ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 10:06:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Báo Cà Mau Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Kịp thời, đúng đối tượng

Nhiều năm qua, quỹ Vì người nghèo và quỹ Cứu trợ các cấp trong tỉnh được triển khai kịp thời, công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng, trên quan điểm đồng hành giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao nhận thức, hành động thoát nghèo; hỗ trợ những điều kiện căn bản như: nhà ở, việc làm, sinh kế...

Năm 2023, quỹ Vì người nghèo các cấp vận động được hơn 146,5 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng mới 747 căn, sửa chữa 63 căn nhà Ðại đoàn kết; giúp 1.493 lượt người phát triển sản xuất, khám chữa bệnh 13.600 lượt người, giúp hơn 62 ngàn lượt học sinh...

Gia đình anh Lâm Văn Tám, ở ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, sinh sống bằng nghề khai thác biển, vợ chồng anh có 2 con nhỏ. Căn nhà xuống cấp mưa tạt, gió lùa mấy năm nhưng không có điều kiện sửa sang. Sau khi khảo sát hoàn cảnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện vận động nhà hảo tâm và xuất quỹ Vì người nghèo hỗ trợ gia đình anh Tám 50 triệu đồng, anh em trong gia đình góp thêm 30 triệu đồng, căn nhà được dựng lên trong niềm hân hoan của gia đình.

Niềm vui của gia đình anh Lâm Văn Tám cũng là niềm vui chung của những hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, khi nhận được sự quan tâm, sẻ chia kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền và MTTQ.

Bà Dương Thị Cẩm, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Năm 2023, quỹ Vì người nghèo của huyện vượt 61% chỉ tiêu (đạt 1,93/1,2 tỷ đồng), đã xây dựng 22 căn nhà Ðại đoàn kết, hỗ trợ hơn 10.500 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo, học sinh... Từ đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến nay huyện còn 548 hộ nghèo, chiếm 3%; 460 hộ cận nghèo, chiếm 2,53% và có 8 ấp, khóm xoá trắng hộ nghèo”.

Lãnh đạo huyện Ngọc Hiển trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển.

Với vai trò cầu nối những tấm lòng hảo tâm, năm qua MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp nhận quỹ Cứu trợ hơn 12,8 tỷ đồng, đã hỗ trợ 157 hộ bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn lao động...

Tại huyện U Minh, năm qua khắc phục hậu quả cơn bão Số 1, Số 2, địa phương có 60 hộ được hỗ trợ cất nhà, trong đó 45 căn sập hoàn toàn được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ, 15 căn bị hư hỏng nặng được hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ. Trong căn nhà mới, anh Võ Minh Niêm, ở Ấp 3, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, không giấu được xúc động: “Năm rồi lốc xoáy cuốn văng cả căn nhà xuống ao, vợ chồng tôi gom hết vật dụng lánh nạn ở nhà cha mẹ gần đó. Tôi làm mướn mưu sinh hằng ngày, đâu có tiền dư để cất nhà, nhờ địa phương quan tâm hỗ trợ nên gia đình tôi mới có chỗ ở đàng hoàng, ổn định cuộc sống như bây giờ. Tôi cứ nghĩ đó là mơ”.

Ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2023, hệ thống MTTQ trong tỉnh đã giúp đỡ 750 hộ trong tổng số 870 hộ đăng ký đầu năm thoát nghèo bền vững. Năm nay, lập thành tích chào mừng đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Ðại hội Ðại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện nhiều công trình, phần việc như: vận động xây dựng 500 căn nhà Ðại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở”.

Lan toả tấm lòng vì cộng đồng

Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, công tác chăm lo cho người nghèo ngày càng tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức của cộng đồng, lan toả những câu chuyện đẹp, hành động tử tế giữa đời thường.

