...Bởi đó dường như là sự quá vãng, niềm nhớ thương, đôi lúc bùi ngùi cho những gì thuộc về ký ức xa xăm giờ khó lòng tìm lại được. Vẫn biết trong tâm thức của đa số người, ký ức về tuổi thơ thường là những điều đẹp đẽ và khó phai nhoà nhất, song, nếu như đọc xong tập sách “Thương nhớ Trà Long”, những ai là độc giả trẻ tuổi ít nhiều sẽ phải dùng trí tưởng tượng để hình dung, nhất là những độc giả trẻ tuổi nơi thành thị.
![]() |
Trong làng văn Việt Nam, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là cái tên mà đã trở thành thương hiệu được “đóng đinh” từ rất lâu trong lòng người đọc. Với số lượng tác phẩm khá nhiều và số lượng đầu sách được tái bản đi, tái bản lại nhiều lần, vị tác giả có tâm hồn trẻ thơ này vẫn miệt mài sáng tác và đều đặn cho ra tác phẩm mới. “Thương nhớ Trà Long” là một trong số những tập tản văn hiếm hoi mà nhà văn chuyên viết truyện cho tuổi mới lớn này lại viết riêng cho những người không còn trẻ…
...Bởi đó dường như là sự quá vãng, niềm nhớ thương, đôi lúc bùi ngùi cho những gì thuộc về ký ức xa xăm giờ khó lòng tìm lại được. Vẫn biết trong tâm thức của đa số người, ký ức về tuổi thơ thường là những điều đẹp đẽ và khó phai nhoà nhất, song, nếu như đọc xong tập sách “Thương nhớ Trà Long”, những ai là độc giả trẻ tuổi ít nhiều sẽ phải dùng trí tưởng tượng để hình dung, nhất là những độc giả trẻ tuổi nơi thành thị.
Nhưng có hề gì, không phải cốt lõi của việc đọc sách chính là để trí tưởng tượng của mình bay bổng theo từng con chữ và hiểu thêm về những điều mới lạ, đến với những vùng đất khác với nơi vùng đất mình đã sinh ra và lớn lên, biết thêm về những điều khác với nếp sống, khác với cả những điều mình từng trải qua để kiến thức càng thêm rộng, tâm hồn càng thêm phong phú đó sao?! “Ðồ chơi của chúng tôi hồi đó đều làm từ… thiên nhiên.
Chúng tôi hái trái mù u phơi khô làm bi. Lấy hột xoài cưa một đầu làm cối xay. Hái lá dứa cuộn làm kèn, quấn chặt nhiều lớp làm quả bóng. Lá dừa tết thành châu chấu, cào cào, bọ ngựa. Chạc ổi làm ná. Ngọn trúc làm cần câu. Ống trúc làm ống thụt, bắn đạn bời lời hay đạn giấy. Ống đu đủ dùng làm thổi bong bóng. Vỏ nghêu, vỏ sò thành chén bát. Tàu lá cau thành xe kéo. Nan tre thành chong chóng. Khung tre và giấy thành diều và lồng đèn. Ðất sét thành tò he và chum chóc, muông thú… Nhờ thiên nhiên, trẻ con thôn quê có thể biến cái thiếu thốn thành đủ đầy, giàu có. Dù chỉ bằng những nguyên liệu thô sơ, mộc mạc”. (Trò chơi tuổi nhỏ)
Với khung cảnh quen thuộc của miền Trung, và nếu những ai hâm mộ Nguyễn Nhật Ánh, thể nào cũng dễ dàng bắt gặp lại được những hình ảnh, những nếp hành xử, những địa danh, thậm chí những tính cách “đậm chất Quảng” qua từng bài tản mạn. Ðó là vị chat “rất tím” qua mùi vị của những trái sim quê nhà, những món ăn vặt như bánh ú, bánh ít, khoai dẻo, ốc ruốc… hay những món ăn dân dã do chính tay mẹ nấu, đó là vùng đất Trà Long, Kế Xuyên…; đó còn là chất giọng “rặt” Quảng Nam qua nỗi niềm của kẻ tha hương “đã bao nhiêu năm không được sống chung trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng được thấy, bỗng được nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cái bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về. Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, làng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru, chất giọng đó đã thấm qua bao mưa nắng, trải qua bao giông bão của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến ngày hôm nay. Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà những người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình”. (Về một giọng nói ở một nơi không có xe lam)
Với hành trang ấy, tác giả Nguyễn Nhật Ánh từ tốn dẫn người đọc cùng thưởng ngoạn “nhà kho của ký ức” tuổi thơ, nơi những đứa trẻ như mình từng trải qua, với làng quê, mái ngói, bài chòi, những vui buồn trẻ dại, cả cái nghèo, sự thắt thỏm, xốn xang… một cách giản dị mà tinh tế.
Và Trà Long, vùng quê mà tác giả nhắc đến trong tập sách cũng là tên của một nhân vật nữ trong tác phẩm “Mắt biếc” - một trong những tác phẩm rất quen thuộc với độc giả tuổi mới lớn. Mà nói theo lời của Nguyễn Nhật Ánh, lý do mình chọn nghề viết bởi là vì đó “cũng là cách để tôi tìm lại tuổi thơ - cái tuổi thơ xa xăm mà mỗi lần nhớ tới tôi vừa cảm thấy êm đềm lại vừa nhận ra mình thổn thức, biết rằng món quà tuyệt vời đó một khi thời gian đã lấy đi sẽ không bao giờ trả lại cho ai”. (Thương nhớ Trà Long)
May mắn, tuy thời gian đã lấy đi tuổi thơ nhưng ta vẫn còn giữ lại ký ức - và kể lại cũng là cách níu lại một phần những điều đã qua…
Bài và ảnh: Ngọc Lợi