Các thế hệ văn công tỉnh Cà Mau tại buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 56 năm thành lập đoàn.
Nghệ sĩ Bảo Anh tức tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau cùng anh em chuẩn bị cuộc họp mặt truyền thống của Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau nhân kỷ niệm 56 năm ngày thành lập. Ðêm trước ngày họp mặt, Nghệ sĩ Bảo Anh thổn thức: “Bận bịu gì cũng về dưới này. Lần này hy vọng sẽ đầy đủ hơn mấy bận trước”. Những người Cà Mau nhìn nhau như muốn khóc, trong đó có anh Phạm Thành Công (con trai của Nghệ sĩ Ưu tú Kim Chi): “Má ở nhà bệnh nhiều lắm, giờ không còn đi được nữa…”. Ðâu đó có người nhắc chú Mười Mây, chú Út Nghệ…, đâu đó có tiếng thở dài.
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Minh Ðương hẹn mọi người sáng sớm phải có mặt ở Trung tâm Hội nghị, dù tới 15 giờ chiều cuộc họp mặt mới diễn ra. Chưa kịp ngồi, NSƯT Minh Ðương lôi ra xấp giấy: “Nè, bài phát biểu ôn lại truyền thống”, rồi ông đọc say mê cho những người ngồi chung quanh. Khi dừng lại, phát hiện Nghệ sĩ Bảo Anh, anh Phạm Thành Công đều “nín thinh”, NSƯT Minh Ðương hỏi dồn: “Ðược hả mậy, được chưa?”. Không ai bảo ai mà cùng trả lời: “Sao giống cảnh hồi đó mình tập diễn trong thời chiến tranh quá trời”.
Một thời “hoa lửa”
NSƯT Huỳnh Hảnh, nguyên Phó trưởng Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau, cho biết, những ngày đầu Ðồng khởi, từ đội tuyên truyền vũ trang, văn nghệ, Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau thành lập tại Rạch Gốc, Ngọc Hiển. Sau đó đoàn không ngừng được bổ sung về nhân lực, có sự lớn mạnh vượt bậc về tổ chức, tư tưởng, đủ sức phục vụ theo yêu cầu chính trị của thời điểm hiện tại. Mở màn cho dấu ấn của đoàn là phục vụ 2 sự kiện lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Tây, Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu ra mắt quốc dân đồng bào sau 1 năm Ðồng khởi.
Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau ra đời năm 1960 tại xóm Rạch Gốc, xã Tân Ân. Trong khó khăn, ác liệt, đoàn đã từng đem "tiếng hát át tiếng bom" mang lại lòng tin yêu cho Nhân dân, góp phần đắc lực cho kháng chiến thắng lợi. Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH |
Chiến tranh ác liệt, Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau luôn có mặt trên những tuyến lửa, tay đàn tay súng, vừa chiến đấu vừa biểu diễn phục vụ bộ đội, Nhân dân. NSƯT Huỳnh Hảnh nhớ lại: “Ác liệt nhất và vui nhất là những lần đoàn diễn ở vùng “da beo” ta và địch tranh chấp, sân khấu chỉ là lõm đất trống, phía sau căng chiếc chiếu hoặc tấm cao su làm phông”. Những bài hát ngợi ca cách mạng, châm chọc kẻ thù, ca sĩ chân đất, khăn rằn, áo bà ba vẫn gợi lên không khí vô cùng sôi nổi. NSƯT Huỳnh Hảnh kể, mặt ông diễn vai ác rất giống, có lần thủ vai đại uý nguỵ ác ôn, một chị vừa có chồng hy sinh đòi vác dao lên chém, bà con cản quá trời.
Cùng một đêm quân và dân ta nổi dậy diệt các cứ điểm Chi khu Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, ngay ngày hôm sau, Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau có tiết mục “Tiếng trống mừng công” của Biên đạo múa Năm Châu. Cao trào sáng tác tiếp tục đẩy lên cao với 4 lớp xuân tình “Chi khu Cái Nước” của tác giả Hữu Thế. Rồi khi anh hùng Nguyễn Việt Khái bắn rơi 2 trực thăng, bẻ gãy chiến thuật “Phượng Hoàng bay” tại kinh Ông Se thì có 3 lớp Tây Thi “Hoan hô du kích Tân Hưng Tây” của tác giả Thái Sư. Tác giả Thanh Hoà ngợi ca “U Minh rực lửa” khi Mỹ - nguỵ áp dụng chiến thuật “Nhổ cỏ U Minh”…
Mỗi bước đi, nhịp điệu của cuộc chiến đều được Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau truyền tải một cách mau lẹ với những tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng quân, dân. NSƯT Minh Ðương chia sẻ: “Nơi đâu đoàn đi qua, nơi đó lời ca, tiếng hát, niềm tin vào ngày toàn thắng lại rộn vang. Chúng tôi cống hiến một cách hồn nhiên, không tính toán thiệt hơn, cũng không cần biết gian khổ, hiểm nguy nào đang chờ mình phía trước”. Trong sự cưu mang, đùm bọc của Nhân dân, dấu chân văn công đã phủ khắp mảnh đất Cà Mau, tới nơi nào đạn bom ác liệt nhất để thắp lên hy vọng.
