(CMO) Chính yếu tố trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ các cơ quan Nhà nước nên trong giải quyết công việc không kiên trì, thiếu kiên quyết, không sáng tạo, gặp khó là chùn bước, chờ đợi…, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thu hút đầu tư, là tác nhân khiến nhiều dự án đang triển khai chậm tiến độ dù chỉ còn một vài vướng mắc rất nhỏ.
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, hiện nay toàn tỉnh có 29 dự án chậm tiến độ, trễ tiến độ và chưa triển khai thực hiện, phần lớn rơi vào dự án các khu đô thị, dự án về du lịch. Cùng với đó là hàng loạt nguyên nhân như vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng; khó khăn trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, đồ án quy hoạch ngành; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai; thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường dự án; thủ tục chuyển đổi đất rừng…
Dự án xây dựng cầu qua vàm Cái Ðôi (thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân) hiện vẫn còn vướng mặt bằng. |
Lại là câu chuyện mặt bằng
“Khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng” là cụm từ gần như xuất hiện thường xuyên và đầu tiên đối với các dự án chậm tiến độ. Ðồng thời, đây là khó khăn đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Chỉ nói riêng về giá đất của tỉnh đang là câu chuyện có nhiều nghịch lý. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cà Mau đều cho rằng giá đất của tỉnh hiện nay khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố khác, thậm chí cao hơn cả TP Cần Thơ và các tỉnh gần trung tâm TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đi thu hồi đất lại gặp tình trạng dân không đồng tình với lý do giá còn thấp. Mâu thuẫn này đặt ra hàng loạt những câu hỏi: Là trách nhiệm? Trình độ năng lực? Hay là cái gì nữa… trong quá trình đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng.
Dự án Khu đô thị mới Tài Lộc - Khu A của Công ty TNHH Tài Lộc, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở chỉnh trang khu dân cư đường số 2 (đoạn từ đường Nguyễn Trãi đến Lâm Thành Mậu) của Công ty TNHH Xây dựng Quang Tiền và Dự án khu dân cư Thạnh Phú của Công ty TNHH Thiên Tân là những dự án đều vướng khâu giải phóng mặt bằng do chưa thể thống nhất giá của nhà đầu tư với người dân.
Phải thừa nhận hoạt động bồi thường giải phóng mặt bằng là công việc rất gian nan, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, công khai và minh bạch từ giá cả cho đến cách tính. “Giá đất là khâu vận hành nội bộ rất yếu, mất nhiều thời gian và phải điều chỉnh nhiều lần”, đó là đánh giá của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải. Sự công khai, minh bạch với dân chưa tốt, thậm chí có méo mó, không rõ ràng, khi dân thắc mắc thì giải thích chung chung, thậm chí đổ cho cơ quan này, cơ quan khác, tính thuyết phục không cao, không nhận được sự đồng thuận.
Nhiều dự án, phương án bồi hoàn giải phóng mặt bằng phải nhiều lần điều chỉnh. Từ đó không chỉ mất thời gian mà còn tốn tiền của, khiến nhà đầu tư e ngại. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết: "Giá đất cụ thể là khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay. Với 2 lần tính giá đất cụ thể cho một dự án và gần như phải thuê hoàn toàn các đơn vị của các tỉnh lân cận nên mất nhiều thời gian. Phải thừa nhận rằng, chất lượng của đơn vị tư vấn lập phương án giá đất thời gian qua chưa ổn. Có tình trạng một số đơn vị copy phương án ở đâu về sửa chưa hết địa chỉ, chưa hết thông tin thửa đất, khi mình phản hồi thì họ nhờ mình sửa giùm luôn!".
Các khâu trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, từ việc kiểm đếm, giá đất cho đến đo đạc… chưa chuẩn xác, phải tiến hành điều chỉnh nhiều lần khiến không ít dự án không thể triển khai thi công hay thi công rất chậm. Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam, tiến độ giải ngân một số dự án do sở làm chủ đầu tư còn chậm chủ yếu do vướng mặt bằng. Trong đó, các dự án xây dựng khu tái định cư xen ghép trên tuyến đê biển Tây như Sông Ðốc, Ðá Bạc đang khó khăn nhất.
Không chỉ có vướng mặt bằng, nhiều dự án tiến độ thi công chậm còn có nguyên nhân chính từ trách nhiệm của những người, những đơn vị có liên quan chưa quyết liệt, chưa có sự đổi mới, thiếu phối hợp, kiểm tra...
