ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 12:25:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ði phát ruộng

Báo Cà Mau (CMO) Thằng bạn học cùng quê, hôm trước nhắn tin, gửi hình trên Zalo khoe vừa sưu tầm được mấy cây phảng rèn rất đẹp, kèm theo bộ cù nèo khá mới. Hồi thanh niên, nó là một trong những đứa phát ruộng rất cừ, hay rồi công sớm. Giờ đi làm, cũng ông này ông nọ như người ta, nhưng dáng dấp nông dân vẫn y nguyên, không lẫn vào đâu được. Ði công tác, đi chơi, thấy ở đâu có nông cụ xưa là hắn ta hỏi xin, hoặc tìm cách mua cho được. Trong nhà nó lỉnh kỉnh những bồ cào, nọc cấy, trang kéo lúa, vòng gặt, cối xay… hôm nay thì tới mấy cây phảng. Vợ nó hay cằn nhằn, mua chi mấy cái món linh tinh, không xài được. Nó chỉ cười hề hề, rồi cứ vài bữa là đem về món mới, treo lên, ngày ngày ra đứng ngắm nghía, lau chùi.

Cái phảng - nông cụ quen thuộc của người Cà Mau xưa.  Ảnh: ÐVH

Nhà gần nhau, từ năm học cấp hai, vào mỗi dịp hè, tôi và nó lại vác phảng đi phát ruộng. Nó là con trai lớn, lao động chính trong gia đình nên phát rất giỏi; còn nhà tôi đông anh em, phát ruộng nặng nhọc nên là việc chính của các anh lớn, tôi chỉ theo phụ hợ. Lớn lên một chút, anh Năm tôi cưới vợ, thuê ruộng bên ngoài làm thêm để làm vốn riêng; tôi theo anh đi phát vừa góp chút sức, vừa được anh cho ít tiền để mua thêm quần áo, giày dép cho mùa tựu trường.

Cà Mau khi đó mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa, các công đoạn sản xuất đều dựa vào sức người là chính. Mưa xuống, cả nhà đi nhổ cỏ, vãi mạ; mạ lên xanh thì đi phát cho sạch cỏ ruộng để chuẩn bị cấy lúa. Nội cái chuyện phát ruộng thôi, kể lại cũng đủ thấy sự cực nhọc của nhà nông xưa. Vất vả quanh năm mà thu nhập thì chẳng bao nhiêu. Hồi đó, một công ruộng thu hoạch được 25 giạ lúa đã được xem là trúng mùa.

Phát ruộng là chuyện nặng nhọc, nên khâu này thường chỉ dành cho đàn ông, thanh niên trai tráng. Trời hừng sáng, dân đi phát ăn vội vài chén cơm dằn bụng rồi vác phảng ra đồng. Tới nơi thì tiến hành bắt công (mỗi công tầm lớn diện tích 1.269 m2), cặm 4 cây sậy ở 4 góc làm dấu, rồi phát.

Mặt ruộng vào mùa phát cỏ, nước sâu chừng 2-3 tấc, nằm ở đoạn giữa từ bàn chân lên đầu gối. Người có sức, phát giỏi thì chọn những khu vực cỏ dày, hoặc nơi mọc nhiều loại cỏ cứng, khu vực có các lùm cây hoang. Chỗ cỏ thưa, nhẹ phát thì dành cho người yếu hơn. Một tay phát giỏi thì sáng sớm phát đến tầm 10 giờ trưa là rồi công. Lúc đó, anh ta hoặc bắt công thứ hai, hoặc sang hỗ trợ người khác. Xóm tôi hồi đó có vài người một ngày phát rồi 4 công, mọi người hay nhắc tên họ trong sự ngưỡng mộ. Người phát giỏi chưa hẳn phải có sức vóc thật nổi bật, kinh nghiệm và kỹ năng cũng đóng vai trò rất quan trọng, làm sao khi vung tay sẽ tạo ra những cú chém vừa lực và sâu, đứt sạch chân cỏ. Người thiếu kinh nghiệm thì chém mạnh, vừa hao lực, mà nhát chém chỉ lưng chừng ngang thân cỏ, mặt ruộng không sạch làm ảnh hưởng các công đoạn sản xuất sau đó. Phát ruộng tốn sức vì phải cúi thấp người, cánh tay quay, vận động liên tục. Nếu xui xẻo gặp miếng ruộng có ổ kiến lửa hoặc mọc nhiều cây nghể thì kiến cắn hoặc sâu nghể chạm sẽ gây ngứa ngáy cả ngày.

Ở vùng ngọt xưa, nếu như cái nọc cấy gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, thì cây phảng xứng đáng đại diện cho sức mạnh, khí chất của cánh đàn ông. Giai đoạn này, thanh niên, trai tráng hầu như mỗi người đều sở hữu một cây phảng riêng. Hình ảnh người đàn ông, đầu quấn khăn rằn, vai vác phảng ra ruộng nhìn oai phong chẳng kém những tay tráng sĩ mang gươm ra trận.

Phảng phát ruộng thường có chiều dài từ 7-8 tấc, đầu phảng rộng chừng một tấc, vuốt nhỏ dần, sau đó ngoặt một góc vuông tạo thành chuôi, trông như chữ L. Cán phảng làm bằng gỗ loại tốt, chiều dài cỡ 1/3 thân phảng, được đóng khâu cho thêm chắc chắn, xài lâu ngày cán và khâu lên nước bóng lưỡng. Lưỡi phảng mỏng, bén ngót, sờ vào cứ nghe rờn rợn.

