(CMO) Dọc theo mé kênh xáng Minh Hà, mỗi khi mặt trời vừa thức dậy, tiếng mài, tiếng đập chan chát của thợ rèn Hai Ngọc đều đặn vang lên, làm khuấy động nhịp sống bình dị nơi miền quê. Trong căn chòi lá cũ kỹ, đã trải qua 6 lần “thay áo mới", lò rèn Hai Ngọc vẫn tồn tại nơi vùng đất phèn dù trải qua bao năm tháng.
Ngược dòng thời gian, ông Hai Ngọc tâm tình, vùng đất Minh Hà B (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) này là quê hương thứ 2 của ông. Nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở tận miền Trung, tỉnh Nam Định xa xôi. 11 tuổi, hai anh em ông theo chân mẹ vào Nam sinh sống theo phong trào khai phá vùng kinh tế mới. Chân ướt chân ráo, những ngày tháng lập nghiệp nơi vùng đất lạ, lắm gian nan. Có đất, tới vài héc-ta nhưng cấy lúa mùa, năm có gạo ăn, năm không. 20 tuổi, ông biết thế nào là cơ cực, là gian lao của mẹ và mong muốn sẻ chia gánh nặng oằn trên đôi vai của bà, chàng thanh niên Hai Ngọc quyết tâm lặn lội lên vùng đất Hà Tiên học nghề rèn.
Thật ra, nghề rèn là nghề truyền thống của gia đình ông Hai Ngọc và cả quê hương xứ sở. Từ đầu làng đã thấy những lò rèn lớn nhỏ mọc san sát, hình ảnh ông nội dù đã 60 tuổi, tay run, mắt kém vẫn cần mẫn bên những thanh sắt để tạo ra cây dao, cây phảng in đậm trong ký ức thời thơ ấu của ông Hai Ngọc. Và sau này, cha ông lại nối nghề và cũng chính là người hun đúc nên ước mong trở thành người thợ rèn trong ông. Chiến tranh loạn lạc, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cha ông Hai Ngọc khoác chiếc áo bộ đội lên đường chiến đấu vì quê hương và hy sinh khi chưa kịp truyền nghề lại cho các con.
Cũng nhiều người thắc mắc, không hiểu sao làm thợ rèn cực nhọc quá mà ông Hai Ngọc lại chọn nghề này sinh nhai. Người ta nhìn vào thấy lạ đời, chớ riêng ông Hai Ngọc hiểu rõ cái gì cũng có nguyên do của nó. Người chọn nghề cũng như nghề chọn người vậy. Thứ nhất, nghề rèn là nghề ông cha để lại. Thứ hai là thời xưa, khi nền nông nghiệp còn lạc hậu, trồng lúa, làm cỏ hay bất cứ cái gì cũng từ sức người là chính và song hành là những nông cụ thô sơ được làm ra từ đôi tay khéo léo của những người thợ rèn như phảng, lưỡi gặt, lưỡi hái, dao, búa, mác… Nghề rèn được xem là một trong những nghề thịnh hành, ăn nên làm ra. Vì vậy, ông Hai Ngọc quyết định nối nghiệp ông cha. Tuy nghề có lúc thăng lúc trầm, nhưng với ông Hai Ngọc, trở thành người thợ rèn là quyết định trong đời mà ông chưa bao giờ hối hận.
Cũng nhờ cái nghề cực nhọc này mà ông trụ được vùng đất nơi đây, lập gia đình, lo được cho vợ con Vừa nung, vừa đập những thanh sắt để kịp giao sản phẩm cho khách quen, ông Hai Ngọc nói về nghề với giọng đầy tự hào: “Hồi xưa đâu có nuôi tôm như bây giờ, chỉ chuyên trồng lúa thôi. Mà đất đai vùng này khó canh tác lắm, toàn năn, sậy, phèn. Cũng nhờ nghề rèn mà kiếm được miếng cơm manh áo, vợ con không vất vả và đặc biệt là tôi chưa bao giờ phải đi làm mướn cho ai”.
