(CMO)Những ngày giáp Tết, ngồi trước sân nhà, thấy thiên hạ đi mua sắm mà lòng ông Hai Chiến (Trần Ðức Chiến, cán bộ hưu trí, Ấp 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) cũng khấp khởi.
“Nhớ lúc gia đình rời quê vào đây lập nghiệp thiếu thốn trăm bề, 2 đứa con vất vả lắm mới đến được trường học. Vậy mà giờ chúng đã có gia đình riêng, cuộc sống ổn định, còn vợ chồng già thảnh thơi, chăm sóc miếng vườn nhỏ bên căn nhà khang trang… Cũng phải thôi, đã hơn 40 năm cật lực bám đất, bám đồng rồi còn gì”, ông Hai Chiến tự nhủ.
“Biệt khu” Xóm Huế
Năm 1978, thực hiện theo chủ trương của Nhà nước, người dân khắp nơi chuyển đến làm ăn các vùng kinh tế mới. Ông Hai Chiến đưa vợ từ tỉnh Ninh Bình đến Nông trường Quốc doanh U Minh (thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) để lao động, sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể. Tuỳ theo nhân khẩu, thành phần lao động của hộ gia đình, nông trường khoán đất, trợ cấp lương, gạo…
“Thời điểm đó, người thưa đất rộng nhưng lại ngập trũng, năn, sậy mọc um tùm… Nông trường không điện, đường, trường, trạm, giao thông đi lại chỉ là đường thuỷ và mỗi ngày chỉ có một chuyến đò đưa rước khách ra huyện, tỉnh và ngược lại. Muôn vàn khó khăn mà bà con miền Bắc lạ cảnh, lạ người càng gieo neo vất vả”, ông Hai Chiến nhớ lại.
Ngày ấy, tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) tiếp nhận gần 10.000 hộ dân từ tỉnh Hà Nam Ninh (nay là 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Ðịnh và Ninh Bình) đến khai hoang, lập nghiệp, được phân chia ở nhiều khu vực, trong đó Nông trường Quốc doanh U Minh, với diện tích gần 4.000 ha, có khoảng trên 2.000 dân sinh sống tập thể. Năm 1986, Nhà nước xoá bỏ bao cấp, nông trường giải tán kinh tế tập thể, đất khoán trước đây được cấp hẳn cho dân nhưng hộ dân được cấp đất phải có nghĩa vụ nộp thuế hàng năm. Vì vậy, không ít hộ dân đã bỏ đi nơi khác tìm sinh kế.
Ông Nguyễn Văn Lưu (quê Nam Ðịnh), ngụ Ấp 1, xã Trần Hợi, cho biết: "Gia đình tôi được cấp 4 ha đất để canh tác, nhưng đất ngập trũng, năng suất thấp mà còn bị sâu bọ cắn phá, có năm thất mùa nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Vất vả mưu sinh, nhưng gia đình tôi quyết tâm bám trụ với niềm tin một ngày mới sẽ đến và đất đã không phụ lòng người. Bây giờ, có thể nói hộ nghèo nhưng đời sống vẫn còn hơn hộ khá, giàu lúc đó. Bởi, tuy có thiếu thốn vật chất nhưng họ vẫn được hưởng thụ đời sống tinh thần".
“Không ít người dân địa phương gọi nơi đây là Xóm Huế, dẫu rằng toàn là người miền Bắc. Theo thời gian tên gọi này cũng phai dần. Giờ người ta biết đến nơi đây như làng hoa màu, cá đồng… đời sống đang thay đổi qua từng năm. Bà con tích cực đóng góp vật chất xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, hệ thống giao thông đã được nâng cấp, mở rộng”, Bí thư Chi bộ Ấp 1 Lê Mạnh Hà bộc bạch.
Ông Lê Mạnh Hà chăm sóc cây kiểng đón xuân. |
Bắc - Nam hoà điệu
Năm 2004, Nông trường Quốc doanh U Minh giải thể, sáp nhập và giao đất cho địa phương quản lý. Dựa trên mô hình sản xuất của các tổ thuộc nông trường trước đây, UBND xã đã thành lập 6 ấp (từ 1-6). Từ khi có tuyến huyện lộ đi ngang qua địa bàn xã đã tạo thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển cơ sở thương mại. Bên cạnh đó, vùng sản xuất cũng được quy hoạch, hệ thống thuỷ lợi được cải tạo, hộ nghèo ở địa phương được cấp đất sản xuất, người dân sang nhượng đất… cùng sống chan hoà và phát triển kinh tế hộ gia đình. Như ông Hà nói, Xóm Huế không còn là biệt danh mà giờ đây người dân hay nhắc đến bà con thời nông trường với cái tên "Người kinh tế mới".
Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường cho biết, hiện ở 6 ấp thuộc nông trường cũ có trên 1.200 hộ dân sinh sống, trong có khoảng 750 hộ dân di cư từ miền Bắc vào vùng kinh tế mới. Những năm qua, không chỉ chịu khó, sáng tạo lao động mà người dân nơi đây chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, quan tâm cho con em ăn học..., nâng cao dân trí, hộ nghèo giảm dần.
Theo Bí thư Chi bộ Ấp 2 Huỳnh Tấn Ngọc, toàn ấp có 300 hộ dân, trong đó có khoảng 230 hộ diện kinh tế mới. Ðời sống hiện tại của người dân là trồng hoa màu, nuôi cá và buôn bán nhỏ. Nhìn chung, những hộ nhận đất lập nghiệp ngày đó giờ đều khá giả. Phần đông hộ gia đình đều có phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất, đi lại; thiết bị nghe, nhìn đều là loại hiện đại… Năm ngoái, nhà kiên cố khang trang được xây dựng thêm, xoá cảnh nhà lá lụp xụp. Năm nay, ấp đã xoá trắng hộ nghèo và được biết Ấp 4, Ấp 5 cũng không còn nghèo.
Trưởng Ấp 3 Nguyễn Văn Uyên bộc bạch: “Tôi theo cha mẹ vào vùng kinh tế mới khi chỉ mới 1 tuổi, nên vùng đất này với tôi rất sâu nặng ân tình vì đã che chở, nuôi tôi trưởng thành. Hiện toàn ấp có 197 hộ dân, đời sống bà con khá ổn định với việc trồng lúa 2 vụ (bình quân thu hoạch 7 tấn/ha/vụ), trồng màu, nuôi cá, gia cầm… Vì vậy, chúng tôi đang phấn đấu tiếp tục giảm hộ cận nghèo và xoá trắng hộ nghèo (hiện ấp còn 2 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo) trong thời gian tới.
Không chỉ cộng đồng dân cư cùng phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà nơi đây còn có sự hoà quyện nét sinh hoạt văn hoá vùng, miền thành nét văn hoá chung, đoàn kết xây dựng quê hương. Xuân về, sân nhà mai đào cùng khoe sắc, bánh tét, bánh chưng, dưa kiệu, dưa hành cùng được bày biện trên mâm cúng gia tiên… Cho thấy, tình đất, tình người luôn đong đầy ở nơi từng được phân chia, tự túc lao động, nay đã có sự hoà hợp, cùng xây dựng, đổi mới nông thôn từng ngày./.
Mỹ Pha