(CMO) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá không chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong khai thác cũng như xâm phạm vùng biển nước ngoài mà còn hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo lệnh của Chủ tịch UBND tỉnh, chiếc tàu thanh tra thuỷ sản số hiệu VN-96936-KN chở tổ kiểm tra liên ngành nhổ neo rời cửa biển Sông Đốc tiến thẳng ra khơi. Nhiệm vụ của chuyến đi là tìm được tàu mất kết nối để biết nguyên nhân. Từ đó có giải pháp khắc phục tình trạng mất kết nối của thiết bị giám sát hành trình.
"Trò chơi trốn tìm" trên biển
Tàu vừa ra khỏi cửa biển Sông Đốc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều, người được phân công làm Tổ trưởng tổ công tác phát lệnh cho Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thủ tiến thẳng về khu vực Nhà giàn DK1/10, khu vực được kỳ vọng sẽ tìm được các tàu mất kết nối đang hoạt động.
“Chuyến công tác này không chỉ để kiểm tra việc lắp đặt, khắc phục tình trạng mất kết nối, niêm phong thiết bị giám sát hành trình tàu cá mà còn kiểm tra, tuyên truyền ngư dân thực hiện các quy định của Luật Thuỷ sản cũng như xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản... Do đó, đòi hỏi các thành viên trên tàu phải nỗ lực hết mình vượt qua những khó khăn trong điều kiện làm việc trên biển để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Triều một lần nữa quán triệt tinh thần chuyến công tác với tất cả các thành viên trong đoàn.
Sau hơn 10 giờ lênh đênh trên biển, cuối cùng tàu cũng đến được khu vực bãi cạn. Lúc này trời đã sập tối, tàu thả neo để 21 thành viên trên tàu ăn tối và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ngày dài hôm sau, ngày mà các thành viên tổ công tác tham gia “trò chơi trốn tìm" với các tàu cá trên biển. Dù đã mệt lả nhưng các thành viên trong tổ công tác tranh thu ngồi lại với nhau để bàn phương án truy tìm tàu mất kết nối vào ngày hôm sau trong sự chao đảo liên tục theo từng cơn sóng biển. “Tìm được tàu mất kết nối giữa biển khơi gần như mò kim đáy biển”, một thành viên trong đoàn công tác so sánh vui. “Biết là khó nhưng phải nỗ lực hết mình”, ông Triều động viên.
Hoạt động kiểm tra trên biển của tổ công tác truy tìm tàu mất kết nối. |
Khi mặt trời vừa ló dạng, trong những tia sáng còn mập mờ, tôi thấy ông Triều cặm cụi bên chiếc laptop dò tìm vị trí của các tàu khai thác thông qua hệ thống quản lý tàu cá. Sau một hồi ghi ghi chép chép bỗng anh đứng bật dậy và ra lệnh cho các anh em nghiệp vụ (thanh tra chuyên ngành thuỷ sản và cán bộ kỹ thuật, các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình) mặc đồng phục xuống ca nô. Tài công ca nô là anh Hồ Hữu Phước nổ máy tiến thẳng về toạ độ 23-40, vị trí được xác định có một số tàu đang hoạt động.
Chiếc ca nô cập sát tàu cá số hiệu CM 91708 TS do tài công Nguyễn Minh Chiến, thị trấn Sông Đốc điều khiển. Sau một hồi kiểm tra các loại giấy tờ, như giấy chứng nhận an toàn tàu cá, giấy phép khai thác, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, niêm phong thiết bị…, tất cả đều được đánh giá là khá tốt.