Thiếu sự chủ động
Trên thực tế, có những dự án cơ bản hoàn thành nhưng chỉ vì một vài vướng mắc nhỏ mà không được giải quyết dứt điểm, để kéo dài. Dự án đường Ðông - Tây đi qua địa bàn huyện Ðầm Dơi là một trong số đó. Toàn tuyến đường trên địa phận huyện Ðầm Dơi đã cơ bản hoàn thành, nhưng chỉ còn vướng 1 cây cầu lô 13 của 1 hộ dân. Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Chí Thiện cho biết, huyện đã tiến hành cưỡng chế nhưng đến nay tiến độ thi công rất chậm. Kể từ khi huyện cưỡng chế để tổ chức thi công đến nay đã hơn 3 tháng, nhưng tiến độ công trình gần như không tiến triển gì.
Qua tìm hiểu được biết, trước đó nhà thầu đưa máy móc, thiết bị vào thi công nhưng còn vướng mặt bằng nên không thể thi công. Sau thời gian chờ đợi mặt bằng "sạch" không được, nhà thầu đã đưa phương tiện đi nơi khác, do đó nhà thầu yêu cầu hỗ trợ chi phí vận chuyển. Dù chỉ còn 1 hộ nhưng phải kéo dài đến khoảng 10 tháng mới được giải quyết dứt điểm. Hay như câu chuyện người dân đã nhận nền và cất nhà trong khu tái định cư nhưng không di dời nhà cũ mà tiếp tục yêu cầu được cấp thêm nền do họ có nhiều con. Câu chuyện nghe có vẻ rất vô lý nhưng đang diễn ra tại dự án kè chống sạt lở xã Tân Thuận. Có 4 hộ trong số 16 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, ông Thiện cho biết thêm, đúng là giá cả vật tư tăng có phần ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của huyện, tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính. Mà nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân chậm là công tác chuẩn bị hồ sơ rất chậm. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của huyện do rất bị động, khi có kế hoạch phân bổ vốn mới chuẩn bị hồ sơ. Tuy nhiên, một thuận lợi là các dự án do huyện làm chủ đầu tư gần như không còn khó khăn gì. “Ðến hết tháng 10 năm nay sẽ giải ngân đạt 100% vốn đầu tư công”, ông Thiện khẳng định.
Một câu chuyện khác đang xảy ra tại công trình xây dựng cống Kênh Trẹt, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cho thấy hạn chế của những bên có liên quan. Dù không vướng mặt bằng nhưng trong quá trình thi công xảy ra tình trạng nứt nhà 1 hộ dân, từ đó phát sinh mâu thuẫn. Hộ dân đòi bồi thường 700 triệu đồng trong khi nhà thầu chấp thuận bồi thường 150 triệu đồng. Không thể đạt được thoả thuận, người dân tiến hành cản trở khiến công trình không thể tiếp tục triển khai. Theo ông Tô Quốc Nam, do sơ suất, chủ quan từ nhà thầu thi công, dù công trình chỉ cách nhà dân khoảng 20 m nhưng không tiến hành khảo sát trước khi thi công.
Không chỉ thiếu sự chủ động, nhiều đơn vị tư vấn, thiết kế còn thiếu năng lực khiến không ít dự án phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ dự án. Phải đến 2 lần điều chỉnh là số phận của dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội. Lần điều chỉnh đầu tiên là do di dời từ bờ Nam sang bờ Bắc và lần điều chỉnh thứ 2 là điều chỉnh về quy mô, tức bổ sung hạng mục xây dựng hoàn trả tuyến đường dân sinh, hệ thống thoát nước dọc đường, dài 1.100 m. Nâng tổng mức đầu tư tăng lên trên 140,8 tỷ đồng so với hơn 134,16 tỷ đồng đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 36/NQ-HÐND ngày 6/12/2019 của HÐND tỉnh Cà Mau. Hiện nay, dự án vẫn còn vướng mặt bằng 8 hộ dân trong tổng số 36 hộ bị ảnh hưởng nên hiện nhà thầu chỉ làm cầm chừng.
Những hạn chế trên là nguyên nhân khiến khu vực công nghiệp xây dựng những tháng đầu năm 2021 tăng trưởng âm, kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 1,52%. Ðã đến lúc cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn từ cơ chế, phương pháp quản lý để phục vụ tốt hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
“Sở Kế hoạch và Ðầu tư kết hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thống nhất danh sách các dự án theo dõi đặc biệt, nhất là đối với các dự án trọng điểm, dự án vay ODA, dự án chuyển tiếp, dự án có thời gian giải ngân ngắn, dự án ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, nhiều khu vực để lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi và chỉ đạo”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi chỉ đạo. |
Nguyễn Phú
BÀI CUỐI: MẠNH DẠN “LỘT XÁC”