(CMO) Thực khách sành điệu, khi nhắc đến cua Cà Mau là nhắc đến cua Năm Căn, đệ nhất cua ngon của vùng đất Cà Mau. Bởi vậy không quá khi nói rằng, tới Cà Mau mà chưa ăn cua Năm Căn thì coi như chưa trọn vẹn một chuyến đi.
Cất công tìm về xã Lâm Hải, nơi được coi là thủ phủ của con cua Năm Căn, mới thấy hết sự trân quý và tự hào của người nông dân đối với một sản vật độc đáo của quê hương. Cua Năm Căn cũng trải qua nhiều vui buồn, nhưng từ thời điểm này trở đi, hương vị thơm ngon của sản vật này sẽ có cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để vang xa khắp chốn.
Huyền thoại cua Năm Căn
Năm Căn là địa danh gắn liền với những con sông, cửa biển lớn ở Cà Mau như Bồ Đề, Cửa Lớn. Hương phù sa của nước biển mặn đã tạo nên danh tiếng cho các loài thuỷ hải sản sinh sôi nảy nở trên vùng đất này. Trong đó, con cua là sản vật đặc trưng gắn bó với đời sống mưu sinh và cả văn hoá ẩm thực của cư dân. Những bậc cao niên làm nghề đáy hàng cạn, hoặc thời khai khẩn đất rừng hoang vùng Năm Căn còn lưu truyền lại chuyện về những mùa cua hội. Thường mỗi năm cua có 2 thời điểm “đông ken”, đó là từ rằm tháng Bảy cho tới rằm tháng Tám âm lịch và mùa gió chướng cuối năm.
Anh Lê Văn Mạnh, người tâm huyết với thương hiệu cua Năm Căn. |
Theo kinh nghiệm dân gian và vòng đời sinh trưởng của con cua cho thấy, vào những thời điểm này, con cua cái đã lên gạch, cua đực thì chất lượng thịt cũng như trọng lượng đã ổn định. Cua là loài thuỷ sinh rất độc đáo, khi tới lứa trưởng thành thì tìm mọi cách ngược ra biển. Cho nên, đánh bắt cua trước đây cũng có mùa, có hội như hầu hết những sản vật nức tiếng vùng rừng đước Năm Căn - Ngọc Hiển: Hội cá đường, hội ba khía, hội cá dứa… Có điều, cua trước đây chỉ là thứ “ăn chơi”, ít giá trị kinh tế. Người đóng đáy cất đụt, cua bò lổm ngổm, con bự thì bắt, con nhỏ thì gạt lại xuống sông. Cua thì chỉ luộc hoặc chế biến vài món ăn chơi, người nào kỳ công một chút thì làm cua muối. Khác với tôm, con cua không phơi khô được như tôm, vì thế địa vị con cua trong họ hàng thuỷ tộc và với cuộc mưu sinh vất vả của người dân có phần yếm thế.
Phó chủ tịch UBND xã Lâm Hải Tôn Văn Tiến cho biết: “Đó là chuyện trước đây, còn bây giờ, con cua là sản vật được bà con hết sức quý trọng. Bởi nguồn lợi từ con cua đã giúp kinh tế của người dân không ngừng khởi sắc”. Cũng theo lời anh Tiến, vùng cua nguyên liệu của Lâm Hải hiện đang là trọng điểm của toàn huyện Năm Căn. Chất lượng cua của Lâm Hải thật sự nổi trội và có tính đại diện cho thương hiệu cua Năm Căn. Xã Lâm Hải đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) kiểu mới Tân Hiệp Phát, nơi quy tụ được những con người có tâm huyết và tình yêu với con cua.
Chủ nhiệm HTX Tân Hiệp Phát Lê Chí Linh thông tin: “Hiện HTX có 25 thành viên với hơn 250 ha đất nuôi cua. HTX đảm bảo từ khâu dèo cua giống, nuôi cua thịt và đầu ra cho sản phẩm. Hiện cua của HTX đã vươn ra thị trường toàn quốc với sản lượng bình quân 300 kg/ngày”. Ông Linh khẳng định, con cua của HTX Tân Hiệp Phát được lựa chọn cẩn thận, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Cua hoàn toàn được nuôi trong môi trường sinh thái tự nhiên, kết hợp rừng - tôm - cua và một số loài khác như sò huyết, vọp, chất lượng và độ an toàn được đảm bảo tuyệt đối.
