ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 07:58:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ðoàn Giỏi với nỗi nhớ “Ðất rừng phương Nam”

Báo Cà Mau (CMO) Nhà văn Ðoàn Giỏi (1925-1989), quê Tiền Giang, thế nhưng, với mảnh đất Cà Mau, đời văn và cả đời sống của ông lại có duyên nợ không dứt. “Ðất rừng phương Nam” sáng tác năm 1957 của Ðoàn Giỏi đã trở thành một tác phẩm kinh điển trong dòng văn học viết về Nam Bộ. Sau này, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng cùng tên “Ðất rừng phương Nam”, mà hầu như ai cũng say mê. Một chương trong tiểu thuyết “Ðất rừng phương Nam” của nhà văn cũng được trích dẫn và đưa vào chương trình giảng dạy sách giáo khoa lớp 6. Ðó là đoạn trích “Sông nước Cà Mau”, là chương thứ 18 của tiểu thuyết với tên gốc là “Rừng đước Cà Mau”.

Qua những tư liệu quý tìm được, chúng tôi chỉ gợi lại một vài câu chuyện liên quan đến cuộc đời Nhà văn Ðoàn Giỏi, trong đó có nỗi nhớ khôn nguôi của ông về mảnh đất Cà Mau. Ðoàn Giỏi nhớ Cà Mau, hiểu về Cà Mau như là một người Cà Mau chánh hiệu. Nhắc về ông, người ta thấy một người phương Nam dù cuộc đời bôn ba, vẫn luôn hướng về nguồn cội.

Vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của vùng đất phương Nam luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ.  Ảnh: HUỲNH LÂM

Cố Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong số báo Xuân Canh Dần 2010, của tờ An ninh thế giới thuật lại: “Sau khi tập kết ra Bắc, tôi với Nhà văn Ðoàn Giỏi ở cùng một nhà... Một hôm, buổi rượu trưa, tôi sang anh... Trên bàn viết anh treo tấm khẩu hiệu:

“Ðất rừng phương Nam”

1. Phải hoàn thành đúng thời hạn.

2. Không - Tự sát.

Cũng lời của Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Hình như nhân vật của “Ðất rừng phương Nam” đều về trong rượu của anh, tuôn ra dưới ngòi bút của anh. Vài tháng sau, tiểu thuyết “Ðất rừng phương Nam” ra đời...”.

Những bạn văn của Ðoàn Giỏi đều công nhận rằng, Ðoàn Giỏi khoái nhất là món nhậu và cách nhậu của người miền Tây Nam Bộ, nhất là miệt U Minh, rừng đước Năm Căn. Trong đó, có cách nhậu “chay”, nhậu “cóc ổi” mà Ðoàn Giỏi tâm đắc. Tưởng là gì, hoá ra là ngặt mồi, sẵn bạn, thì chai cuốc lủi sủi tăm với mấy trái gòn non chấm muối ớt cũng thành ra trận nhậu lên bờ, xuống ruộng. Chưa hết, còn món bần chấm muối mà Ðoàn Giỏi gọi là món nhậu “hết sẩy”. Nhưng làm sao sánh được với món độc lạ khác, đó là mía chấm muối ớt. Mắm các loại của miền Tây cũng nằm trong danh sách mồi thượng hạng của Nhà văn Ðoàn Giỏi: mắm sống, mắm ruột hoặc mắm thái, rồi mắm chưng, mắm chiên.

Trong trí nhớ của Nhà văn Ðoàn Giỏi, đặc điểm của người dân U Minh khi nhậu trên mâm chỉ có một chiếc cốc. Giữa hông chiếc cốc có nổi 2 lằn chỉ thật nhỏ nằm khít nhau để lấy làm chuẩn chia đôi, người ta gọi đó là “lằn chệt đẻo”. Về cách uống rượu, người ta tạm giao quyền cho một người làm chủ xị. Chủ xị uống trước tới “lằn chệt đẻo” rồi có quyền trao cho người nào đó. Một cốc rượu chỉ uống được 2 người, nhiều người thì tình nghĩa không còn đầy đặn. Còn ai phạm luật, thì chủ xị phạt “đá bổng, đá bỏ”.

