(CMO) Qua thực tế cho thấy, giảm nghèo hiệu quả khi người dân có sức vóc, chính quyền có quyết tâm. Người dân có lao động, chính quyền địa phương kèm cặp với những phương cách làm ăn, động viên phù hợp sẽ thoát nghèo. Thế nhưng không phải nơi đâu cũng làm được. Ngay tại TP. Cà Mau, người dân nhiều phường vẫn còn nghèo trong khi Phường 2 đã xóa trắng hộ nghèo từ lâu...
Bài 2: Cần có những quyết tâm…
Nằm sâu trong hẻm Bảng Nước Ngọt, cạnh Miếu Bà Chúa Xứ, Khóm 5, Phường 6, TP. Cà Mau là căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo của vợ chồng chị Trần Thị Bích Ngọc và anh Lâm Văn Tý. Căn nhà với diện tích chỉ vài mét vuông.
Cần hướng thoát nghèo
Với gương mặt phờ phạc, lấm lem, một tay đưa đứa con út trên chiếc võng cũ rách, tay còn lại đút cơm cho đứa thứ hai, chị Ngọc thỏ thẻ: “Gia đình tôi mới chuyển về đây được vài tháng, lúc trước ở đậu trong vườn thuốc Nam sau Sân bay, căn nhà còn nhỏ hơn căn này nữa. Do xung quanh cây cối um tùm và nhiều rắn rết, động lòng thương, ông Tám Nam, trụ trì miếu, cho mượn miếng đất này để chúng tôi cất nhà ở”.
Chị Ngọc cho biết, chị xuất thân trong gia đình nghèo ở Phường 4, TP. Cà Mau. Trong một lần đi phụ hồ, chị gặp anh Lâm Văn Tý rồi sau đó nên duyên vợ chồng. Gia đình chồng chị cũng lại là hộ nghèo ở Phường 6, không đất sản xuất và phải ở nhà thuê. Hiểu được trách nhiệm với gia đình, hai vợ chồng trẻ làm đủ nghề để kiếm sống.
Ngịch cảnh cứ thích trêu đùa, cha chồng chị nhiều lần say xỉn về đánh đập, hành hạ mẹ chồng và đuổi anh chị ra khỏi nhà trong lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng.
Không còn cách nào khác, năm 2009, chị Ngọc và anh Tý xin ở đậu mảnh đất của ông Út Lâm, sau đó chuyển đến ở trong vườn thuốc Nam. Hằng ngày chồng chị đi làm phụ hồ, chị ở nhà trông con và đi giặt đồ, rửa chén thuê. Cuộc sống rất khó khăn nhưng cũng đắp đổi qua ngày.
Cuối năm 2015, biến cố ập đến gia đình chị. Trong một lần đi làm về anh Tý bị tai nạn giao thông gãy chân được người dân đưa vào bệnh viện. “Lúc hay tin chồng tôi bị tai nạn giao thông, tôi hoàn toàn sụp đổ. Lúc đó, tôi sắp sinh đứa con thứ 3. Vì hai vợ chồng không biết lấy một chữ, không biết kế hoạch hóa gia đình nên khổ càng thêm khổ”, chị Ngọc nghẹn ngào.
Do không có tiền chữa trị, anh Tý trốn viện về nhà bó thuốc Nam nên vết thương không thể phục hồi. Hiện tại, anh Tý không thể làm nặng và thường xuyên đau nhức. “Tôi chỉ mong là có tiền chỉnh lại khớp chân để đi làm nuôi vợ, nuôi con. Tôi với vợ tôi nghèo khổ quen rồi nhưng muốn 3 đứa con tôi được đi học, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi đành bất lực”, anh Tý xúc động nói.
Không thể làm nặng, hằng ngày anh Tý đi câu cá, giăng lưới bán cho bà con xung quanh. Với thu nhập ít ỏi, cả gia đình bữa đói bữa no. Ông Võ Văn Dũng, hàng xóm của gia đình anh Tý, cho biết: “Hai vợ chồng nó cũng chịu làm ăn lắm. Ngặt nỗi, mấy đứa con còn nhỏ quá, mẹ nó đi làm không ai giữ nên sợ té đìa, té sông. Lúc trước vợ chồng thằng Tý cũng tính đi Bình Dương làm mà gởi con cho cha mẹ nhưng không ai nhận hết, vì bên nào cũng nghèo”.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Vân, chủ tiệm tạp hóa gần nhà vợ chồng anh Tý, chị Ngọc cho biết thêm: “Vợ thằng Tý nó bệnh nan thận mấy năm nay rồi mà nó đâu có chữa trị gì đâu. Thấy tội nghiệp nên tôi bán đồ thiếu cho nó, khi nào nó có tiền thì nó trả lại tôi sau”.
Trước hoàn cảnh này, gia đình chị Ngọc, anh Tý có thể vượt qua khó khăn để lo tương lai cho 3 đứa trẻ hay không? Và liệu rằng chúng có được cắp sách đến trường, được biết mặt con chữ hay giống như ông bà và cha mẹ cứ “lẩn quẩn trong cái nghèo”.
Đây không phải là trường hợp nghèo duy nhất mà khá “phổ biến” ở đây. Con số ấy có khả năng giảm nhiều nếu như địa phương thực hiện tốt phong trào đảng viên định hướng, giúp đỡ các hộ này làm ăn vươn lên thoát nghèo. Nhưng thực tế thì không thấy điều đó.
Bởi khi hỏi về hoàn cảnh của gia đình chị Ngọc, bà Thái Thị Thanh Nguyên, Phó Khóm 5, Phường 6, TP. Cà Mau lắc đầu ngao ngán: “Đối với hộ này thì chúng tôi không thể giúp đỡ. Vì họ đông con lại không chí thú làm ăn nên cơ hội thoát nghèo chỉ có trong mơ mà thôi”.