Mỗi năm, khi trời chưa vào mùa mưa là những tay phát ruộng chuyên nghiệp đã tới các lò rèn quen để đặt hàng, sao cho có được cây phảng rèn vừa ý nhất.

Phảng rèn tuy mắc tiền gấp hai, ba lần phảng mua ngoài chợ, nhưng ưu điểm là được rèn từ sắt tốt; độ dài, bề rộng mặt phảng, độ dày lưng, cân nặng tổng thể, chiều dài của chuôi được rèn theo yêu cầu, phù hợp với sức vóc và sở thích của người đặt. Một cây phảng rèn ra, đôi khi phải sửa đi sửa lại nhiều lần theo ý chủ sở hữu mới được xuất lò. Còn phảng được rèn sẵn, chỉ việc tới lò rèn hoặc ra tiệm mua về dùng thì chất lượng hên xui. Có cây rèn non, cây khác già lửa, chém vài phát thì lục nhầy, mài lâu bén; có cây phát trúng cây tạp hơi cứng, hoặc chém trúng con ốc là nhíu lưỡi, mẻ tùm lum. Thế mới có chuyện, nhiều người cưng cây phảng rèn của mình như trứng mỏng, ai mượn cũng không cho và cũng chẳng bao giờ chịu xài cây phảng của người khác.

Ði phát ruộng, ngoài cây phảng cần phải kèm theo cái cù nèo để ngoèo cỏ và bộ bàn đá mài. Bộ bàn đá gồm một cây tròn to cỡ cườm tay, một đầu vạt nhọn để cắm sâu xuống đất, đầu kia gắn miếng gỗ dày, khoét lỗ sao cho đặt vừa vặn cục đá mài phảng. Bàn đá mài thường được cắm ở vị trí trung tâm khu vực phát ruộng, sao cho gần với tất cả mọi người, ai đến cũng tiện. Thông thường để phát rồi công, người ta phải mài phảng vài ba lần. Mài phảng cũng được xem là khoảng thời gian cho người đi phát nghỉ xả hơi một chút. Dưới chân bàn đá mài, bao giờ cũng là đụn cỏ, trên đó để ấm lớn đựng nước mưa. Mài phảng xong, các lực điền lấy cái nắp ấm làm chén rót nước, hoặc ngửa mặt lên trời, há miệng rót nước thành vòi uống một hơi cho đã khát.

Cà Mau xưa sản vật thiên nhiên dồi dào, nên sau mỗi buổi đi phát ruộng anh nào cũng xách lủng lẳng vô nhà nào là cá, rắn, lươn vô tình bị phảng chém trúng. Sản phẩm thu hoạch được phần thì phục vụ bữa cơm gia đình, số khác để chiều tối làm mồi, cánh đàn ông vừa lai rai với rượu đế, vừa bàn chuyện đồng áng, ruộng nương.

Thời đó, khá phổ biến chuyện đi làm vần công, mà phát cỏ ruộng cũng không ngoại lệ. Hai, ba nhà gần nhau xúm lại phát xong ruộng nhà này rồi chuyển qua làm cho nhà người khác. Ngoài ra, còn phải kể đến những tay đi phát mướn chuyên nghiệp, tới mùa có chuyện làm chẳng ngơi tay. Người ta còn ì ạch phát thì mấy ảnh đã rồi công, lên bờ hút thuốc phì phèo, một lát nhảy xuống bắt công thứ hai. Một mùa phát ruộng, kiếm cũng được khá tiền.

Phát cỏ ruộng xong thường tầm cuối tháng Sáu, đầu tháng Bảy âm lịch. Phát xong, phảng được buộc dây, treo lên trong góc nhà kho để dành cho mùa sau. Người cẩn thận thỉnh thoảng còn tra dầu, đem ra mài cho phảng đừng gỉ sét. Phảng được nghỉ ngơi, nhưng nhà nông thì còn phải trải qua nhiều công đoạn làm việc cật lực khác mới tới ngày hưởng thành quả lao động. Lùa mùa chín thường vào cuối tháng Chạp, hoặc đầu tháng Giêng. Có khi lúa chín ngay Tết Nguyên đán, cả nhà ăn Tết vội vàng, rồi lại xách vòng gặt ra đồng. Làm ra hạt lúa, hạt gạo là câu chuyện rất dài, biết bao công sức, mồ hôi với nhiều câu chuyện hay ho, có thể kể cho con cháu.

Làm ruộng thời hiện đại phần lớn bằng cơ giới, chuyện đi phát ruộng đã trở thành quá khứ xa xăm. Cây phảng bây giờ rất ít người sử dụng, thỉnh thoảng bắt gặp vài người dùng phảng phát bờ, phát cỏ năn ở vùng sản xuất lúa - tôm. Có lẽ, những cây phảng rèn, như hồi xưa là rất hiếm, nên bạn tôi mới tự hào khi sưu tầm được.

Ngẫm lại thấy việc làm của bạn tôi cũng có ý nghĩa riêng của nó. Rồi mai đây, con cái của bạn lớn lên, sẽ có những dụng cụ trực quan để cho tụi nhỏ biết hồi xưa ông cha đã sống, đã lao động, sản xuất vất vả như thế nào.

 Một khi có trân trọng quá khứ thì người ta mới biết quý sức lao động, làm động lực sống tốt, sống có ích ở hiện tại và tương lai./.

 

Tuấn Ngọc

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.