Lò rèn Hai Ngọc vẫn thổi bừng ngọn lửa dù trải qua bao thăng trầm. |
Mấy chục năm về trước, lúc chuẩn bị vào mùa vụ, khoảng tháng 5, tháng 6, lò rèn của ông Hai Ngọc vui như ngày tết. Bà con gần xa hối hả đến đặt hàng ông Hai Ngọc, đa phần là đặt thợ làm phảng để phát cỏ. “Hồi đó, hầu như nhà nào cũng cần 2-3 cây phảng nên nhu cầu của bà con cần nông cụ này nhiều lắm”, ông Hai Ngọc chia sẻ.
Khách hàng kẻ ra người vô nườm nượp, chen chúc cả chòi, co ro ngồi đợi từng sản phẩm. Thương bà con cũng là quý khách, tới bữa, vợ ông Hai Ngọc (bà Đỗ Thị Phương) nấu cơm mời dùng. Tuy chỉ vài con cá, đĩa rau vườn nhưng chủ, khách đều thấy ấm lòng.
Không chạy theo đồng tiền, sản phẩm dù lớn hay nhỏ làm ra phải đạt chất lượng, hợp túi tiền của bà con là tiêu chí làm nghề của ông Hai Ngọc mấy chục năm qua.
Nhưng thời hoàng kim của nghề rèn bây giờ chỉ còn là câu chuyện của quá khứ. Nhiều lò rèn biến mất khi nền nông nghiệp đã bước sang hiện đại hoá. Cũng chịu sóng gió khi thời cuộc đổi thay, vậy mà lò rèn Hai Ngọc vẫn bám trụ, vẫn cố gắng cho ra đời những sản phẩm phục vụ bà con.
Bên dòng kênh xáng Lâm Trường, ngay cạnh dốc cầu Kinh Dớn (ấp Kinh Dớn) cũng có lò rèn đã tồn tại qua 40 năm. Chủ nhân lò rèn này là ông Huỳnh Văn Ý, người dân trong vùng quen gọi là ông Năm Ý.
Nối nghề từ cha, chưa bước qua tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Năm Ý đã thành thạo nghề rèn. 40 năm đặt chân đến xứ Kinh Dớn này cũng là ngần ấy năm nghề rèn theo ông suốt hành trình mưu sinh.
Ông Năm Ý nhìn xa xăm hồi nhớ: “Nghề này xưa kia làm ăn được lắm nghe cháu. Nghề thịnh vì làm ra những nông cụ cần thiết phục vụ trồng trọt, sinh hoạt”. Sản phẩm làm ra phải bén, phải bền, vì vậy mà lò rèn Năm Ý nổi danh khắp vùng.
Ông Năm Ý bảo, nghề rèn giờ có nhiều đổi thay, nhiều công đoạn đã có máy móc hỗ trợ. Trước đây người thợ rèn phải giũa dao khá lâu hay dùng cây thục bơm ống bể để thổi hơi cho ra lửa mới trui được nông cụ, còn nhiều năm nay đã có máy mài và mô tưa ghim điện thổi hơi cho lò nung. Thị trường cũng có các miếng thép cắt sẵn nên rất tiện. Nhờ vậy nên ở cái tuổi thất tuần, ông Năm Ý vẫn còn gượng rèn nổi vài món đồ.
“Đa phần nhận mài lại, khi có khách quen đặt mới rèn dao, búa, còn không thì lâu lâu mới rèn vài cái để dành cho con cháu dùng”, ông Năm Ý tâm tình.
Tuỳ theo loại nông cụ, kích thước lớn nhỏ mà thời gian trui rèn sẽ khác nhau. Dẫu không còn thu nhập bạc triệu mỗi ngày như trước, nhưng chăm chỉ rèn, nung cũng được vài trăm ngàn đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình mà không cần phải oằn lưng chịu cảnh làm thuê.
Vui vì dù trải qua bao thăng trầm, ông Năm Ý, ông Hai Ngọc vẫn còn lưu giữ được nghề truyền thống của dòng họ, của quê hương và riêng ông Hai Ngọc đang truyền lại cho thế hệ sau. Tâm niệm của ông chủ những lò rèn còn đỏ lửa này, còn sức là còn làm hoài./.
Ngọc Minh