Ðó là hành trình “Sống yêu thương” hơn 10 năm qua của Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau. Những tấm lòng vì người nghèo gặp nhau, cùng góp tiền và vận động người thân, bạn bè thực hiện các chương trình an sinh xã hội: hỗ trợ 55 căn nhà, tặng hàng trăm suất quà cho người nghèo, gia đình bị thiên tai, hoả hoạn; trao học bổng, xe đạp cho học sinh... tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Chủ nhiệm CLB, bộc bạch: “Mỗi lần đến với những hoàn cảnh yếu thế, vùng quê nghèo khó, lại thôi thúc chúng tôi tiếp tục tập hợp, mở rộng nguồn vận động, để có thêm kinh phí, nhân lên những chuyến đi san sẻ yêu thương”.

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Loan, ở Phường 6, TP Cà Mau, tưởng chừng như kiệt quệ. Chị Loan bị mù, bệnh thận, phải chạy thận hằng tuần, chủ yếu nhờ trợ cấp bảo trợ xã hội. Lúc khoẻ, chị tranh thủ đi bán vé số dạo. Hai mẹ con chị Loan sống trong căn chòi tạm sau nền mộ của gia đình. Con gái chị Loan được Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 6 nhận đỡ đầu, bé vừa học xong lớp 4. Mới đây, CLB Nữ doanh nghiệp hỗ trợ gia đình chị Loan 84,6 triệu đồng để cất nhà, mua tủ bán vé số và điều trị bệnh, giúp mẹ con chị Loan ổn định cuộc sống.

CLB Nữ doanh nghiệp tỉnh vận động hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Loan 84,6 triệu đồng để cất nhà, mua tủ bán vé số và điều trị bệnh.

Ðó là câu chuyện của Ðại đức Thích Nhuận Trí, Trụ trì Niệm Phật đường Phước Ðiền (huyện Trần Văn Thời), suốt 15 năm qua đã kết nối, vận động xây dựng 113 cây cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh, làm khởi sắc diện mạo những vùng quê. Nhà sư đã từng thầm lặng sẻ chia với người dân gặp hoạn nạn trong suốt đại dịch Covid-19. Ðợt hạn hán lịch sử vừa qua, Ðại đức Thích Nhuận Trí kịp thời vận động, mang đến nước sạch, nhu yếu phẩm cho bà con các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình, tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Ðến thời điểm này, Ðại đức Thích Nhuận Trí đã kết nối, vận động xây dựng 113 cây cầu nông thôn, góp phần làm khởi sắc diện mạo những vùng quê.

Tấm lòng vì người nghèo của người dân Cà Mau khó có thể kể hết. Còn biết bao bếp ăn từ thiện, gian hàng 0 đồng, những người mẹ đỡ đầu và nhiều hội, nhóm thiện nguyện khắp nơi trong tỉnh đang từng ngày thắp lên niềm tin, nghị lực cho người nghèo vươn lên.

Thực tiễn cho thấy, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” thực sự trở thành hành động cách mạng sâu rộng trong hệ thống chính trị và Nhân dân, đã huy động nội lực trong cộng đồng dân cư, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no và góp phần quan trọng cho mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

 

Mộng Thường - Hoàng Vũ

Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

 

Kinh tế tập thể - nhìn thẳng để đi đúng

Kinh tế tập thể (KTTT), mà chủ đạo là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, là thành phần quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững... Ðặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, KTTT càng trở nên quan trọng, đây là nhân tố cốt lõi, gắn kết quá trình sản xuất và kinh doanh của nông dân với nhu cầu của thị trường.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài cuối: Tìm giải pháp gỡ khó

Sắp xếp, đổi mới để hoàn thành việc rà soát xác định nguồn gốc đất, phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng đất; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng và phần diện tích bàn giao về địa phương quản lý, qua đó phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm, ngư trường... là những vấn đề cần làm hiện nay.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài 2: Quy định thiếu đồng bộ

Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hiện chưa có bộ thủ tục về trình tự tương thích với các luật và các quy định có liên quan. Ðiều này dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ của chính quyền sở tại trong thực hiện giao đất, giao rừng. Ðây là lý do chính làm cho diện tích đất, rừng các xã đang tạm quản lý tuy rất lớn nhưng muốn giao cho người dân lại khó thực hiện.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng

Chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng là chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị của rừng. Ðồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai công tác này, tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, cần được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.