(CMO) Với những đặc thù từ công việc cho đến quá trình công tác, những vị chủ tịch hội đặc thù đa phần đã ngoài tuổi nghỉ hưu. Một thực tế đáng quan tâm là hiện nay một số hội đặc thù cấp xã vướng nhiều khó khăn, đặc biệt là khó tìm người kế nhiệm trong các nhiệm kỳ tiếp theo, với thực tế là người đứng đầu hội tuổi cao, sức yếu.
Trên địa bàn huyện U Minh hiện có 89 tổ chức hội đặc thù (gồm Hội Chữ thập đỏ, Hội Đông y, Hội Người cao tuổi, Hội Tù chính trị yêu nước, Hội Khuyến học, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Thuỷ sản, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Nạn nhân chất độc da cam). Trong đó, hội có phạm vi hoạt động cấp huyện là 10 tổ chức, hội có phạm vi hoạt động cấp xã là 79 tổ chức.
Khó khăn tìm người kế nhiệm
Các tổ chức hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ quy định của pháp luật và điều lệ hội. Tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh hiện có khoảng 10 hội tham gia hoạt động, tuy nhiên hiện tại Hội Tù chính trị, Hội Cựu thanh niên xung phong đang vướng vấn đề người kế nhiệm cho các nhiệm kỳ kế tiếp.
Tuy đã sắp 80 tuổi nhưng bà Lê Kim Thương vẫn gắn bó với công tác Hội tù chính trị
Theo lý giải của bà Lê Kim Thương, Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước xã Nguyễn Phích: “Sau ngày đất nước độc lập, tôi được đưa về huyện tiếp tục tham gia công tác phụ nữ, sau đó về xã. Năm 2005, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Tù chính trị cho đến bây giờ. Hồi trước hội viên trên 50 người, nhưng giờ chỉ còn gần 20. Trong hội, hiện tại thấp nhất là 71 tuổi, còn cao nhất là 92 tuổi. Công việc của hội tuy không mấy vất vả nhưng hễ đảm nhận vai trò chủ tịch hội thì trách nhiệm phải cao”.
Năm nay bà Thương đã bước sang tuổi 79 và có đến 17 năm giữ chức Chủ tịch Hội Tù chính trị tại xã. Để được bầu đúng vị trí, quá trình công tác của bà Thương phải đáp ứng đúng quy định, điều lệ hội, mà cơ bản là có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, từng bị địch giam giữ trong các nhà tù, quan trọng là nhiệt huyết với công tác hội.
Bà Thương bày tỏ: “Giờ tôi gần 80 tuổi, sức yếu nhưng Đảng uỷ, UBND vận động nên tôi cố gắng hoàn thành công việc, khi nào làm hết nổi thì nghỉ. Điều tôi trăn trở nhất là nhiệm vụ xác minh lý lịch cho các đối tượng, vì bản thân phải đứng ra cam đoan trước pháp luật về quá trình công tác của hội viên”.
Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết: “Đa phần các cô, các chú trong hội đặc thù đều là người đã nghỉ hưu, nhưng có tâm huyết cống hiến cho công tác hội. Điều đáng quan ngại hiện nay là Hội Tù chính trị và Hội Cựu thanh niên xung phong gặp khó khăn khi chưa thể tìm người kế nhiệm. Vì mỗi hội đều có quy định, điều lệ rõ ràng, cụ thể, nhưng 2 hội này sẽ gặp nhiều khó khăn trong các nhiệm kỳ tới”.
Tìm giải pháp để duy trì hội
Tổ chức, hoạt động của các hội đặc thù được Chính phủ quy định cụ thể và phân bổ kinh phí hoạt động dựa theo nguồn ngân sách tỉnh cấp cho xã để duy trì công tác các hội đặc thù. Với nguồn kinh phí hỗ trợ, nhiều hội duy trì tốt hoạt động, trợ lực kịp thời cho hội viên, nhưng bên cạnh đó còn nhiều hội chưa phát huy thế mạnh, thụ động trong công tác hội dẫn đến lãng phí nguồn ngân sách, nhân lực.
“Nguồn ngân sách phân bổ cho mỗi hội gần 25 triệu đồng/năm, UBND xã hỗ trợ thêm để các cô, các chú duy trì công tác hội được thuận lợi. Tuy công việc không mấy vất vả nhưng hiện tại nguồn nhân lực tại xã dần già hoá, khó đáp ứng công việc hội. Mỗi tuần các cô chú làm việc 2 ngày, khi có công việc thì mới lên trụ sở. Tính chất đặc thù từ quy trình hoạt động đến tổ chức nhưng mỗi hội đều có quy định, điều lệ thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Ril cho biết.
