(CMO) Ngày 27/1/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP về Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Theo nghị định này, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều với những tiêu chí, quy định ở cấp độ, mức độ cao hơn so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới vừa là thách thức, vừa là cơ hội trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Do đó, cần có những kế hoạch cụ thể, sự nỗ lực, phấn đấu của các địa phương cũng như sự phấn đấu vươn lên từ các hộ nghèo để có thể giảm nghèo bền vững.
Trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020 có tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ tương ứng là 700.000 đồng và 900.000 đồng/người/tháng). Đây là mức thu nhập khá cao đối với hộ nghèo, nhất là khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tăng lên 12 chỉ số (chuẩn cũ 10 chỉ số).
Chuẩn mới nâng tầm chất lượng giảm nghèo
Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đánh giá: “Trước đây, nhiều hộ gia đình có thu nhập hay chỉ tiêu bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo nhưng lại không tiếp cận được với nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp cận thông tin cũng được xác định là nghèo. Hiện nay, cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập hay chi tiêu mà còn là việc không được thoả mãn các nhu cầu cơ bản khác của con người. Xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tác động toàn diện hơn đến người nghèo, giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo, phát triển xã hội qua thời gian giữa các địa phương, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp”.
Với chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh đã tăng cao. Nhiều hộ trên địa bàn tỉnh dù thoát nghèo, thoát cận nghèo từ những năm trước, nhưng khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới lại rơi vào hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Qua thực tế rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có 9.569 hộ nghèo, chiếm 3,12% (tăng 5.259 hộ, tăng 1,71% so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020); hộ cận nghèo có 6.933 hộ, chiếm 2,26% (tăng 2.245 hộ, tăng 0,73% so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).
Bên cạnh những thách thức, việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn mới cũng mở ra những cơ hội để các cấp, các ngành nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo khó, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Người dân “xóm than” Ấp 1, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền địa phương để thoát nghèo bền vững. |
Ông Phạm Văn Tú, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện U Minh, cho biết: “Bên cạnh thuận lợi là sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân, vẫn còn 1 nhóm khó khăn đó là nhóm có đối tượng bảo trợ xã hội. Đó là, trong gia đình họ có thành viên bị bệnh hiểm nghèo hay khuyết tật phải chi phí khá cao cho chăm sóc người bệnh, mất sức lao động… Nhóm nữa là không có tư liệu sản xuất nên muốn hỗ trợ cũng rất khó. Đã qua, có một số hộ được hỗ trợ nhưng chỉ là đất ở trong các khu tái định cư, nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ thôi, còn đa số do quỹ đất của huyện không đảm bảo. Một số ít có lao động nhưng lười lao động, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cũng chưa có mô hình kinh tế nào hiệu quả có thể nhân rộng.
Sau khi điều tra, rà soát chuẩn nghèo mới, đưa nghị quyết giảm hộ nghèo 1,5%, huyện U Minh băn khoăn các chương trình giảm nghèo về khá muộn nên khi triển khai đến các hộ dân thực hiện chưa thu được hiệu quả. Năm nay, Huyện uỷ đã phân công 49 cơ quan, đơn vị phụ trách giúp đỡ các ấp có tỷ lệ hộ nghèo từ 9% trở lên. Qua đó, phân nhóm đối tượng để có hình thức giúp đỡ phù hợp, ưu tiên những hộ có tư liệu sản xuất, có lao động và quan tâm đặc biệt đến những hộ có lao động mà lười lao động sẽ có phương thức động viên, tuyên truyền giúp đỡ phù hợp.
Đồng bộ các giải pháp
Để triển khai thực hiện chủ trương, hướng dẫn của Trung ương, Sở LĐ,TB&XH tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, như Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 11/1/2022 về việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2022, Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 31/3/2022 về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm giảm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%.
Những mô hình kinh tế hiệu quả sẽ được nhân rộng để tạo thu nhập bền vững cho hộ nghèo giai đoạn mới.
Bà Nguyễn Thu Tư nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu đó, cần tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu các xã, ấp đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, chú trọng, tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển”.
Nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Bên cạnh đó, một số vấn đề rất cơ bản là để giảm nghèo hiệu quả phải bám sát, nắm chặt chẽ tình hình thực tế các hộ nghèo, phân tích thật kỹ nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm ra giải pháp thiết thực, phù hợp. Quá trình thực hiện bảo đảm không trùng lặp, bỏ sót đối tượng; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, khuyến khích họ tích cực tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo với tinh thần người nghèo, hộ nghèo là chủ thể quyết định và Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn./.
Minh Long