ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 20:28:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể các nhà thiếu nhi không vắng thiếu nhi - Bài 2: Khó khăn chồng chất

Báo Cà Mau (CMO) Kêu gọi xã hội hoá (XHH) là giải pháp mà các địa phương đã làm để có đủ nguồn kinh phí chi cho các hoạt động NTN. Thế nhưng, vì nhiều nguyên do, việc XHH ở các đơn vị NTN không thể đảm bảo như nhau. Việc này phần vì quy mô hoạt động NTN thời gian qua còn nhiều hạn chế, phần do sự quản lý thiếu quyết đoán.

Ngay cả “khu đất vàng” ở NTN tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay đã hoang phí 200 triệu đồng, khi không thể cho thuê khu vực sân bóng đá mini và khu hồ bơi. Theo phản ánh của Giám đốc NTN tỉnh Huỳnh Chí Dũng: Ðã qua tỉnh có chủ trương di dời NTN về vị trí mới để thành lập Trung tâm hoạt động giáo dục Thanh thiếu niên. Tuy nhiên, thời gian, địa điểm di dời chưa xác định được, nên gây khó khăn cho đơn vị, nhất là việc nâng cấp, sửa chữa những vật dụng, hạng mục công trình đã và đang xuống cấp.

Ngoài ra, công tác liên doanh, liên kết, cho thuê mặt bằng của đơn vị, việc ký gia hạn hay ký mới hợp đồng từ đầu năm 2021 không thể thực hiện.

Cơ hội trôi qua trên “đất vàng”

Khuôn viên NTN tỉnh được bao bọc và liên thông bởi 4 tuyến đường: Phan Ngọc Hiển, Lý Thường Kiệt, Lê Ðại Hành và Trần Hưng Ðạo. Ðây là khu vực đắc địa ở tuyến cửa ngõ, là khu “đất vàng” trong quy hoạch xây dựng và nâng cấp đô thị nội ô TP Cà Mau, với tổng diện tích hơn 30.200 m2.

Năm 2020, như mọi năm trước đây, NTN tỉnh thực hiện hợp đồng cho thuê mặt bằng trên diện tích hơn 10.000 m2 với các khu: Dịch vụ trò chơi ngoài trời (Khu vui chơi Thanh Thế); khu hồ bơi, khu sân bóng đá mini và 3 khu dịch vụ ăn uống (Cà phê Ðào Viên, Lục Lạc Hồng và Hà Nội Phố). Tổng kinh phí cho thuê mặt bằng hàng năm khoảng 1,8 tỷ đồng (150 triệu đồng/ tháng).

Song, đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, phía NTN hết hạn hợp đồng với gói hợp đồng sân bóng đá mini (giáp đường Lê Ðại Hành, ngay sau quán cà phê Hà Nội Phố) và khu hồ bơi (phía cổng NTN mặt đường Lý Thường Kiệt). Nếu mọi việc thuận lợi như mọi năm, sau kết thúc hợp đồng, Ban giám đốc NTN tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu lại, để đảm bảo không bỏ hoang mặt bằng và tranh thủ có nguồn thu đảm bảo chi các hoạt động.

Khu hồ bơi NTN tỉnh bỏ phí từ đầu năm 2021 đến nay.

“Nhưng kể từ tháng 12/2020, sau khi hết hạn hợp đồng cho thuê 2 khu đất như đã nêu thì không thể tiến hành thủ tục cho thuê lại. Vì theo Ðề án sử dụng khu vực đất NTN hiện hữu (giai đoạn 2016 - 2022) của Ban giám đốc NTN với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn trước đó, NTN không thể tiếp tục gia hạn hợp đồng cho thuê các khu đất chỉ trong 12 tháng (chưa kể các khâu pháp lý trong thời gian kêu gọi, đấu giá, đấu thầu). Bởi, nhà đầu tư rất e ngại về vấn đề hoàn vốn trong 12 tháng khi bỏ kinh phí đầu tư và chi phí thuê đất”, ông Huỳnh Chí Dũng cho biết.

Thực tế, Ban giám đốc NTN tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh đoàn nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết. “Phương án đưa ra là hoặc tiếp tục cho thuê trong thời gian ngắn với giá thấp, hoặc giao mặt bằng các khu đất này để NTN sử dụng rồi Nhà nước đầu tư ít kinh phí sửa chữa, phục vụ nhu cầu thể dục thể thao cho thanh thiếu nhi. Trái lại, Ban giám đốc NTN và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã trình đến Tỉnh uỷ, thậm chí Ban giám đốc NTN muốn trình bày trực tiếp với Thường trực UBND tỉnh về tình hình sử dụng tài sản công hiện hữu, nhưng trình từ tháng 2/2021 đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi”, ông Huỳnh Chí Dũng nói.

Theo giá hợp đồng cho thuê sân bóng đá mini (như đã cho thuê vào những năm trước) mỗi tháng 24 triệu đồng. Khu vực hồ bơi mỗi tháng 16 triệu đồng. Vô hình trung, vì “tắc trách” (có thể việc kiến nghị chưa đến cấp lãnh đạo) mà 2 khu đất vàng sinh ra tiền mỗi ngày này đi vào hoang phí. Ðến thời điểm phóng viên thực hiện loạt bài đã tròn 5 tháng của năm 2021, nếu làm bảng tính thì mỗi tháng NTN tỉnh mất nguồn thu 40 triệu đồng, tổng số tiền mất vì không thể cho thuê tiếp tục của 5 tháng vừa qua là  200 triệu đồng.