Hội Cựu thanh niên xung phong xã Nguyễn Phích ngoài kinh phí hoạt động do nguồn ngân sách tỉnh phân bổ, chủ yếu là thù lao cho Chủ tịch hội, các thành viên trong hội còn tự tạo nguồn kinh phí hoạt động. Với nguồn quỹ “Tình đồng đội”, các hội viên đóng góp 100.000 đồng/năm, dành để thăm viếng các hội viên bệnh tật hoặc từ trần.
Ông Phạm Tấn, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Nguyễn Phích, bày tỏ: “Mỗi năm chúng tôi có được nguồn kinh phí hoạt động và nguồn kinh phí tự đóng góp để duy trì hoạt động, gắn kết tình đồng đội, chia sẻ khó khăn lúc bệnh hoạn, mất mát. Thời gian tới, hội viên sẽ không còn nhiều nữa, sức khoẻ giảm sút, khó duy trì hoạt động. Tuy nhiên, với tinh thần người lính Cụ Hồ, còn sức khoẻ là còn cống hiến”.
Ông Phạm Tấn (bên trái) thăm hỏi sức khoẻ, động viên đồng đội vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. |
“Thực tế trong từng hội luôn có những quy định, điều lệ khuôn khổ. Do vậy, cái khó hiện nay là các nhiệm kỳ tới số lượng hội viên sẽ giảm và khó tìm người kế nhiệm. Chính vì vậy, địa phương sẽ xem xét, nếu hội nào không còn đáp ứng nhu cầu hoạt động hoặc số lượng hội viên không đủ sẽ giải thể, sáp nhập những hội viên còn lại về huyện hội. Hiểu được những mong muốn, tâm nguyện của các cô chú đã từng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nên chúng tôi hết sức nỗ lực hỗ trợ từ kinh phí, nhân sự để duy trì hoạt động của hội đặc thù trong thời gian tới”, ông Ril chia sẻ.
Cùng quan điểm xây dựng tổ chức hội đặc thù cấp xã vững mạnh, ông Nguyễn Đức Thông, Phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân, đề xuất: “Để hoạt động hội đặc thù phát huy tốt công việc, nhiệm vụ được giao, Đảng uỷ, UBND xã tiến hành phương án ghép các chức năng của các hội đặc thù. Ví dụ như, xem xét công việc gần tương đồng ở Hội Đông y, Hội Chữ thập đỏ có thể ghép thành một. Hay Hội Người mù, Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội, Tàn tật và Trẻ mồ côi, có thể ghép thành một. Việc ghép chức năng các hội có tính chất công việc tương đồng góp phần giảm chi phí ngân sách Nhà nước, giảm tải áp lực về nguồn nhân lực nhưng đồng thời phát huy hiệu quả công việc”.
Không thể phủ nhận mỗi chặng đường công tác hội đặc thù, lực lượng cán bộ hưu trí luôn cống hiến, ra sức trong các phong trào hội, đoàn thể, góp phần tạo dựng khối đoàn kết vững chắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trước những thách thức từ nguồn nhân lực và những khó khăn hiện tại, mỗi địa phương cấp xã cần nhìn nhận thấu đáo tính chất đặc thù hiện hữu từ công việc hội, từ đó đưa ra giải pháp mang tính chiến lược, dài hơi nhằm duy trì hoạt động, phát huy tốt tiềm lực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
"Các hội tổ chức, hoạt động đúng theo điều lệ hội quy định, chủ động xây dựng nguồn quỹ hội để hỗ trợ hội viên trang trải cuộc sống. Các hội đều chấp hành tốt nghĩa vụ của hội theo quy định pháp luật, hoạt động và điều lệ hội. Tất cả các cấp hội đều được phổ biến, quán triệt kiến thức cho hội viên, cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật. UBND cấp huyện uỷ quyền cho các hội được nhận khoản kinh phí vận động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định. Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động gắn với nhiệm vụ hoạt động của Đảng và Nhà nước giao. Nhìn chung, tất cả các hội sử dụng kinh phí đúng mục đích và thanh quyết toán theo quy định", ông Lâm Vũ An, Phó trưởng phòng Nội Vụ huyện U Minh, thông tin.
Hằng My