(CMO) Những năm gần đây, biến đổi khí hậu, hạn mặn, nước dâng… làm cho nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Phú Tân sạt lở nhanh hơn trước. Thực hiện Nghị quyết 09 của Huyện uỷ Phú Tân về duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các tuyến giao thông bộ, các địa phương trong huyện đã huy động sức dân chống lở. Tuy nhiên, có những khu vực khó có thể thực hiện bằng thủ công hoặc với kinh phí ít ỏi.
Xã Việt Thắng là một trong những khu vực có nhiều điểm sạt lở đáng quan ngại.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Theo đó, tuyến lộ ven sông Bào Chấu, chạy dài từ cầu Cái Đài đến cống Bào Chấu, đi qua địa bàn ấp Bào Chấu và Kiến Vàng B, xã Việt Thắng, có rất nhiều điểm thường xuyên bị sạt lở. Tuyến lộ bê-tông dài hơn 4.200 m nhưng có đến hơn chục điểm sạt lở, có điểm sạt lở dài đến 30 m, vô sâu bên trong đến 2 m, làm cho một phần lộ bê-tông đổ xuống sông. Có những đoạn lộ hoàn toàn lọt xuống sông.
Nhiều đoạn lộ cấp 6, lộ bê-tông chạy dọc theo sông Bào Chấu, thuộc địa bàn xã Việt Thắng, sạt lở nghiêm trọng. |
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, ấp Kiến Vàng B, thông tin: “Gần đây tốc độ sạt lở diễn ra rất nhanh. Khi làm con lộ trước nhà tôi đã chừa khoảng cách từ lộ đến bờ sông hơn 3 m nhưng đến nay đã lở vào nửa lộ. Những mảng bê tông bắt đầu bị nghiêng, có dấu hiệu đổ xuống sông”. Mấy năm nay, ông Hoà luôn kè, xịa nhưng được một thời gian thì cả cây và đất bị dòng nước dời dần ra sông.
Bí thư Đảng uỷ xã Việt Thắng Hồ Phương (Hồ Thanh Phương) cho biết, hàng năm xã huy động những hộ dân trên từng tuyến tự thực hiện kè chống sạt lở, bình quân từ 9.000-10.000 m bằng cây gỗ địa phương hoặc bê-tông. Tuy nhiên, việc kè thủ công chỉ thực sự hiệu quả đối với những tuyến lộ dọc theo các con sông nhỏ, dòng chảy yếu hoặc lộ xóm nhánh, xa các con sông.
Mấy năm nay, giao thông bộ phát triển, tàu bè ít đi lại hơn trước nhưng sạt lở lại càng trầm trọng, nguyên nhân là dòng chảy khá mạnh. Xã Việt Thắng chịu ảnh hưởng trực tiếp dòng chảy từ con sông Bảy Háp, nước ròng rất sâu và nước lớn cũng lên khá cao và nhanh. Thế nên, dòng chảy từ con sông Bào Chấu, một nhánh trực tiếp từ sông Bảy Háp cũng khá mạnh, làm cho hiện tượng xói lở nhanh hơn. Những con sông tự nhiên thường có doi vịnh, doi thì ngày càng bồi còn vịnh thì ngày càng lở thêm. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng dòng sông đang có hiện tượng tự động dịch chuyển. Thực tế, việc sạt lở phần lớn xảy ra ở những khu vực phía lưng đường cong của con sông, bị tác động trực tiếp bởi dòng nước xoáy, ngược lại phía đối diện thì có xu hướng bồi ra thêm.
Khó thực hiện thủ công
Trên tuyến lộ ô-tô, gần trung tâm xã Việt Thắng cũng đã xảy ra một đoạn sạt lở làm hỏng cả chiều dài gần trăm mét lộ, làm sạt cả bờ kè bằng bê-tông. Các ngành chuyên môn đã sử dụng biện pháp kè, chắn bằng bao sinh học. Biện pháp này hiện tại có tác dụng chống sạt lở khá tốt, tuy nhiên, tại các khu vực đặt bộng xuyên đường của người dân phục vụ nuôi tôm cũng có dấu hiệu bị sụp lún vài chỗ. Điều đáng nói là biện pháp này chi phí rất cao, ngân sách Nhà nước cũng như kinh phí trong dân không thể đáp ứng nổi.
Cũng trên tuyến này, tại cống xuyên đường Đìa Sậy, ấp Hiệp Thành, xã Việt Thắng, do áp lực dòng nước lớn nên bờ phía trong cũng bị nước xoáy sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn lộ bê-tông gần 50 m hư hỏng gần như hoàn toàn. Theo đó, một số khu vực trên tuyến này cũng có nguy cơ sạt lở cao.
Trên thực tế, kè chống sạt lở bằng bê-tông hay bao sinh học cần có nguồn kinh phí lớn, khó có thể triển khai trên diện rộng; Kè bằng thủ công chỉ là biện pháp tình thế và chỉ thực hiện đối với những tuyến ít bị triều cường tác động.
Theo đó, cần có quy hoạch hợp lý trong phát triển, xây dựng hệ thống lộ, sử dụng cơ giới để khơi thông dòng chảy, giảm tải áp lực cho khu vực nước xoáy và thực hiện kết hợp các giải pháp mới đảm bảo chống lở tốt hơn. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, rất cần sự nghiên cứu của các nhà khoa học để có giải pháp hữu hiệu hơn./.
Quốc Hiệp