Người dân trong ấp Bình Định, xã Tân Thành, TP Cà Mau thường gọi ông là “Vua chăn vịt”, bởi từ chăn vịt mà ông nuôi dạy 9 người con ăn học thành tài khiến bao người mơ ước, ngưỡng mộ.
Người dân trong ấp Bình Định, xã Tân Thành, TP Cà Mau thường gọi ông là “Vua chăn vịt”, bởi từ chăn vịt mà ông nuôi dạy 9 người con ăn học thành tài khiến bao người mơ ước, ngưỡng mộ.
Dân gian thường truyền khẩu câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Và sự thật là không mấy người làm giàu bằng nghề nuôi vịt. Vậy mà nghề chăn vịt đã giúp lão nông Nguyễn Văn Xính cơ hội đổi đời.
Sau khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ông Xính (người thứ 2 từ trái sang) tiếp tục làm giàu với nuôi cá bống tượng. |
Chiều ngả bóng, lần theo con đường bê-tông rộng chừng 0,5 m, chúng tôi tìm đến nhà ông Xính. Trưởng ấp Bình Định Huỳnh Thanh Hải dẫn đường, nói đây là con đường do ông Xính bỏ tiền ra xây dựng và cây cầu kia cũng do ông đề xướng, góp vốn vào.
Xe dừng trước ngôi nhà được xây kiên cố đã lâu, bao quanh là cây xanh, cây ăn trái, rau màu mát rượi. Ông Xính gác lại công việc dở dang, rửa vội đôi tay đầy bùn, thay chiếc áo lao động, mời chúng tôi vào nhà. Nụ cười thân thiện hiện lên trên gương mặt ông.
Bên bàn trà, ông kể chuyện mình từng tham gia du kích. Với ông, đó là một thời khó khăn, nguy hiểm nhưng lại đầy ắp tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước mà ông không thể nào quên. Sau ngày giải phóng, ông trở lại quê nhà, bấy giờ ông đã có 5 đứa con nhỏ, cuộc sống rất đỗi khó khăn.
Ông Xính nhớ lại: “Năm nào cũng oằn vai làm 30 công ruộng nhưng cuối vụ chỉ thu cao nhất là 100 giạ lúa, tất cả nguồn chi đều dựa vào số lúa thu được này. Vợ chồng tôi phải làm nhiều nghề, nhưng không kham nổi cuộc sống và lo cho các con ăn học. Thấy lúa đổ sau thu hoạch nhiều nên vợ chồng tôi quyết thử vận may từ 1.000 con vịt mái đẻ. Không ngờ nó mang lại nguồn thu khá, phần nào giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, các con có điều kiện học hành đàng hoàng hơn”.
Ông Xính tay bưng cốc trà, khẽ giọng: “Từ 1.000 con vịt mái mỗi đêm cho 800-1.000 quả trứng, thời điểm năm 1990 bán quy ra lúa cũng trên 10 giạ. Năm tháng trôi qua, gia đình có của dư, đầu tư thêm 3.000 con vịt mái tơ khi vào mùa lúa chín. Có lẽ thấy mình nghèo nên trời thương, cứ mỗi ngày nhìn bầy vịt phát triển mỗi khác, mê lắm”.
Bà Huỳnh Kim Mão, vợ ông Xính, tiếp lời chồng: “Thấy nuôi vịt khấm khá, vợ chồng tôi mướn thêm 5 nhân công để chăm sóc đàn vịt 4.000 con. Mỗi mùa lúa đi qua, khoảng 3 tháng, là vợ chồng tôi bán 3.000 con vịt, thu về từ 1.500-2.000 giạ lúa, con số mà bao người dân thời bấy giờ nằm mơ cũng không thấy”.
Nghề nuôi vịt lần lượt đưa 8 trong số 9 người con của ông bước vào cổng trường đại học. Cái danh “Vua chăn vịt” đã gắn chặt với ông Xính hơn 20 năm qua, cùng với những vất vả, nhọc nhằn vợ chồng ông đã trải qua từ cánh đồng này đến cánh đồng khác; từ Cà Mau đến Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng; từ mái tóc xanh đến tóc hoa râm để thực hiện ước mơ đổi đời cho gia đình và những đứa con thân yêu của mình.
Khi Nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi tôm, ông Xính cũng là người tiên phong thực hiện mô hình này với năng suất không ngừng tăng qua từng năm. Nhờ có kinh nghiệm, ham học hỏi kỹ thuật, năng suất tôm nuôi của gia đình ông luôn ổn định. Vụ vừa qua, có đêm ông thu hoạch 100 kg tôm sú loại 30 con/kg trên diện tích 3 ha. Cạnh con tôm, với 15 ao cá chình, bống tượng, mỗi năm, ông thu trên 200 triệu đồng.
Ông Xính bộc bạch: “Mình đã làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ thì còn niềm vui nào hơn. Còn sức thì cứ lao động, còn hơi thở thì cứ mở lòng mà sống. Sống tốt, sống có ích cho xã hội là niềm vui lớn, tôi mong các con tôi cũng sẽ sống tốt, tự lực lo cho chính mình”.
Hiện trong 9 người con của ông có 2 người là bác sĩ, 1 y sĩ, 5 kỹ sư các ngành: cơ khí, kinh tế và nuôi trồng thuỷ sản, 1 người con gái học hết lớp 12. Tất cả đều lập gia đình và có cuộc sống ổn định, đang góp sức phục vụ quê hương Cà Mau.
Ông Lê Văn Toàn, Ban công tác Mặt trận ấp, nói về ông Xính đầy thán phục: “Ông ấy dáng người nhỏ nhắn, hiền lành nhưng làm kinh tế thì không thua ai. Ông luôn quan tâm giúp đỡ hội viên nghèo bằng vật chất lẫn tinh thần. Còn về chuyện nuôi con ăn học thành đạt thì có thể khẳng định, trong xã Tân Thành ông Xính hạng nhất, luôn được mọi người biết đến, kính trọng và noi theo”.
Dù được các cấp ghi nhận bằng nhiều bằng khen, danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, nhưng với ông, phần thưởng và cũng là gia tài quý báu nhất chính là những người con thành đạt của mình./.
Bài và ảnh: Diệu Lữ