(CMO) Những năm gần đây, nền kinh tế tỉnh Cà Mau không ngừng phát triển, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Phát triển kinh tế luôn gắn liền với đô thị hoá, nhiều cụm công nghiệp hình thành làm cho bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà thêm sôi động. Song hành với sự phát triển đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hoá, sử dụng năng lượng, nhiên liệu, sản xuất công nghiệp cũng tăng theo. Từ đó, phát sinh nhiều chất thải trong sinh hoạt cũng như sản xuất các ngành công nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Vấn đề xử lý rác thải, nước thải... đã và đang là bài toán khó.
Bài 1: Sức ép ô nhiễm môi trường
Thời gian gần đây quá trình đô thị hoá và mở rộng địa giới hành chính đô thị tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, dân số thành thị tăng nhanh. Cùng với kinh tế phát triển, đời sống người dân tại các khu vực nông thôn được cải thiện, nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng cũng gia tăng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này kéo theo một lượng chất thải vào môi trường, tạo ra nhiều sức ép, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Cà Mau có diện tích tự nhiên là 5.274,51 km2, dân số hơn 1,4 triệu người, phân bố tương đối đều với mật độ trung bình là 229 người/km2. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm chợ, khu thương mại, vui chơi giải trí, các hộ gia đình… ở trung tâm TP Cà Mau, thị trấn các huyện khá cao. Ða phần chợ và các hộ dân sinh sống ven sông, rạch, do ý thức và thói quen mà nhiều hộ dân và tiểu thương không ngần ngại vứt rác bừa bãi. Thêm việc thiếu mặt bằng, trang thiết bị, phương tiện thu gom, tập kết rác nên rác thải không được xử lý triệt để, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Do xe thu gom rác không thể tiếp cận nên người dân đành gom rác và đốt ngay cạnh trường học ở thị trấn Sông Đốc.
Các tác động đến môi trường
Thực tế môi trường đang bị ô nhiễm luôn là vấn đề bức xúc, nhận được sự quan tâm rất nhiều từ dư luận xã hội. Những tác động từ các sinh hoạt dân cư, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại đã gây sức ép lớn, dẫn đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất… Tình trạng này cứ thế lặp đi lặp lại.
Cụ thể, tỷ trọng nông nghiệp vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và giữ vị trí quan trọng (so với công nghiệp và dịch vụ); quy mô sản xuất vẫn phát triển mở, nhiều dự án nông nghiệp được triển khai và đóng góp nhiều giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó là sức ép của ngành nông nghiệp đến môi trường ngày càng tăng. Hoạt động nuôi thuỷ sản phát triển rất mạnh, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xả thải lượng lớn chất ô nhiễm ra môi trường tự nhiên. Ngoài ra, các hoạt động khác như nuôi cá, cua, nghêu, sò... cũng tác động không nhỏ đến môi trường. Nhiều dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn được triển khai cũng làm tăng các tác động về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đặc biệt là ô nhiễm không khí, mùi hôi.
Bên cạnh đó, hoạt động của các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ từng bước được mở rộng, quy mô nâng lên. Theo đó, việc tăng cường khai thác, sử dụng tài nguyên để phục vụ mục đích phát triển kinh tế gây nhiều sức ép tới môi trường đất, nước, không khí, cụ thể ở các ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản, xây dựng cơ sở hạ tầng… Cùng với quá trình chuyển dịch kinh tế và công nghiệp hoá, đô thị hoá theo thời gian ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và tài nguyên nước, làm cho môi trường dễ bị suy thoái hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.
Một nguyên nhân tiếp theo tác động đến môi trường là hoạt động sinh hoạt của dân cư, mà vấn đề đáng quan tâm là cơ cấu dân số có xu hướng dịch chuyển từ nông thôn sang thành thị cũng gây ra nhiều áp lực về môi trường trên địa bàn thành phố. Lượng nước thải sinh hoạt của tỉnh có xu hướng tăng ở đô thị, tuy nhiên có xu hướng giảm ở nông thôn. Do quá trình di dân từ nông thôn sang thành thị; quá trình đô thị hoá, đời sống người dân tiếp tục phát triển, kéo theo lượng nước thải, rác thải sinh hoạt cũng tăng theo, khiến cho môi trường quá tải, khó kiểm soát dẫn đến ô nhiễm.
Thực tế cho thấy, hạ tầng bảo vệ môi trường tại các đô thị trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện. Ðiều đáng quan tâm hiện nay là hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt chưa có, hầu hết đều thải trực tiếp ra ao hồ, sông, rạch và thấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu phân tích từ công tác bảo vệ môi trường năm 2022, tổng lượng nước thải trên địa bàn tỉnh khoảng 43.338 m3/ngày đêm. Hiện tại, các khu đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có khu xử lý nước thải tập trung đưa vào vận hành, nước thải chưa xử lý thải trực tiếp ra môi trường; nước thải nông thôn cũng chưa được thu gom, xử lý. Còn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 812,7 tấn/ngày (ở khu vực đô thị là 261,1 tấn/ngày; ở khu vực nông thôn là 551,6 tấn/ngày). Hiện tại, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị đạt khoảng 87,8%, tương ứng với khối lượng 246,7 tấn/ngày; còn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt là 88,3%; tương ứng với khối lượng thu gom thực tế là 504,8%. (Nguồn số liệu tổng hợp theo Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cà Mau).
