Nằm trong chương trình lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 và bà con Nhân dân ÐBSCL, trung tuần tháng 10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã diễn vở “Ðứa con của đồng đội”, thu hút hơn 300 cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đóng quân đến xem, cổ vũ.
Nằm trong chương trình lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 và bà con Nhân dân ÐBSCL, trung tuần tháng 10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã diễn vở “Ðứa con của đồng đội”, thu hút hơn 300 cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực đóng quân đến xem, cổ vũ.
“Ðứa con của đồng đội” là tác phẩm của nữ tác giả đầu tiên 3 năm liền đoạt giải Cù Nèo Vàng (2006, 2007, 2008), do nhiều phóng viên viết về văn hoá nghệ thuật của các báo, đài bình chọn - tác giả Vương Huyền Cơ.
![]() |
Cảm xúc dâng trào về tình đồng đội, nghĩa cha con. Trong ảnh: Hài cốt của Ðông được gia đình, đồng đội tìm được nơi đáy hang sâu. |
Vở kịch “Ðứa con của đồng đội”, được Ðạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng độc đáo, sinh động trong cách thể hiện. Khai thác đề tài những góc khuất sau chiến tranh, “Ðứa con của đồng đội” là câu chuyện cảm động về tình yêu, tình đồng đội sắt son, thuỷ chung của những người lính trong thời chiến, chuyện “nhân tình thế thái” và nỗi lòng của người trở về sau cuộc chiến.
Vở diễn đưa người xem về quá khứ, nơi diễn ra câu chuyện về tình yêu lãng mạn của Ðông và Thuỷ, anh lính trẻ đang cầm súng chiến đấu trên chiến trường với cô văn công đam mê hát phục vụ bộ đội ngoài mặt trận. Bom đạn chiến tranh ngày càng ác liệt, lần lượt Ðông và Thuỷ đều hy sinh, để lại bé Việt Quốc cho đồng đội cưu mang, nuôi dưỡng.
Từ ngày đất nước hoà bình, thống nhất, ông Nam, ông Bình (đồng đội của Ðông) tuy một phần thân thể đã gửi lại chiến trường nhưng vẫn ngày đêm bồng bế Việt Quốc lặn lội khắp rừng sâu, núi cao để tìm hài cốt Ðông, Thuỷ. Bên bờ suối vắng, sâu thẳm giữa đại ngàn Trường Sơn, họ đã tìm được hài cốt Thuỷ, đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ. Còn hài cốt của Ðông thì…
Việt Quốc tốt nghiệp đại học, trở thành luật sư trẻ, tuy nhiên, Quốc vẫn phải luôn sống trong sự “dò xét” của dư luận, niềm trăn trở của lương tâm. Dư luận cho rằng, Ðông (cha Quốc) đã bị trúng bom tan xác, hoặc Ðông đã chạy theo giặc trong ngày đất nước hoàn toàn giải phóng… Mọi suy luận, mọi phán đoán về Ðông là những nhát dao cắt vào tim, vào tâm can Quốc, ông Nam, ông Bình đau nhói.
Tạm gác lại tất cả, họ lại cùng nhau lần tìm về quá khứ, như tìm một câu trả lời cho người đã khuất và cho cả người hôm nay.
Dưới đáy một hang sâu giữa rừng già, Quốc ngã quỵ bên bộ hài cốt đã gần hoá thành cát bụi, trong tiếng nấc nghẹn ngào, Quốc khẽ gọi “Cha ơi!”. Ông Nam, ông Bình cúi nhặt khẩu AK kề bên đã mục rữa, thấp thoáng dòng chữ mờ nhạt trên báng súng - Trung sĩ Nguyễn Văn Ðông.
Buổi biểu diễn đã để lại nhiều cảm xúc sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh và Nhân dân khu vực đóng quân./.
Bài và ảnh: Thành Luân