Bà Nguyên cho biết thêm, cuộc sống của hơn 30 hộ dân trong hẻm Bảng Nước Ngọt có khó khăn nhưng vẫn chưa “ăn thua gì” so với gần 15 hộ dân sống trên nhị tì Khóm 5, Phường 6. Mặc dù định cư ở đây đã rất lâu như hầu hết các hộ này đều không có hộ khẩu, không giấy chứng minh nhân dân. Cũng bởi lý do đó nên họ không thể xin việc làm vào các công ty, xí nghiệp nên “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Gia đình bà Lý Thị Huôl phải chạy ăn từng bữa. |
Sinh sống ở nhị tì Phường 6 hơn 30 năm, bà Lý Thị Huôl chia sẻ: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng thấy cô, chú cán bộ nào đến đây gặp gỡ, hỏi thăm gì hết chớ nói gì đến việc vận động thoát nghèo”.
Chỉ cần có quyết tâm
Cùng ở nội ô thành phố nhưng đa phần đời sống người dân Phường 2 thì tốt hơn rất nhiều. Phường 2 là nơi đầu tiên được UBND tỉnh cấp bằng xóa trắng hộ nghèo, cách đây hơn 10 năm (năm 2005). Mặc dù hành trình xóa nghèo của Đảng ủy Phường 2 gặp không ít khó khăn nhưng bằng sự đồng lòng và nỗ lực, họ đã về đích.
Chia sẻ về kỷ niệm trong quá trình thực hiện công cuộc xóa nghèo, ông Đoàn Thanh Nhã, Bí thư Khóm 5, Phường 2 cho biết: “Vận động những hộ gia đình tham gia tệ nạn xã hội trở nên chí thú làm ăn rất khó. Vậy nên, chúng tôi phải kiên trì, động viên, dùng tình cảm để cảm hóa họ. Sau đó cho họ học nghề rồi vay vốn để phát triển kinh tế. Cứ khoảng vài tuần là chúng tôi tập trung các hộ nghèo lại để khen thưởng những hộ có tiến bộ và nhắc nhở hộ chưa có chuyển biến nhiều. Nhờ vậy mà chỉ trong vòng 2 năm, Phường 2 đã xóa trắng hộ nghèo”.
Thu nhập chính của người dân khu nhị tỳ Phường 6 chủ yếu từ lột tỏi thuê. |
Như trường hợp của bà Mai Thị Lệ Hoa, Khóm 5, Phường 2 đã vươn lên thoát nghèo “ngoạn mục”. Gia đình bà có 8 người con lại tham gia vào tệ nạn xã hội nên cuộc sống rất khó khăn. Hằng ngày, bà phải đẩy xe bán trái cây đi khắp ngõ ngách để kiếm tiền trang trải trong gia đình và nuôi cháu nhỏ. Cứ ngỡ là gia đình bà sẽ là hộ “nghèo bền vững”, nhưng nhờ sự quan tâm và định hướng của các cán bộ, đảng viên địa phương mà bà đã trả lại sổ hộ nghèo.
Bà Mai Thị Lệ Hoa, Khóm 5, Phường 2 vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và sự kèm cặp, động viên của cán bộ, đảng viên Phường 2. |
Bằng số tiền vay hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội, bà Hoa mở sạp bán rau, củ và mua xe máy cho con chạy xe ôm. Nhận thấy gia đình bà Hoa chí thú làm ăn, địa phương xét tặng bà căn nhà Đại Đoàn kết trị giá 40 triệu đồng để tiếp thêm động lực cho gia đình.
Bà Hoa chia sẻ: “Hơn nửa đời người, tôi mới được sống trong căn nhà khang trang như vậy. Thật sự trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình tôi”.
Bà Trịnh Mỹ Cầm, Phó chủ tịch UBND Phường 2, TP. Cà Mau tự hào: “Năm 2003–2004, Phường 2 đã xóa 20 hộ nghèo trên địa bàn. Để làm được điều này, các đảng viên ở các ban ngành, đoàn thể đã dốc sức rất nhiều. Đảng viên đến “gõ cửa” từng nhà vận động, định hướng bà con làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Qua những câu chuyện vừa kể, ở đâu Đảng ủy và chính quyền cơ sở sát cánh cùng người dân trong công cuộc giảm nghèo thì nơi đó bớt đi những mảnh đời cơ cực. Điều kiện vùng đô thị có nhiều việc làm tại chỗ, nếu có sự chung vai, dốc sức như Phường 2, như xã Phú Mỹ, tin rằng sẽ không còn những trường hợp nghèo như chị Ngọc, bà Huôl ở Phường 6… và nhiều hoàn cảnh nghèo ở những nơi khác nữa.
Phùng Ngọc Trầm
Để tránh tình trạng tái nghèo, Đảng ủy Phường 2 có nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội. Các ban ngành, đoàn thể thường xuyên đến gặp gỡ, tặng quà, động viên các hộ còn khó khăn. Tháng 7 vừa qua, Đảng ủy Phường 2 kết hợp với Ban Trị sự miếu Bà Thiên Hậu hỗ trợ 500 kg gạo cho 62 hộ dân và nhiều phần quà thiết thực khác. Bà Trịnh Mỹ Cầm cho biết, Phường 2 có 1.048 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu là kinh doanh thương mại. Bằng sự cố gắng và quyết tâm không ngừng nghỉ, năm 2016, Phường 2 đã được công nhận là “Phường văn minh đô thị”. |