NSƯT Minh Ðương nhớ như in: “Hôm chị Năm Chi hát bài “Gửi anh lính bờ Nam” phóng loa vô đồn Nhưng Miên, sáng lại cả tiểu đội trong đồn bỏ vũ khí, quay về với gia đình. Tên đồn trưởng xin được gặp mặt người hát bài hát tối qua”. Ðây quả thật là một chiến công “có một không hai”, làm nức lòng quân và dân vùng Viên An nói chung, về sau này trở thành “giai thoại” nằm lòng với bất cứ thành viên nào của Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau.
NSƯT Minh Ðương bồi hồi: “Những hy sinh, mất mát là điều khó tránh khỏi trong chiến tranh, 7 người nằm xuống đều là những nghệ sĩ tài hoa, họ là một phần máu thịt của đoàn, tô điểm thêm truyền thống của người văn công”.
Năm 1970, giặc bình định đánh phá ác liệt, Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau được mời về phục vụ Hội nghị Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ tại căn cứ Ðồng Giác, Cây Tàng. NSƯT Minh Ðương thuật lại: “Chú Tám Thuận, tức đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu uỷ mời đoàn dùng bữa cơm, đích thân đồng chí cùng xuống ăn cơm với anh em. Lúc gặp, đồng chí thân ái gọi đồng chí Mười Mây và đồng chí Huỳnh Hảnh là 2 ông bầu cải lương. 2 em bé Việt Tiên, Thu Tùng - “văn công nhí” của đoàn thì được tặng huy hiệu ảnh Bác Hồ”.
Năm tháng có đi qua, nhưng những thời khắc lịch sử sôi động, đầy cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Lớp người đầu tiên những năm 1960 của đoàn giờ đã vắng bóng nhiều, số còn lại cũng đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, chỉ để lại niềm tự hào và nỗi nhớ nhung khôn nguôi về một thời “hoa lửa”.
Tiếp nối truyền thống
NSƯT Huỳnh Hảnh kể lại một chuyện vui: “Lúc đó tôi, Bảy Trị (Phạm Thạnh Trị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải) và một bạn trong đoàn bơi xuồng vượt đồng trong đêm tối, tôi chèo, 2 bạn còn lại ngủ ngồi. Tới đập kéo xuồng, 2 bạn thức dậy bớ xớ, một người nhìn thấy mặt bèo trắng trắng tưởng đất bước xuống té cái ùm, anh em cười ngất”. Từ cái nôi văn công, nhiều anh em sau này đã trưởng thành, đảm nhận nhiều trọng trách cả trong và ngoài tỉnh, nhưng như lời của NSƯT Minh Ðương: “Cái hồn cốt vẫn nằm ở Ðoàn Cải lương Hương Tràm, không thể ở đâu khác được”.
Các thế hệ văn công tỉnh Cà Mau tại buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 56 năm thành lập đoàn. Ảnh: Q.RIN |
Trong bối cảnh hết sức biến động của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương, việc Ðoàn Cải lương Hương Tràm tiếp tục trụ vững, khẳng định mình bằng những thành tích nổi bật đã khiến những lớp người đi trước cảm thấy ấm lòng. NSƯT Lịch Sử, Phó trưởng Ðoàn Cải lương Hương Tràm, tâm sự: “Công ơn gầy dựng của các bậc cha, chú chúng tôi mãi mãi khắc ghi. Với niềm tự hào sâu sắc về truyền thống vinh quang của đoàn, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục học tập, nỗ lực để giữ gìn cho bằng được danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau sẽ bất tử trong những trang sử Cà Mau, trong lòng những người trẻ đang tiếp nối truyền thống hôm nay”.
Trong ngày họp mặt kỷ niệm 56 năm của đoàn, nhiều người nhắc đến tên của 7 liệt sĩ đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ: Năm Châu, Bảy Ðảo, Út Thiết, Tám Vui, Thanh Trà, Hoàng An, Bá Lượng… Sự kiện về trận tập kích dã man của bọn biệt kích tại Xẻo Su, ven sông Gành Hào ngày nào như hiện về mồn một. Những năm trước, anh em trong Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau đã về nơi đó khấn bái, lập bia tưởng niệm đồng đội, đồng chí của mình, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này. Văn công Cà Mau tài hoa, văn công Cà Mau kiên trung, anh dũng, tiếng hát, máu và hương hồn của người nghệ sĩ hoà vào đất này, góp nên ngày toàn thắng.
56 năm một chặng đường “hoa lửa”, tiếng hát của những người văn công năm nào vẫn vang vọng giữa đất mẹ Cà Mau./.
Ghi chép của Phạm Quốc Rin