ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 22:29:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Dòng sông hoài niệm

Báo Cà Mau (CMO) Sông Gành Hào, sông Tắc Thủ và kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp gặp nhau tại ngã ba Chùa Bà, nhưng với người dân bản xứ, các đoạn nằm trong lòng thành phố dù thuộc sông hay kênh nào đều được gọi là sông Cà Mau. Đó cũng chính là khúc sông mà tôi và những người bạn thuở học trò có nhiều kỷ niệm êm đềm, gắn liền suốt năm tháng tuổi thơ.

Sông Cà Mau mang nét đặc trưng của sông nước miền Tây trên bến dưới thuyền. Đoạn từ cầu Quay Cũ (nay là cầu Phan Ngọc Hiển) đến ngã ba rẽ bên trái là về hướng cầu Sắt (nay là cầu Gành Hào) và rẽ bên phải là về hướng kênh Rạch Rập, nhà sàn hai bên bờ sông san sát nhau. Ngay cầu Mới (nay là cầu Cà Mau), nối tiếp nhà ở là dãy vựa cá lớn nhất Cà Mau. Ngoài vựa cá quốc doanh của Công ty Thuỷ sản Minh Hải còn có những vựa cá tư nhân, như vựa cá Ba Đen, Tư Tứ, Hai Thiểm, Kim Ngân…, các vựa cá này là điểm thu gom cá đồng từ miệt Thanh Tùng, U Minh… để vận chuyển lên bán cho các chợ đầu mối ở Sài Gòn.

Vào thời hoàng kim của con cá đồng, tại dãy vựa cá này ghe xuồng tấp nập suốt ngày đêm. Đối diện với vựa cá bên kia sông là 2 dãy chợ nhà lồng buôn bán sôi động, hàng hoá bày ra tới bờ sông. Xa xa một chút là ngã ba Chùa Bà, nơi có chợ nổi vang bóng một thời với những ghe hàng bông, trái cây đậu kín một khúc sông. Vào buổi sáng, các ghe hàng khẳm lừ treo tòn ten đủ thứ bẹo, từ miệt sông Hậu xuống, chở đầy ắp rau quả để bỏ cho các chợ ở Cà Mau. Không chỉ có ghe hàng từ các tỉnh vùng trên, mà còn có cả hàng hoá cây nhà lá vườn của bà con từ các vùng nông thôn chở ra, bán lẻ cho các bà nội trợ lo bữa cơm hàng ngày trong gia đình. Len lỏi trong các ghe hàng bông là những chiếc xuồng tam bản của đội quân bán thức ăn, nước giải khát phục vụ tận nơi. Mỗi chiếc xuồng bày trí như một quán ăn lưu động, người chèo, người bán với đủ các món, như bún riêu, bún nước lèo, hủ tiếu mì, cháo lòng, bánh bao… Tiếng rao của người bán, tiếng gọi thức ăn của người mua pha trộn với âm thanh trao đổi hàng hoá và tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng vỗ ầm ập vào mạn thuyền tạo nên một khung cảnh náo nhiệt, sung túc không thua kém một phiên chợ trên bờ. Ưu điểm và cũng là sức hút của chợ nổi Cà Mau chính là giữ được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của hàng hoá cũng như giá rẻ hơn chợ trên bờ.

Phía trên chợ nổi là bến Công Chánh, một trong những khu chợ nông sản sầm uất của thị xã. Tất cả hàng hoá trao đổi giữa các tiểu thương đều tập kết tại đây, sau đó được phân đi các chợ khác.

Cũng tại khu vực chợ nổi nhóm họp, ngã ba Chùa Bà được xem là “mỏ vàng” đối với những người thợ lặn. Họ thường xuyên hoạt động ở đây để mưu sinh. Đồ nghề của mấy ông thợ lặn không có gì nhiều và hiện đại ngoài cái bình ô-xy và một ống hơi. Trước khi lặn họ thường uống một chén nước mắm cốt, ngậm ống hơi và nhảy ùm xuống sông. Hồi đó tôi cứ thắc mắc, không biết họ uống nước mắm để làm gì? Sau thời gian lân la tìm hiểu mới biết, nước mắm cốt có tác dụng giữ ấm cơ thể khi ngâm mình dưới đáy sông. Những thứ mà thợ lặn mò được thường là phế liệu hay bất cứ thứ gì có thể bán được. Nghề thợ lặn được xem là nghề nguy hiểm, nhưng vì mưu sinh nên họ phải làm. Theo thời gian, đáy sông rồi cũng hết phế liệu, nước sông thì ngày càng ô nhiễm nên không còn ai hành nghề lặn nữa.

Sông Cà Mau năm 1978. Ảnh: NSNA Kiên Hùng

Ven sông Cà Mau người dân cất nhà kinh doanh đủ thứ ngành nghề, trong đó có rất nhiều người mở tiệm vàng, thế nên lòng sông đối với dân đãi vàng là mỏ vàng thật sự. Thời đó, có nhiều người từ vùng trên xuống Cà Mau lập nghiệp, họ dừng chân ở khu vực cầu Mới và làm nghề đãi vàng. Hàng ngày, khi nước ròng rút cạn, họ luồn lách dưới sàn nhà của các tiệm vàng xúc đất đem về đãi để lấy cám vàng. Nhiều lúc may mắn có cả nhẫn vàng của ai đó đánh rơi.

