(CMO) Cách đây gần 1 năm, khi liên hệ với lãnh đạo của các sở, ngành và các địa phương về đề tài chuyển đổi số (CÐS), chúng tôi nhận câu trả lời chung rằng chưa hiểu CÐS là gì, hay còn mơ hồ về CÐS; hoặc chỉ nằm trên kế hoạch chưa ban hành… Nhưng đến nay tất cả đã khác, Cà Mau đang CÐS mạnh mẽ bằng cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.
Bài 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc
995 tổ công tác từ cấp tỉnh đến khóm, ấp được khẩn trương thành lập để triển khai Ðề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Ðề án 06) của Chính phủ sâu rộng đến các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ðồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác cấp tỉnh cùng với các tổ công tác của Công an tỉnh, 9 tổ công tác cấp huyện, 101 tổ công tác cấp xã và 883 tổ công tác ấp, khóm. Ðã ban hành 60 văn bản chỉ đạo, thực hiện hoàn thành 30/32 chỉ tiêu (đạt 93,75%) và đang triển khai 3 nhiệm vụ của Ðề án 06 đúng thời hạn quy định.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác cấp tỉnh về CĐS (đứng thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết giữa Hiệp hội Doanh nghiệp và VNPT Cà Mau trong công tác CĐS.
Giờ là lúc cùng nhìn lại chặng đường khởi đầu hết sức quan trọng này sau hơn 1 năm thực hiện Ðề án 06, cũng như những đột phá chiến lược trong CĐS tại Cà Mau.
Tương lai mới đang dần hiện thực
Toàn tỉnh có 116/116 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều đã tiếp nhận và tra cứu thành công 57.745 lượt khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) và đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 718.008 người tham gia BHYT còn hạn sử dụng. Trên Cổng thanh toán tập trung quốc gia, đã phát sinh 2.332 giao dịch thanh toán trực tuyến. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai cập nhật thông tin khách hàng từ CMND sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử.
Ngay trong quý I năm 2023 này, các tổ công tác triển khai Ðề án 06 các cấp trong tỉnh đề ra những giải pháp hỗ trợ công dân tạo lập và sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia VNeID để thực hiện dịch vụ công, thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, CMND 9 số để giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính; tuyên truyền, hướng dẫn dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để cán bộ và người dân nâng cao kỹ năng, sử dụng thành thạo các ứng dụng tiện ích, như VNeID, CaMau-G, thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị thông minh, nhất là điện thoại di động.
Ông Lê Thái Minh Tâm, Bí thư Ðảng uỷ Phường 1, TP Cà Mau, cho biết, trên địa bàn phường hiện nay, các thủ tục hành chính công được rút ngắn rất nhiều. Cụ thể như, các thủ tục giấy báo tử, giấy khai sinh, thẻ BHYT cho trẻ em đều được các khóm mang gửi đến tận nhà cho người dân. Những thư chúc mừng, thư cảm ơn, chia buồn… đã kịp thời gửi đến người dân khi có tin vui cũng như hữu sự; việc trả kết quả tại nhà cho người dân đã tạo nên sự hài lòng cao.
Một điểm nổi bật trên địa bàn Phường 1 hiện nay là các bản chỉ dẫn tên đường đều có mã QR Code để người dân, du khách có thể tìm hiểu khi đến với địa phương. Ðây là một việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, thể hiện vai trò của CÐS thời 4.0.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng, Ðề án 06 của Chính phủ đang tạo đột phá trong quá trình CÐS, là yếu tố then chốt để xây dựng và triển khai chính sách điều hành đất nước một cách minh bạch, hướng mạnh tới người dân và doanh nghiệp.
“Ở cấp độ địa phương, CÐS là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn. Ðịa phương CÐS thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Vậy nên, năm qua Cà Mau xác định tập trung triển khai CÐS các ngành, các lĩnh vực; CÐS nền kinh tế, xã hội, CÐS cơ quan Nhà nước nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra nguồn tăng trưởng mới”, ông Nguyễn Minh Luân khẳng định.
