Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo phụ trách Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững tỉnh, cho biết, về quan điểm chỉ đạo, tỉnh tập trung quyết liệt cho công tác giảm nghèo. Tỉnh uỷ đã ban hành nghị quyết, HÐND tỉnh đã ban hành 13 nghị quyết chuyên đề để thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với tinh thần đó, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo bằng các quyết định, kế hoạch, cụ thể hoá trên phạm vi toàn tỉnh, từ huyện đến cơ sở, bước đầu đạt yêu cầu mục tiêu đề ra. Các dự án chương trình trọng điểm quốc gia đều được triển khai ở các địa phương trên cơ sở đối tượng, tiêu chuẩn, định mức phân bổ theo yêu cầu của Trung ương.
- Giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm vượt kế hoạch
- Năm 2023, toàn tỉnh giảm 2.507 hộ nghèo
- Hiệu quả bước đầu của chương trình mục tiêu giảm nghèo
ÔngNguyễn Minh Luân: “Cần tập trung nguồn lực giảm nghèo hết sức cụ thể đến từng dự án đến từng gia đình và từng đối tượng thụ hưởng”
- Ông có thể cho biết kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giữa kỳ, giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh?
Ông Nguyễn Minh Luân: Giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Cà Mau trên 365 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương trên 309 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 30 tỷ đồng và các nguồn hợp pháp khác trên 24 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện trên 100 mô hình sinh kế, với kinh phí hơn 26 tỷ đồng. Có 1.401 hộ dân được thụ hưởng, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 34 mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ðồng thời, mở 130 lớp dạy nghề với khoảng 4 ngàn học viên tham gia, nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Triển khai chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ việc làm bền vững.
Dạy nghề làm mi giả cho chị em phụ nữ xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước.
Ðến nay, kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư cơ bản đạt được, kể cả nguồn năm 2022 chuyển sang 2023.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giữa kỳ, giai đoạn 2021-2025, Cà Mau đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của tỉnh đề ra là 0,5%; kết quả, năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7.407 hộ, chiếm 2,41% (giảm 2.162 hộ, giảm 0,73%); năm 2023, còn 4.899 hộ nghèo, chiếm 1,60% (giảm 2.507 hộ, giảm 0,81%).
- Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững có gặp những khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Luân: Trong các chương trình MTQG, đây là chương trình mới, lớn nên quá trình triển khai thực hiện cũng có những khó khăn nhất định. Trước hết là thể chế, các quy định cấp trên ban hành chưa kịp thời, chưa đồng bộ giữa các chương trình, chồng chéo và hướng dẫn chậm, cho nên quá trình triển khai của địa phương còn lúng túng. Có những chương trình chậm đến hơn một năm, cho nên nguồn vốn kết dư còn lớn.
Một khó khăn nữa là từ đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trực tiếp thực hiện đảm trách các chương trình hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận các thông tin từ quy định ở trên nên trong triển khai còn lúng túng, còn bị động, dẫn đến kết quả chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, do cách phân bổ không đồng đều ở các địa bàn. Có dự án rất nhỏ nhưng địa bàn rộng, dẫn đến manh mún, nhỏ lẻ, không tạo ra động lực cho các đối tượng thụ hưởng.
- Với những kết quả bước đầu đạt được, cùng những khó khăn được nhìn nhận, theo ông cần có định hướng, giải pháp gì trong thời gian tới để Cà Mau thực hiện đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững?
Ông Nguyễn Minh Luân: Cần tăng cường quyết liệt hơn nữa. Cấp uỷ, chính quyền, trực tiếp là ngành lao động phải tập trung cao độ, bởi vì thời gian còn lại rất ít. Làm sao để chương trình này đi vào đời sống người dân, đến đối tượng thụ hưởng càng sớm càng tốt để góp phần giảm nghèo, thoát cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Phải huy động các nguồn lực đẩy mạnh triển khai các dự án, nhất là các dự án liên quan đến dân sinh, công cộng như hạ tầng giao thông, các dự án sinh kế cho người dân để tạo ra chuỗi liên tục, liên hoàn đồng bộ để góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là những đối tượng nghèo, cận nghèo để thoát nghèo, thoát cận nghèo. Cần tập trung hết sức cụ thể đến từng dự án, đến từng gia đình và từng đối tượng thụ hưởng này.
Ðồng thời, nâng cao ý thức, yếu tố tự thân vươn lên của người dân, không trông chờ, ỷ lại bằng nguồn giảm nghèo này. Ðây chỉ là nguồn vốn mồi, cơ bản là yếu tố gia đình, tự thân của mỗi người để làm sao vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo trong thời gian tới.
Mô hình làm bánh ú của chị em phụ nữ ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, vận dụng các nguồn lực khác, các chương trình khác để góp phần hỗ trợ, tạo các dự án triển khai đồng bộ ở các địa phương, địa bàn trọng điểm, những ấp nghèo, xã nghèo có đông các đối tượng thụ hưởng chương trình. Bằng tổng lực các nguồn vốn khác để hỗ trợ cùng với chương trình mục tiêu này, từ đó tạo ra bước tiến mới trong năm 2024.
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Nhung - Trầm Nghĩ thực hiện