Trong câu chuyện, ông Linh có những chia sẻ về thăng trầm của con cua Năm Căn thời gian qua: “Thấy cua Năm Căn ngày càng có giá trị kinh tế, nhiều người lợi dụng trộn với cua vùng khác, hoặc bán mà không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính”. Ngay cả cọng dây trói cua, trước đây còn có tình trạng dây trói nặng hơn cả trọng lượng con cua, trói xong, con cua không còn nhúc nhích nổi. Nói tới đây, ông Linh cười buồn: “Mấy anh coi, cọng dây trói người ta trộn sình, trộn cát, ngâm nước bốc mùi thối um, ai mà dám mua cua ăn nữa”. Làm HTX, con cua Lâm Hải được nông dân chọn lựa theo đơn hàng, có hợp đồng hẳn hoi. Con cua được trói với dây dệt không trọng lượng, có in kèm lô gô. Bởi vậy, anh em xã viên hay nói vui với nhau: “Cua Năm Căn giờ lên đời rồi, bà con nuôi cua cũng nhờ đó mà thơm lây”.
Sản vật chủ lực
Nhiều người bạn xứ xa, nhất là những người sành ăn, cứ về Cà Mau là đòi ăn cua, mà phải là cua Năm Căn mới được. Đòi hỏi ấy khiến chúng tôi, những người con Cà Mau cảm thấy tự hào. Du lịch Cà Mau đang trong giai đoạn cất cánh, những sản vật như cua Năm Căn chính là tài sản vô giá. Trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau diễn ra đầu tháng 12/2019, đã có những gian hàng ẩm thực trình diễn đặc sản cua với rất nhiều biến tấu món ăn khiến du khách vô cùng thích thú. Ngay cả một chuyên gia hàng đầu về du lịch của Thái Lan cũng đã gợi ý, tại sao người ta có lễ hội nho, lễ hội bánh mì, lễ hội hoa hồng, lễ hội cà chua… mà Cà Mau không có lễ hội cua nhỉ?
Từ sự giới thiệu của địa phương, chúng tôi về gia đình anh Lê Văn Mạnh, người được mệnh danh là vua cua Lâm Hải. Trong tay có 40 ha đất, anh Mạnh có niềm tin mãnh liệt vào tương lai con cua. Thật bất ngờ, anh Mạnh quê gốc ở tận Ninh Bình, nhưng những điều anh tâm sự khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về hiểu biết và tình yêu với con cua. Theo anh Mạnh, cua Năm Căn sở dĩ thơm ngon là nhờ những điều kiện thiên nhiên ban tặng. Độ mặn, nguồn nước phù sa, dòng chảy, chất đất, tán rừng đước… tất cả đã hội tụ tinh hoa vào thớ thịt con cua. Cua Năm Căn chắc, thơm, giàu dinh dưỡng, có thể nói là cực phẩm nếu so với tất cả các vùng, miền khác.
Anh Mạnh chỉ dẫn, ăn cua có mấy loại cơ bản, đó là cua đực (cua y), loại này thịt nhiều, kích cỡ lớn. Cua yếm vuông nhỏ nhưng thịt cực ngon, gạch cua cũng có đặc sắc riêng. Cua gạch thì có gạch son, được coi là “vàng” hội tụ hết tinh tuý của con cua. Người sành ăn có quyền lựa chọn theo món, theo khẩu vị. Cua dễ chế biến, chế biến nhanh, làm được nhiều món, đặc biệt là ăn thấy ngon nhưng không chán. Ăn rồi lại muốn ăn nữa. So với cua các vùng khác, giá cua Năm Căn có cao hơn, nhưng chất lượng xứng đáng đồng tiền bát gạo.
Những nông dân như anh Mạnh còn quý mến con cua bởi đặc tính hoà đồng của nó. Người nuôi cua có thể kết hợp với con tôm, con vọp, sò huyết và các loài thuỷ sinh khác mà không hề có sự đối nghịch, loại trừ. Mô hình kết hợp các loài dưới tán rừng đước đã là lựa chọn và cũng sẽ là lựa chọn lâu bền cho nông dân miệt Năm Căn - Ngọc Hiển. Theo chân anh Mạnh ra đầm, chỉ trong một buổi sáng của con nước đầu tháng Chạp, anh thu về 15 kg tôm sú, gần 20 kg cua các loại. Trong lòng chúng tôi cứ hoài mong mỏi: “Phải chi nông dân Cà Mau nào cũng được như anh Mạnh thì mấy chốc mà giàu”.
Một ngày rong ruổi với con cua Năm Căn, tận mắt thấy cái tâm và niềm tin của nông dân vào loại sản vật này, chúng tôi thêm vững lòng với nhịp bước của quê hương Cà Mau trên chặng đường phát triển. Cà Mau mình giàu đẹp vậy, ngoài con cua còn có con tôm, mật ong, ba khía muối và biết bao nhiêu sản vật độc đáo vang tiếng xa gần khác nữa. Nhưng nói gì thì nói, về Cà Mau mà chưa ăn cua Năm Căn thì coi như chuyến đi chưa trọn vẹn. Riêng điều này thì khỏi phải bàn!./.
Phạm Hải Nguyên