(CMO) Theo thông báo, trong tháng 11 này, Đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) sẽ đến Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của Liên minh Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định. Qua đó, sẽ quyết định việc gỡ hoặc không gỡ “thẻ vàng” cho thuỷ sản Việt Nam.
Là 1 trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, trong 2 năm qua tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp với kỳ vọng sớm được tổ chức này tháo gỡ cảnh báo để khôi phục lại vị thế xuất khẩu.
Cà Mau là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm khai thác thuỷ sản của cả nước, với diện tích được thăm dò và khai thác trên 71.000 km2. Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, 2 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ trong việc khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài đã giảm qua từng năm. Nếu như trong năm 2017 toàn tỉnh có 20 tàu với 110 thuyền viên khai thác trái phép bị các nước bạn bắt giữ, thì năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 15 trường hợp và năm 2019, đến thời điểm hiện tại có 9 trường hợp với 53 thuyền viên bị bắt giữ.
Khai thác thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. |
Cà Mau có đội tàu khai thác thuỷ sản trên 4.925 chiếc, trong đó 1.661 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên, có khả năng khai thác dài ngày trên biển, sản lượng khai thác hàng năm trên 200 ngàn tấn. Ông Bằng cho biết thêm, công tác truy xuất nguồn gốc từ khai thác luôn được kiểm tra chặt chẽ, tỉnh Cà Mau có 2 Cảng cá Sông Đốc và Rạch Gốc được Bộ NN&PTNT công nhận loại II đủ điều kiện bốc dỡ thuỷ sản tại cảng và kiểm soát tàu cá ra vào cảng theo quy định.
Đồng thời, bố trí cán bộ văn phòng mở sổ theo dõi khi tàu cá ra vào cảng thực hiện ghi chép, cập nhật sản lượng, chủng loại thuỷ sản. Qua đó, những tháng đầu năm 2019 đã thu được 917 nhật ký, trong đó có 830 nhật ký khai thác, 87 nhật ký thu mua và chuyển tải.
Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác... đã và đang được quan tâm, được cải thiện. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu được 1.023/1.661 tàu thuộc diện bắt buộc, đạt 61,6%. Trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên đã lắp đặt được 45 chiếc trên tổng số 53 chiếc.
Ông Bằng cho biết thêm: "Theo nhận định của ngành nông nghiệp, việc Liên minh Châu Âu áp dụng "thẻ vàng" là thách thức lớn đối với ngành khai thác thuỷ sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành khai thác thuỷ sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật quốc tế".
Khánh Hội là địa phương có nhiều tàu khai thác thuỷ sản đứng thứ 2 trong tỉnh, sau thị trấn Sông Đốc. Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm lo lắng, nếu lần này đoàn thanh tra của Uỷ ban Châu Âu không xem xét rút lại chiếc "thẻ vàng" với thuỷ sản của Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam gặp khó, khi doanh nghiệp gặp khó thì ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của ngư dân là điều không thể tránh khỏi.
Chia sẻ những khó khăn khuyến nghị từ EC, ông Đảm lo lắng, hiện nay nhiều ngư dân còn ham cái lợi trước mắt, chưa nhận thức mối nguy hại từ việc đánh bắt thuỷ sản trái phép. Vì vậy, giải pháp khắc phục là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân trong việc đánh bắt thuỷ sản hợp pháp.
Đánh giá về triển vọng “gỡ thẻ vàng IUU”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thuỷ sản, chống khai thác IUU qua Luật Thuỷ sản năm 2017 và các văn bản dưới luật được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật thuỷ sản nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện./.
Theo Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, sau 2 năm nghề cá Việt Nam bị Uỷ ban Châu Âu rút "thẻ vàng" cảnh cáo do chưa tuân thủ các quy định hoạt động đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không quản lý (IUU), xuất khẩu thuỷ, hải sản của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD trong năm 2018; Trong những tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 251 triệu USD. Đây là thách thức không nhỏ đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. |
Trung Đỉnh