Ô nhiễm bủa vây
Trước những phân tích số liệu cụ thể từ các tác động đến môi trường, việc xử lý nước thải, chất thải trên địa bàn tỉnh trong năm qua là thực trạng đáng báo động. Con số chênh lệch giữa việc xả thải và việc thu gom, xử lý đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm tập trung đông dân cư đến lúc báo động.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, TP Cà Mau, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị và nông thôn tăng cao nhất vào năm 2021. Cụ thể: khu vực đô thị năm 2021 tăng 49,6 tấn/ngày so với năm 2019; tăng 40,1 tấn/ngày so với năm 2020; khu vực nông thôn năm 2021 tăng 44,1 tấn/ngày so với năm 2019; tăng 34,1 tấn/ngày so với năm 2020. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình tại nông thôn cao hơn so với đô thị trong năm 2021 khoảng 2,1 lần.
Cách tính chỉ số phát sinh (kg/người/ngày) = (Khối lượng phát sinh (tấn/ngày) x 1.000)/dân số theo từng năm. Theo đó, chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt năm 2019 và năm 2020 khu vực đô thị là 0,8 kg/người/ngày; khu vực nông thôn là 0,6 kg/người/ngày; đến năm 2021 chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 0,9 kg/người/ngày; tăng 0,1 kg/người/ngày so với năm 2019 và 2020. (Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Cà Mau năm 2022, chuyên đề “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt)
Phản ánh về vấn đề ô nhiễm tại cửa biển được xem là sầm uất bậc nhất ở Cà Mau, một cán bộ tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho hay: “Nước thải từ các nơi kinh doanh, mua bán hải sản cứ thải thẳng ra sông, chứ nơi đây thực tế chưa có nơi xử lý. Một số doanh nghiệp có xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, số thì không xử lý nước. Người dân nhiều lần phản ánh nhưng vấn đề này do cấp tỉnh quản lý, chúng tôi chỉ ghi nhận tình hình rồi báo cáo”.
Không chỉ ô nhiễm từ nước thải sản xuất hải sản, thực trạng rác thải tại các khu vực dân cư cũng là vấn đề đáng báo động. Ghi nhận của phóng viên tại tuyến kênh rạch ô nhiễm ở Khóm 7, thị trấn Sông Ðốc, thực trạng này đang xảy ra nhiều năm nay. Ðây là khóm tập trung đông dân cư sinh sống, điều đáng nói là ô nhiễm môi trường hiện diện ngay cạnh Trường THCS Sông Ðốc 1.
Hiện trạng ô nhiễm rác thải cứ liên tục tái diễn tại các khu vực dân cư (Khóm 7, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời).
“Tôi sống ở đây hơn 10 năm, thấy tình trạng rác thải, nguồn nước đen ngòm và mùi khí thải từ nhà máy chế biến bột cá ngày một trầm trọng hơn. Ðiều đáng nói là hơn 1 năm nay, lượng rác thải ngày càng nhiều mà việc thu gom, xử lý thì bị bỏ lơ, có thời điểm không ai đến thu gom. Không ai gom thì buộc lòng những hộ dân phía trong phải đổ đại xuống kênh, giờ rác gần như lấp hết tuyến kênh này rồi. Mùi hôi thối nồng nặc, thế mà chúng tôi chẳng biết làm gì hơn là chấp nhận sống chung, chứ biết dời nhà đi đâu bây giờ”, ông Trần Văn Tân, Khóm 7, thị trấn Sông Ðốc, bức xúc.
Thực trạng ô nhiễm cứ thế bủa vây đời sống người dân tại Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, đã nhiều năm nay. Kênh rạch bí bách không lối thoát, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng từ rác thải của nhiều hộ dân không ý thức. Thêm nữa là tuyến đường này con lộ quá hẹp nên xe chở rác không thể vào thu gom, người dân đành gom lại một chỗ, sau đó tự đốt rác ngay cạnh hàng rào trường học. Ðây là một trong số những điểm nóng điển hình khi chính sức ép từ việc đô thị hoá đi nhanh hơn so quy hoạch đô thị dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp. Và rồi câu chuyện ô nhiễm môi trường khu vực này vẫn tái diễn, không biết khi nào mới chấm dứt./.
Hưng Anh
Bài 2: KHÓ KHĂN CÔNG TÁC THU GOM, XỬ LÝ