ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 22:49:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Đường về quê không còn xa

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau từ lâu trong suy nghĩ của mọi người và cả trong thực tế, là một vùng đất xa xôi, đường giao thông cách trở. Nhưng vài năm nữa thôi, với sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông với các dự án đã, đang và sẽ triển khai, thì khoảng cách về thời gian để đi từ TP Hồ Chí Minh về Cà Mau sẽ được thu ngắn lại đến không thể ngờ.

Từ khi đường Quản lộ Phụng Hiệp được xây dựng, khoảng cách từ Cà Mau đi các tỉnh và TP Hồ Chí Minh không còn xa xôi nữa. Ảnh: QUỐC BÌNH

Tính ra thì có khoảng 50 năm rồi, tôi thường có mặt trên những chuyến xe ngược xuôi tuyến đường từ TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, ít nhất mỗi năm một vài lần. Một người con của Cà Mau sống xa quê nhà từ khi bước chân vào đời cho đến khi trở thành người già như hiện nay thì không có chi là lạ khi hàng năm tôi có mặt một vài lần trên những chuyến xe xuôi ngược trên tuyến đường quen thuộc này. Tuyến đường dài khoảng 300 km, nhưng đối với nhiều người, từ ngày xưa cho đến bây giờ vẫn luôn cảm thấy xa hơn, mất nhiều thời gian di chuyển hơn so với những chặng đường có chiều dài tương đương, như từ TP Hồ Chí Minh đi Ðà Lạt, đi Ninh Thuận… Sự so sánh ấy vẫn còn tại thời điểm ngày nay, chứ không phải tính theo lúc chưa có 2 cây cầu dây văng Mỹ Thuận và Cần Thơ, bắc qua sông Tiền, sông Hậu. Nói như vậy để thấy rằng, đối với nhiều người, Cà Mau không chỉ xa xôi về vị trí địa lý, mà còn xa cả về thời gian để đến.

Nhớ lại những chuyến đi từ Sài Gòn về Cà Mau từ trước năm 1975, hình ảnh con đường Quốc lộ 1 (xưa gọi là Quốc lộ 4) đâu có rộng rãi, bằng phẳng và đẹp như ngày nay. Con đường bộ huyết mạch về miền Tây ngày xưa nhỏ hẹp, nhiều đoạn đầy ổ gà, ổ voi. Các hãng xe đò, như Liên Hiệp, Ðại Hưng… chạy tuyến đường này chủ yếu là chỉ hoạt động vào ban ngày. Có lẽ vì trong thời chiến, xe chỉ chạy ban ngày để tránh những rủi ro trên đường đi. Có khi cũng là một thói quen của người dân thời buổi ấy. Hành khách không nhiều như ngày nay nên các phương tiện lưu thông trên quốc lộ cũng thưa thớt hơn rất nhiều. Người Cà Mau muốn lên thành phố, thì sáng sớm xe khởi hành, đến chiều tối mới tới Bến xe Miền Tây. Ðó là chưa kể những khi kẹt xe tại phà Cần Thơ hay phà Mỹ Thuận. Ngày ấy, ngồi trên những chuyến xe đò nhiều khi chật ních, nóng hầm hập, mỗi lượt đi là coi như chấp nhận hết cả ngày ngồi xe. Nếu như từ Sài Gòn về Cà Mau, khi xe qua được phà Cần Thơ, và chiều ngược lại là khi qua được phà Mỹ Thuận, thì coi như đoạn đường còn lại không đáng kể nữa. Mỗi lần phà rời bến, tôi thường ra đứng trước mũi phà, nhìn chiếc phà lầm lũi và mạnh mẽ vượt qua dòng sông Tiền hay sông Hậu, đục ngầu phù sa, gió từ sông lồng lộng thổi, làm cho những hành khách vất vả ngồi xe qua một chặng đường dài có những phút giây cảm thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái. Cảm nhận được nét đẹp của một miền sông nước thân quen…

Một thời gian khá dài từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, do đất nước còn nhiều khó khăn, nên tuyến đường quốc lộ từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là con đường nhỏ hẹp và mặt đường xuống cấp, bong tróc khắp nơi. Cà Mau lại càng thêm xa trong tình trạng đường sá xuống cấp và phương tiện vận chuyển đã lạc hậu. Nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá từ Cà Mau và cả vùng ÐBSCL đi và đến thành phố ngày càng cao, tuyến quốc lộ từng bước được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng. Nhưng Cà Mau vẫn còn xa, vẫn còn cách trở với khoảng gần cả một ngày đường di chuyển…