Nhà văn Ðoàn Giỏi nhận xét: “Không phải người U Minh chỉ đặt ra cốc rượu phải uống chia đôi mà cục đường, trái ớt, con cá, củ khoai... nhất nhất đều chia đôi. Họ bảo rằng đó là tục lệ cha ông thời mở đất với muôn ngàn khó khăn gian khổ, nhưng cùng nhau đoàn kết yêu thương, cho nên ngọt bùi cùng hưởng, cay đắng cùng chia, bây giờ, việc ấy trở thành tập tính của họ”.

Còn Nhà văn Ðoàn Minh Tuấn thì nhắc về kỷ niệm theo Nhà văn Ðoàn Giỏi đến tận Cà Mau khi vừa giải phóng: “Khi đó đường sá còn khó khăn, phải dùng xe Jeep mới vượt đoạn đường từ Bạc Liêu về Cà Mau”. Theo lời kể của Nhà văn Ðoàn Minh Tuấn, về Cà Mau, Nhà văn Ðoàn Giỏi muốn xuống Năm Căn. Nơi đây trong những ngày đình chiến năm 1954, Ðoàn Giỏi đã viết một truyện ngắn tựa đề “Bà má Năm Căn” rất hay. Dọc đường đi gặp một đám cưới, thì “sẵn máy quay phim đưa lên quay cảnh rước dâu. Máu giang hồ nổi lên, chúng tôi cứ theo cái đám cưới ấy đến hàng năm bảy cây số. Chúng tôi vào chào hai họ, tất nhiên cô dâu, chú rể ra tận xe mời vào uống nước. Ðâu phải nước, mà là nhậu cho hết 16 món... Sau này, Ðoàn Giỏi nhắc bữa nhậu đó hoài và coi đó là một trong những cuộc nhậu ngon nhất trong đời anh”.

Ðoàn Giỏi yêu miền Nam, giữ những sở thích thường nhật rất miền Nam cho riêng mình. Con dâu của Nhà văn Ðoàn Giỏi, bà Bùi Thu Hà, kể: “Ba thích ăn cơm với ớt, mắm, hột vịt chiên hành. Nhưng ba không nỡ ăn cả quả trứng, bao giờ cũng chia 2 phần, 1 phần của ba, phần còn lại cho anh Viễn, chồng tôi”. Hay sở thích ăn chao của Ðoàn Giỏi mà Nhà văn Nguyễn Văn Bổng tiết lộ: “Có bữa anh mua bánh mì phết chao, ăn như pho mát rồi đưa cay một cách điệu nghệ”.

Trước lúc từ giã cõi trần, điều đau đáu nhất của Ðoàn Giỏi là chưa hoàn thành quyển tiểu thuyết “Núi cả mây ngàn” nói từ thời buổi hoang sơ của đất Nam Bộ. Lúc sinh thời, Ðoàn Giỏi thổ lộ với bạn văn: “Cuốn sách này mình ấp ủ từ lâu, vừa hoàn thành đề cương, đã ký hợp đồng xuất bản; anh em họ ép quá chứ mình không định ký”. Khi bệnh nặng, nhập viện 27/3/1989, Ðoàn Giỏi mang theo một tập tài liệu để viết, nhưng căn bệnh quái ác đâu cho nhà văn thực hiện được khát khao cháy bỏng của mình. Nhà văn Ðoàn Giỏi trút hơi thở sau cùng vào ngày 2/4/1989. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong lời điếu văn tiễn Nhà văn Ðoàn Giỏi có đoạn: “Với anh, tác phẩm chỉ có quyền dở dang khi trái tim ngừng đập. Ai là người nối tiếp hoàn thành "Núi cả mây ngàn", không ai ngoài anh đâu, anh Năm Giỏi ạ. Một thiệt thòi lớn của văn học không thể nào lấp nổi”.

Lần giở lại những trang văn trong “Ðất rừng phương Nam” của Nhà văn Ðoàn Giỏi viết về xứ sở Cà Mau, vẫn cồn cào trong đó một nỗi nhớ miên man, máu thịt, và không cần phải nói gì thêm nữa: “Càng đổ về hướng Mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá... Từ khi qua Chà Là, Cái Keo... rồi bỏ con sông Bảy Háp xuôi thuyền trôi theo dòng... Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn...”./.

 

Phạm Quốc Rin

 

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.