Nguồn kinh phí bị mất đi này so ra bằng tổng kinh phí cộng dồn của 3 năm liên tục để duy trì hoạt động của NTN huyện U Minh. Và là nguồn tiền cho thuê mặt bằng mơ ước đối với các NTN huyện Cái Nước, Năm Căn.

Sự thật từ những NTN... rỗng

Theo thống kê, NTN các huyện: U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Năm Căn có chi phí xây dựng từ 8 đến trên 10 tỷ đồng. Tất cả các hạng mục NTN hiện hữu ở Cà Mau đều do Tỉnh đoàn Cà Mau làm chủ đầu tư xây dựng.

Hồi mới đi vào hoạt động, một số nơi được trang bị thiết bị phục vụ công tác quản lý, tổ chức hoạt động, như: bàn, ghế, tủ hồ sơ, máy vi tính,... Tuy nhiên, qua thời gian ngắn sử dụng, một số thiết bị khai thác chưa thường xuyên và công tác bảo quản chưa tốt, thiết kế chưa phù hợp nên nhiều cơ sở vật chất, thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp.

Có nơi NTN không thể tổ chức hoạt động. Một số NTN, các phòng chức năng được chủ đầu tư xây dựng, bàn giao nhưng chưa được hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất nên việc tổ chức các lớp năng khiếu gặp khó khăn. Một số nơi trang thiết bị thiếu đồng bộ nên không khai thác sử dụng được và thiếu phòng chức năng, khu vui chơi, giải trí ngoài trời.

Thực trạng xuống cấp nghiêm trọng ở NTN huyện Cái Nước.

“Năm 2013, khi bàn giao NTN, nếu Huyện đoàn không có thời gian dời về khu NTN làm việc thì đến nay NTN huyện cũng chưa có thêm tài sản gì ngoài bộ khung và các thiết bị bàn ghế do lúc dời đi Huyện đoàn để lại. Ở công trình này, NTN huyện tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ (CLB) võ thuật, đàn piano mỗi năm được khoảng 3 lớp. Nói là nơi hoạt động, nhưng xem lại thì CLB võ thuật chỉ sử dụng khoảnh sân của NTN. Bàn ghế của khu vực NTN coi nhưng bằng không. Lớp đàn piano phải kê ghế ngồi tạm bợ”, anh Ngô Minh Trung, Bí thư Huyện đoàn, Giám đốc NTN huyện Cái Nước, thông tin.

“Bạn có thể tưởng tượng rằng NTN huyện chỉ được trang bị 2 cây kèn Trumpet trong đội kèn thì làm sao có thể sử dụng trong lễ, hội. Bởi để trang bị 1 đội kèn đầy đủ thì chi phí cần trên 100 triệu đồng. Chính vì thế mà các sự kiện ở huyện, NTN chỉ phục vụ nghi thức đội (đội trống) còn các hoạt động giao lưu cấp tỉnh hoàn toàn phải nhờ đội kèn, đội nghi thức của NTN tỉnh hỗ trợ”, chị Võ Hồng Diễm, Phó bí thư Huyện đoàn, kiêm Giám đốc NTN huyện Năm Căn nói như than.

Riêng việc tổ chức các lớp năng khiếu cho thiếu nhi khu vực thị trấn Năm Căn, chị Võ Hồng Diễm cho biết: “Phục vụ chưa được 1% tỷ lệ thiếu nhi của thị trấn. Chính vì mô hình quản lý và kinh phí yếu nên các hoạt động không thể diễn ra và thu hút đông đảo như mong mỏi. Hiện giờ, NTN muốn chiêu sinh các lớp năng khiếu cũng không thể. Vì nơi đây phòng làm việc của NTN đang cho mượn! Năm 2020, nỗ lực lắm, NTN mới tổ chức được 3 lớp năng khiếu với khoảng 150 thiếu nhi tham gia. Năm 2021 đến nay chưa thể mở được lớp nào”.

Còn anh Phạm Văn Hiền, Bí thư Huyện đoàn, Giám đốc NTN huyện U Minh, thông tin về tình hình hoạt động của NTN huyện mà buồn rười rượi: “Từ năm 2015, có thể xem là hoàng kim nhất của hoạt động NTN huyện. Lúc đó, mỗi năm NTN tổ chức khoảng 3 lớp năng khiếu cho thiếu nhi. Cộng dồn từ năm 2015 đến 2018 khoảng 15 lớp được tổ chức. Nếu NTN đảm bảo đầy đủ các thiết bị thì mỗi năm có thể phối hợp với các ngành mở từ 7 - 8 lớp năng khiếu cho các em (1 lớp khoảng 30 thiếu nhi). Giờ thì chỉ có lớp dạy bơi, NTN phối hợp với các trường học để tổ chức dạy cho học sinh”.

NTN huyện U Minh đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến đầu năm 2018 nhiều hạng mục đã xuống cấp (chỉ 3 năm!). Ðặc biệt là khu vực hội trường ngày càng xuống cấp trầm trọng, không thể sử dụng được. Nhiều trang thiết bị như: bàn, ghế, máy tính hư hỏng do không sử dụng thường xuyên. Thậm chí khu NTN hoành tráng trị giá trên 10 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có bảng tên.

Giờ thì nhân sự quản lý khu “nhà trống” này ở U Minh chỉ 1 Giám đốc kiêm nhiệm và 1 nhân sự bảo vệ. Mỗi năm NTN huyện được rót kinh phí 60 triệu đồng. Ít hoạt động, công trình đồ sộ trên 10 tỷ đồng để xây dựng từ năm 2015 ấy càng thêm hoang phế và hoang phí./.

 

Phong Phú

Bài 3: NỖI BUỒN CÔNG TRÌNH “YỂU MỆNH”

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.