Có lẽ, dấu mốc đáng nhớ của sự phát triển hạ tầng giao thông ở ÐBSCL là việc khánh thành cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền vào tháng 5/2000. Lần đầu tiên, tôi được ngồi trên xe qua sông Tiền chỉ vài phút bằng chiếc cầu dây văng hiện đại, thay cho chuyến phà dập dềnh giữa sông nước mênh mông gần nửa tiếng đồng hồ, không kể thời gian chờ đợi, để nối dài chuyến đi qua hai bờ sông Tiền. Và rồi 10 năm sau đó tiếp tục 2 công trình giao thông quan trọng khác trên tuyến Quốc lộ 1 về Cà Mau được khánh thành đưa vào sử dụng. Lại thêm một dấu mốc quan trọng cho mạch máu lưu thông về các tỉnh ÐBSCL. Ðó là việc khánh thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vào tháng 2/2010 và khánh thành cầu Cần Thơ vào tháng 4/ 2010.

Từ 2 công trình giao thông thiết thực và đầy ý nghĩa ấy, cùng với việc Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng, đã rút ngắn thời gian di chuyển đoạn đường TP Hồ Chí Minh - Cà Mau rất nhiều. Từ khi ấy, nhiều người tính được khoảng thời gian di chuyển của đoạn đường TP Hồ Chí Minh - Cà Mau bình quân là khoảng 7 tiếng, so với trên dưới 10 tiếng như trước đây. Dĩ nhiên là không tính đến tình trạng kẹt xe. Vì vậy, Cà Mau đối với tôi như gần hơn, qua khoảng thời gian mỗi lần ngồi xe về thăm quê đã ngắn lại. Không thể nào quên cái cảm giác nhẹ nhàng lẫn thích thú trên chuyến xe giường nằm chạy đêm mỗi khi xe vào đường cao tốc, mỗi khi xe qua 2 chiếc cầu dây văng lên đèn sáng rực soi dòng sông lung linh sóng nước về đêm. Và cũng không thể quên những chuyến phà cần mẫn nối 2 bờ sông Tiền, sông Hậu trong suốt chiều dài lịch sử trăm năm mà nay không còn thấy nữa.

Tuyến Quốc lộ 1 về miền Tây dường như suốt đêm không ngủ, lượng phương tiện lưu thông cả ngày lẫn đêm cứ tràn đầy như dòng chảy không ngơi nghỉ. Ðiều kiện cơ sở hạ tầng giao thông như hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng với nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hoá của vùng đất ÐBSCL trù phú đang trên đà phát triển nhanh, nên nhiều dự án đường cao tốc đã và đang lần lượt được triển khai, tạo thành một hệ thống đường giao thông đa dạng và hiện đại, kết nối theo nhiều hướng, nhiều trục…

Thời gian đang trôi đến gần những cột mốc đáng để người dân Cà Mau và cả ÐBSCL chờ đợi. Ðó là đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thông tuyến và sẽ hoàn thành trong năm 2021. Ðoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đã khởi công và hoàn thành, khai thác vào năm 2023. Toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ dài 81 km, khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn 2 tiếng, thay vì 3-4 tiếng như hiện nay, nếu như không bị kẹt xe. Mà đã lên cao tốc thì chuyện kẹt xe chắc là chuyện hiếm.

Một dự án cao tốc mà người dân Cà Mau đang mong đợi, là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 130 km sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 để sớm kết nối với TP Hồ Chí Minh. Dự án này đã có kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành ÐBSCL vào đầu tháng 8/2020, và đã được Bộ Giao thông vận tải dự kiến đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025, thay vì sau năm 2030 như quy hoạch. Khi dự án này hoàn thành và đi vào khai thác, toàn tuyến cao tốc từ Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh gần 300 km chỉ mất một nửa thời gian so với hiện nay. Không còn là giấc mơ đối với người dân Cà Mau, mà là ước vọng đang từng bước trở thành hiện thực, làm thay đổi cuộc sống người dân ÐBSCL và của Cà Mau. 

Nhìn trên bản đồ, vị trí địa lý Cà Mau vẫn là vùng đất cực Nam của Tổ quốc, nhưng khoảng cách về thời gian để về Cà Mau không ngừng được thu ngắn. Cà Mau sẽ không còn xa!

 

Nguyễn Sông Trẹm

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.