Sau hơn 2 tháng gắn thiết bị giám sát hành trình trên tàu, tài công Nguyễn Minh Chiến chia sẻ, thiết bị giám sát hành trình đã giúp hoạt động nghề thuận tiện hơn. Trong lúc hoạt động có lúc tài công không biết mình đang đến vùng chồng lấn hay đã vi phạm vùng biển nước ngoài thì được cơ quan Nhà nước cảnh báo nhắc nhở và gọi về. Đây là thiết bị rất cần để anh em không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trong số các vụ vi phạm vùng biển nước ngoài đã qua có những trường hợp cố tình nhưng cũng không ít trường hợp vô tình. Ngư dân Đặng Văn Thịnh, thuyền viên tàu CM 91708 TS, chia sẻ thêm, dù nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển hiện đã giảm rất nhiều so với trước, nhưng anh em ngư phủ hầu như không ai muốn xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác có khi say đuổi theo luồng cá tôm mà vi phạm lúc nào không biết.
Rời tàu cá CM 91708 TS, chiếc ca nô đưa tổ kiểm tra cập khoảng 20 phương tiện khác trong 2 ngày neo trên biển. Tuy nhiên, mục tiêu tìm tàu có thiết bị giám sát hành trình mất kết nối không đạt được. Hầu như các tàu được gắn thiết bị đều có tín hiệu khá tốt, số còn lại thì chưa được lắp đặt. Đúng như nhận định ban đầu đây là "trò chơi trốn tìm" trên biển.
Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trước khi ra khơi. Ảnh: Nguyễn Phú |
Chỉ đăng kiểm khi đã có thiết bị giám sát hành trình
Hiện nay, đội tàu khai thác của tỉnh khoảng 4.844 phương tiện, trong đó có 1.600 tàu thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Qua những nỗ lực và bằng nhiều giải pháp đến nay đã có hơn 382 phương tiện được gắn thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, tỉnh đã thành lập được Trung tâm điều hành giám sát tàu cá do Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý, vận hành.
Hệ thống này được xây dựng một cách khá hiện đại và chi tiết. Ông Phạm Văn Quản, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Zunibal Việt Nam, là 1 trong 3 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình hiện nay trên địa bàn tỉnh cho biết, thiết bị giám sát hành trình như là hộp đen. Tất cả mọi thông tin từ ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại cũng như tình trạng tàu đang hoạt động ở kinh độ, vĩ độ nào... đều được báo về trung tâm quản lý và chủ phương tiện.
Không chỉ vậy, thiết bị còn nhận thông tin bão, áp thấp nhiệt đới, có nút ấn khẩn cấp khi tàu gặp nạn. Từ đó, nếu trung tâm phát hiện có phương tiện đang hoạt động gần vùng biển giáp ranh với các nước, Bộ đội Biên phòng sẽ kêu gọi phương tiện quay trở lại. Tàu nào cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào dữ liệu này để xử lý.
Mặc dù có thể nói thiết bị giám sát hành trình mang lại khá nhiều tiện ích cho ngư dân, nhưng trên thực tế chủ phương tiện chưa thật sự mặn mà. Và con số đến nay chỉ lắp đặt được 382 phương tiện đã cho thấy điều đó. Không chỉ vậy, số tàu được gắn thiết bị hiện nay bị mất kết nối còn khá cao, có lúc lên đến 30-40 phương tiện.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, ông Triều cho rằng ngành sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và các đơn vị có liên quan trong vấn đề quản lý khai thác thuỷ sản, cũng như việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn nữa những giải pháp tiến tới tháo thẻ vàng cảnh báo của Uỷ ban châu Âu.
Một giải pháp được đưa ra và đang được tỉnh kiên quyết thực hiện là tận dụng đối đa hoạt động đăng ký, đăng kiểm. Theo ông Triều, UBND tỉnh đã cho chủ trương và trong Luật Thuỷ sản cũng đã có quy định rõ, những tàu cá thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình khi nào có lắp đặt, được niêm phong và có tín hiệu duy trì mới tiến hành kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy chứng nhận khai thác thuỷ sản cho phương tiện đó. Bởi lẽ, máy giám sát hành trình cũng là một trang thiết bị an toàn của tàu cá.
Mục tiêu tỉnh đưa ra là đến cuối năm 2019, có khoảng 70-80% tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được trang bị thiết bị này./.
Nguyễn Phú