(CMO) Giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ vùng ngọt hoá chính là nâng cao thu nhập của người dân. Chỉ khi người dân làm giàu được từ chính hệ sinh thái ngọt thì mâu thuẫn giữa đôi dòng mặn - ngọt mới được gỡ bỏ.
Từ sản xuất nông nghiệp cho đến nuôi thuỷ sản gần như phụ thuộc vào nước trời, trong khi điều kiện dự trữ nước mưa tại chỗ còn nhiều hạn chế. Hệ thống canh tác, nuôi trồng ngọt - mặn đan xen chưa được phân vùng ổn định theo từng loại hình sản xuất, cùng với đó là thời tiết diễn biến bất thường do chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu…
Tất cả những điều kiện bất lợi đến từ yếu tố tự nhiên trên đã khiến hiệu quả sản xuất ở các vùng ngọt hoá trên địa bàn tỉnh chưa cao. Do đó, để nông nghiệp vùng ngọt phát triển ổn định, khai thác hết tiềm năng lợi thế, nâng cao đời sống người dân thì cần tháo gỡ các nút thắt.
Bài bản từ khâu quy hoạch
Quy hoạch lại sản xuất theo từng vùng, từng khu vực cụ thể với loại cây trồng, vật nuôi chủ lực là bước đi đầu tiên và vô cùng quan trọng. Thời gian qua, tỉnh cũng như các địa phương đã liên kết với các trường đại học, viện, nhà khoa học để tiến hành các quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hoá theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Nhờ chuyển đổi nhiều giống rừng mới nên năng suất và chất lượng gỗ không ngừng được nâng lên. |
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Cà Mau, sở luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại cũng như mời gọi doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để làm được những công việc này trước tiên vùng nguyên liệu phải được quy hoạch ổn định. Ðồng thời, phải thống kê cụ thể sản lượng của từng loại sản phẩm trong từng giai đoạn cụ thể và thông tin về chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, phải có đầu mối, cụ thể là hợp tác xã, tổ hợp tác để doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ hay đăng tải trên các sàn giao dịch điện tử. Còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, cụ thể là cây bí, đầu ra sẽ rất bấp bênh nếu vào vụ thu hoạch đông ken.
Về góc độ quản lý địa phương, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết, huyện đang tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất theo từng vùng, từng khu vực và sát hơn với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, cái khó nhất của huyện hiện nay chính là nhà máy chế biến nông sản còn rất hạn chế. Trên địa bàn đã có cơ sở sấy chuối nhưng chưa thấm vào đâu, vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác, như mít, dừa…
“Hiện huyện đã chuẩn bị khu vực đất hơn 10 ha với đầy đủ hạ tầng giao thông và cả điện nước… để chờ nhà đầu tư”, ông Công bộc bạch.
Thiếu nhà máy chế biến, thiếu sự liên kết trong sản xuất là nguyên nhân chính khiến nhiều mô hình dù đạt hiệu quả nhưng không thể nhân rộng do đầu ra không ổn định.
Ông Ngô Văn Tự, Ấp 5, xã Trần Hợi, chia sẻ, tuy một vụ màu trên ruộng lúa mang lại hiệu quả cao nhưng không dám phát triển thêm diện tích do đầu ra chưa có gì chắc chắn. “Trồng thì cứ phải trồng nhưng không biết thu hoạch sẽ như thế nào. Cái sợ lớn nhất của người nông dân là giá, giá vật tư đầu vào năm nay tăng gấp 2 lần, còn giá đầu ra thì vô cùng bấp bênh”, ông Tự trần tình.
Liên kết trong sản xuất
Không khó để chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bấp bênh trong đầu ra các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, đó chính là sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Thực trạng này không chỉ khiến đầu ra sản phẩm gặp khó mà việc nhân rộng, phát triển các mô hình hiệu quả, các loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh cũng phải đối diện với nhiều trở ngại.
Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mà tỉnh đã tập trung chỉ đạo nhiều năm qua, nhưng diện tích hiện nay vẫn chưa nhiều, chưa xứng tầm với tiềm năng. Cụ thể, toàn tỉnh hiện nay diện tích lúa hữu cơ cũng chỉ khoảng 800 ha, con tôm cũng chỉ đạt 18.000-19.000 ha. Ðặc biệt hơn, mặt hàng lúa - tôm, sản phẩm ít địa phương nào có thể so sánh được, thời gian qua, hầu như cũng chỉ bán ra thị trường như bao sản phẩm thông thường khác. Giá trị thực sự trong sản phẩm này chưa được khai thác tối đa để mang về giá trị gia tăng cho người dân. Hạn chế này phần lớn do thiếu sự liên kết trong sản xuất nên chưa thể xây dựng vùng nguyên liệu lớn với đầy đủ thương hiệu, mẫu mã bao bì cho đến truy xuất nguồn gốc...
Nói về định hướng phát triển của nền nông nghiệp tỉnh thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, để nhân rộng những mô hình hiệu quả trước hết phải tổ chức lại sản xuất, để liên kết người nông dân với người nông dân, hợp tác xã với hợp tác xã thì mới có thể lôi kéo và liên kết được với doanh nghiệp. Từ đó, mới xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm và đây là chuyện phải làm, không có cách nào khác hơn nếu muốn phát triển nhanh và bền vững. Sở sẽ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó không tham vọng nhiều sản phẩm mà chỉ tập trung vào những mặt hàng chủ lực.
![]() |
Gỗ trở thành sản phẩm chủ lực đưa đời sống người dân vùng ngọt U Minh phát triển đáng kể. |
Muốn nền nông nghiệp của vùng ngọt nói riêng, cả tỉnh nói chung phát triển nhanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu không còn cách nào khác hơn là phải tiến hành quy hoạch, tổ chức lại sản xuất cụ thể theo từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi và điều kiện tự nhiên. Ðể từ đó, đầu tư kết cấu hạ tầng đảm bảo với từng loại hình sản xuất. Có như vậy mới thu hút sự tham gia của doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất./.
Nguyễn Phú