Dấu ấn quan trọng trong thực hiện CÐS trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua chính là sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt và trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Hàng loạt văn bản về CÐS trên địa bàn nhanh chóng được ban hành và khẩn trương đi vào đời sống.
Bên cạnh đó, việc ký kết hợp tác toàn diện, thực hiện CÐS giữa các cơ quan, đơn vị, trường đại học… với doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn, thoả thuận hợp tác đẩy mạnh CÐS ở các lĩnh vực được triển khai đã thúc đẩy phát triển 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ðồng lòng chuyển đổi
Ðến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã triển khai hệ thống cáp quang Internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G. 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 99% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Ðảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% cơ quan cấp xã.
Cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau đang thực hiện , đặc biệt là ở cơ sở. (Ảnh chụp tại Bộ phận một cửa xã Tân Hưng, huyện Cái Nước).
Ðã qua, Cà Mau triển khai thực hiện các dự án phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành, như Cơ sở dữ liệu ngành công thương; Cơ sở dữ liệu ngành xây dựng; Cơ sở dữ liệu ngành giao thông… Hiện nay, đã có trên 60 hệ thống thông tin, ứng dụng do tỉnh đầu tư triển khai sử dụng tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn.
Ðầu tư hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) phục vụ kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh và với quốc gia (NDXP). Tiếp nhận nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bàn giao cho tỉnh Cà Mau, với tổng cộng 318.821 địa chỉ số của 101 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố.
“Ðề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030” được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hơn 1 ngàn cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ thuộc Sở TT&TT tham gia các khoá học trực tiếp và trực tuyến dành cho lãnh đạo các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của địa phương. Tổ chức các khoá học, như học tập kinh nghiệm quản lý hành chính công và xây dựng Chính phủ số, chính quyền số tại Hàn Quốc và các nước trong khu vực; Ðào tạo kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối... Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CÐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương”, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, chia sẻ.
Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Ðảng tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025, đến nay sau gần 2 năm triển khai đã thực hiện được khoảng 50% hạng mục đầu tư theo dự án được duyệt. Hiện nay, hệ thống phòng họp trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã, có khả năng đấu nối với các cơ quan Nhà nước qua hệ thống mạng chuyên dùng của Ðảng và Nhà nước, tỉnh đã khai thác và sử dụng triệt để hệ thống họp trực tuyến trong toàn tỉnh; đầu tư phần mềm họp không giấy và trang bị máy tính xách tay; đã đăng ký sử dụng hơn 200 chữ ký số chuyên dùng cá nhân phục vụ ký số cho hệ thống quản lý văn bản của cơ quan Ðảng.
Triển khai 2.080 chữ ký số chuyên dùng cá nhân, tổ chức. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.805/1.851 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ðã tích hợp 28 ứng dụng và 19 tiện ích vào Ứng dụng chính quyền điện tử CaMau-G. Ứng dụng này không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng sử dụng các dịch vụ số của chính quyền cung cấp mà còn thực hiện tương tác về những điều mắt thấy tai nghe của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thông qua chức năng phản ánh hiện trường. Sau hơn 5 tháng triển khai Ứng dụng phản ánh hiện trường CaMau-G đã tiếp nhận, xử lý hơn 300 phản ánh của người dân, doanh nghiệp.
Cổng thông tin Du lịch Cà Mau đã cập nhật dữ liệu thông tin 49 cơ sở lưu trú; 15 nhà hàng; giới thiệu 126 món ẩm thực đặc sản Cà Mau, 13 tour du lịch được đăng bán và quảng bá, giới thiệu 117 điểm đến du lịch của tỉnh. Ðã mở sàn thương mại điện tử tỉnh (madeincamau.com) thu hút được 460 tài khoản thành viên, 202 gian hàng và 542 sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Ngoài ra, có trên 130 gian hàng với 539 sản phẩm OCOP, nông sản của tỉnh được giới thiệu trưng bày trên các sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn.
100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và 939 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hoá đơn điện tử; dịch vụ Mobile Money của VNPT và Viettel hiện nay có trên 21 ngàn tài khoản của người dân đăng ký sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt.
Phú Hữu
Bài 2: KHÓ KHĂN ÐẾN TỪ SỰ THỤ ÐỘNG