Sông Cà Mau hồi ấy vào mùa mưa nước trong xanh, mát lạnh, dòng nước chảy lững lờ. Tuy có rất nhiều nhà sàn ven sông nhưng màu nước rất sạch. Đám học trò tụi tôi thời đó như bị hút hồn bởi con sông tươi mát và hiền hoà này, vì thế vào những buổi chiều, khi nước lớn dâng đầy sông, bọn tôi thường lén gia đình kéo nhau ra khúc sông ấy tắm và vui đùa thoả thích. Đây cũng là lúc có rất nhiều ghe tàu lưu thông, nhất là ghe chài từ miệt Long Xuyên, Hậu Giang xuống, chiếc nào cũng to đùng với cái bánh lái dày cả tấc. Bọn tôi lao ra bám theo bánh lái để tàu kéo đi. Một cảm giác sảng khoái chợt đến khi 2 chiếc ghe chạy ngược chiều làm nước ập vào thành tàu và văng tung toé vào mặt. Cũng có hôm chúng tôi không đeo theo ghe chài mà ôm píc-xi (phao bơi bằng ruột xe tải) thả trôi đến chợ nổi, nơi có những chiếc ghe xuồng chở đầy ắp trái cây neo đậu để lén lấy một vài trái. Không gì thích thú bằng khi chủ ghe mất cảnh giác, thò tay lấy trái mận hay cóc, ổi gì đó rồi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến trong lúc cơ thể bồng bềnh trên sóng nước.

Có một trò chơi mà không bao giờ thiếu ở những buổi tắm sông, ấy là nhảy cầu. Cầu Quay Cũ, cầu Mới, cầu Sắt, cầu nào chúng tôi cũng nhảy. Nhưng thường xuyên nhất vẫn là cầu Mới. Lúc chuẩn bị nhảy cả đám leo lên thành cầu, bên dưới có một đứa canh chừng, khi vắng xuồng ghe là ra hiệu cho những đứa trên cầu nhảy xuống. Những "nghệ sĩ nhảy cầu" thi nhau lao mình từ trên thành cầu xuống dòng nước trong xanh ở phía dưới khiến nước sông bắn lên tung toé, những cột nước ấy có khi vọt cao lên khỏi mặt nước cả thước, những người đi đường hiếu kỳ dừng lại xem rất đông trên cầu, tặng những "nghệ sĩ" nhảy đẹp tràng pháo tay rộn rã.

Ngoài trò tắm sông, sông Cà Mau còn là nơi để chúng tôi trổ tài câu cá chốt. Cá chốt trên sông Cà Mau ngày ấy rất nhiều, chỉ cần ngồi một chút là đủ mẻ kho sả ớt. Vì xuồng ghe lúc nào cũng qua lại trên sông nên chúng tôi không câu bằng cần mà câu bằng lon, gọi là câu lon. Một cái câu lon sữa bò có nhợ dài khoảng 15-20 thước, một đầu quấn chặt vào cái lon, một đầu cột cục chì hay bù lon, cách cục chì khoảng 1 thước cột 3-4 lưỡi câu thòng xuống. Khi câu, một tay cầm cục chì liệng đi, một tay xả nhợ câu ra, khi nào hết nhợ trong lon thì thôi. Sau đó chỉ ngồi cầm nhợ câu đợi cá ăn và giựt. Có khi kéo nhợ câu lên dính một lúc 2 con cá chốt vàng ngáy. Câu cá chốt sợ nhất là lúc gỡ bị gai cá đâm, khi đó chỉ còn biết áp dụng bài thuốc dân gian là ngắt đuôi cá đắp lên chỗ bị đâm.

Sông Cà Mau vui nhất là vào dịp Tết. Chợ Tết năm nào cũng rộn ràng, nhộn nhịp và đầy ắp sắc màu. Còn tháng nữa đến Tết, hàng trăm ghe xuồng tứ xứ đổ về tấp nập vận chuyển, trao đổi buôn bán liên tục. Hàng hoá không thiếu thứ gì, nhiều nhất là hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và các loại bánh mứt, dưa kiệu. Càng cận Tết, sông Cà Mau càng sôi động hẳn lên. Những chiếc ghe ngày xuân khác hẳn với ngày thường. Chúng được khoác lên mình những chiếc áo hoa rực rỡ sắc màu chật kín trên cả khúc sông khiến cho người đi chợ như lạc vào một dòng sông hoa.

Thời gian thấm thoát trôi đi, dòng nước sông Cà Mau vẫn chảy đều, mang theo những tháng năm học trò của chúng tôi đi mãi không bao giờ trở lại. Những ngôi nhà sàn năm xưa giờ cũng không còn nữa, thay vào đó là bờ kè công viên làm đẹp thêm diện mạo phố phường. Sông Cà Mau cũng có nhiều thay đổi, ngày càng tĩnh lặng vì vắng bóng ghe xuồng. Tôi luôn ao ước được trở về những ngày thơ ấu để ngụp lặn, vui đùa, đi chợ Tết trên sông Cà Mau, nhưng tất cả đã trở thành hoài niệm./.

Huỳnh Hoài Hãn

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.