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 10%/năm giai đoạn 2006-2015, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp; hằng năm giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Cà Mau.
Với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 10%/năm giai đoạn 2006-2015, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp; hằng năm giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh Cà Mau.
Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh Cà Mau, trong đó mũi nhọn là ngành chế biến thuỷ sản.
Công nhân đang làm việc tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. |
Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Huỳnh Văn Minh cho biết: “Cà Mau là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đảng bộ tỉnh đã xác định thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn, con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, công nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu là động lực chính, đóng vai trò quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp”.
Xuất khẩu thuỷ sản giữ vai trò then chốt
Số cơ sở chế biến thuỷ sản tăng lên cả về số lượng và quy mô, năng lực chế biến được đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, toàn tỉnh có 32 công ty chế biến thuỷ sản với 38 nhà máy, xí nghiệp trực thuộc. Các công ty tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng hoá mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Khu Công nghiệp và Đô thị mới Khánh An, Khu Công nghiệp và Đô thị mới Hoà Trung… tạo sự chuyển biến cho công nghiệp Cà Mau phát triển.
Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau hoạt động ổn định, làm thay đổi hẳn diện mạo nền kinh tế của vùng, đóng góp hằng năm trên 40% ngân sách cho Cà Mau cùng với hàng chục tỷ đồng được sử dụng vào mục đích an sinh xã hội. Với công suất toàn hệ thống vận chuyển khí 6,25 triệu m3/ngày, Công ty Khí Cà Mau đã cung cấp đủ khí cho 2 nhà máy điện có tổng công suất 1.500 MW để tạo ra sản lượng điện hằng năm khoảng 8 tỷ kWh và Nhà máy Đạm có công suất 800.000 tấn u-rê/năm.
Hiện sản lượng điện, đạm của các nhà máy hằng năm không chỉ đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh lương thực của cả nước. Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, từ tỉnh thuần nông, Cà Mau trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL, thứ 17 của cả nước, trở thành 1 trong 4 tỉnh kinh tế trọng điểm của ĐBSCL.
Ngoài việc quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp trọng điểm, tỉnh Cà Mau còn xây dựng danh mục các dự án mời gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, xử lý rác thải tại các khu công nghiệp và TP Cà Mau, xây dựng các khu trung tâm thương mại, siêu thị, khu du lịch sinh thái rừng và biển đảo tại Mũi Cà Mau, bãi biển Khai Long, cụm đảo Hòn Khoai, Vườn Quốc gia U Minh Hạ...
Biến tiềm năng thành thế mạnh
Ông Huỳnh Văn Minh cho biết: “Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có, tỉnh Cà Mau đang tập trung nhiều nguồn lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp để trở thành tỉnh công nghiệp sau năm 2020, trên cơ sở khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm, phát triển nền kinh tế năng động hiện đại”.
Hiện nay, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo quy định chung, Cà Mau có một số cơ chế, chính sách riêng của địa phương nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp như: công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ưu đãi về vay vốn kinh doanh, ưu tiên chọn mặt bằng cùng nhiều ưu đãi khác, chính sách đầu tư công khai, minh bạch...
Bên cạnh đó, Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình khuyến công nhằm phát triển tiểu - thủ công nghiệp nông thôn và tận dụng những nguyên liệu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Cùng với đó, tỉnh còn tham gia xây dựng tam giác phát triển kinh tế Cần Thơ - Cà Mau - Kiên Giang, góp phần phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm tới.
Để công nghiệp Cà Mau phát triển đúng với tiềm năng sẵn có, tỉnh cần có những chính sách đầu tư về hạ tầng, cải thiện môi trường thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, đẩy mạnh khôi phục làng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; chú trọng đào tạo nghề và có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi nguồn nhân lực chất lượng có cao, chuyên môn có vững vàng, nắm bắt khoa học - công nghệ hiện đại mới có thể giúp Cà Mau tìm ra hướng đi mới, phù hợp với điều kiện thực tế, đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa ngành công nghiệp Cà Mau theo kịp tiến độ phát triển chung của cả nước./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng