Trong quyển nhật ký, Quốc Tiến có nói đến mối tình giữa mình và người phụ nữ tên Kim Ánh bằng một thái độ trân trọng và một tình yêu mãnh liệt, thiết tha. Quyển nhật ký ông Ba Trân có được cũng do Quốc Tiến gởi lại nhờ trao cho Kim Ánh. Tuy nhiên, sau khi chia tay và Quốc Tiến hy sinh, ông Ba Trân cũng chuyển nơi đóng quân nên không có điều kiện tìm gặp được Kim Ánh để thực hiện tâm nguyện của bạn mình.
LTS: Báo Cà Mau số 2692 và 2693 (phát hành ngày 15 và 17/11/2014) có đăng bài “Người giữ nhật ký đồng đội gần 45 năm” kể về câu chuyện ông Thái Huyền Trân (Ba Trân, quê Cà Mau, là cán bộ trinh sát kỹ thuật Quân khu 9) đã giữ quyển nhật ký của người bạn, người đồng đội hy sinh gần 45 năm và đã nỗ lực tìm kiếm trao lại tận tay gia đình đồng đội mình. Người đồng đội ấy là liệt sĩ Ðinh Văn Màu (Quốc Tiến), quê ở Trà Vinh, ngã xuống trong một trận chống càn năm 1970.
Trong quyển nhật ký, Quốc Tiến có nói đến mối tình giữa mình và người phụ nữ tên Kim Ánh bằng một thái độ trân trọng và một tình yêu mãnh liệt, thiết tha. Quyển nhật ký ông Ba Trân có được cũng do Quốc Tiến gởi lại nhờ trao cho Kim Ánh. Tuy nhiên, sau khi chia tay và Quốc Tiến hy sinh, ông Ba Trân cũng chuyển nơi đóng quân nên không có điều kiện tìm gặp được Kim Ánh để thực hiện tâm nguyện của bạn mình.
Biết được câu chuyện cảm động trên, người bạn của ông Ba Trân là Nhà báo Nguyễn Thanh Xuân (trước làm ở Báo Kiên Giang, giờ đã nghỉ hưu) đã bỏ công sức tìm kiếm được bà Kim Ánh. Và... nhiều điều hết sức bất ngờ, có thể coi là “kết thúc có hậu” của câu chuyện cuộc đời này.
Những ngày tìm kiếm
Khi tìm gặp và trao lại quyển nhật ký cho gia đình Quốc Tiến (bấy giờ chỉ còn duy nhất một người cháu ruột là Ðinh Văn Bắc - nhà Quốc Tiến có 5 người: cha, mẹ, Tiến và hai người anh, tất cả đều đã hy sinh), điều ông Ba Trân còn canh cánh là chưa tìm gặp được cô Kim Ánh. “Hồi đó Tiến nhờ trao nhật ký cho Kim Ánh để Kim Ánh tìm, trao cho gia đình là Tiến đã coi Kim Ánh như người trong nhà. Qua đó cũng muốn Kim Ánh biết được tình cảm mình với cô, cũng như thanh minh lý do mình ra đi mà không kịp nói lời từ biệt”, ông Ba Trân trần tình. Vì vậy, khi không làm tròn được lời hứa với bạn, ông thấy lòng luôn áy náy.
Bà Kim Ánh cùng con trai. Ảnh: Huyền Trân |
“Tôi cũng đã nỗ lực tìm kiếm rất nhiều, nhưng cũng không rõ quê quán, chỉ nhớ mang máng là cô ở Ðập Ðá hay Cống Ðá gì đó ở Kiên Giang”, ông Ba Trân bảo. Cùng với nghe ngóng thông tin, hỏi thăm qua nhiều người, ông còn nhờ bạn bè quê Kiên Giang hoặc ngày trước công tác chung hay quen biết qua trung gian giúp tìm hộ. Nhưng tất cả đều trôi đi trong vô vọng.
Một lần, cố điểm danh lại những người quen biết, ông chợt nhớ đến bà Nguyễn Thanh Xuân, quê Rạch Giá (Kiên Giang). Thế là ông lần tìm số điện thoại và gọi nhờ bà Xuân giúp đỡ.
“Nghe anh Ba Trân kể câu chuyện, tôi xúc động vô cùng và hứa sẽ quyết tâm tìm kiếm”, bà Xuân chia sẻ. Bà bảo, qua hỏi thăm nhiều người, bà tìm đưọc 3 người có tên Kim Ánh. Loại trừ dần, cuối cùng còn 1 người tên Kim Ánh ở Ðập Ðá, nhưng lại có 1 đứa con. Ngờ ngợ, bà nhờ người bạn là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Vĩnh Thuận đến tìm hiểu cặn kẽ người này.
“Thấy đúng như anh Ba Trân kể, lại thêm một bất ngờ là hai người còn có với nhau đứa con, tôi mừng quá, điện báo ngay với anh Ba Trân. Chỉ không có xài điện thoại, thằng con có, cháu tên Khoa, tôi kêu Khoa lên Google đánh tên phim Ðài PT-TH Vĩnh Long làm nói về việc anh Ba Trân tìm gặp gia đình và trao cuốn nhật ký cha nó. Nó chạy ra tiệm net tìm kiếm. 9 giờ rưỡi đêm nó chạy về nói với mẹ nó…”, còn nguyên vẹn niềm vui, bà Xuân kể.
“Hôm sau mẹ nó gọi cho tôi trong nước mắt. Qua câu chuyện mẹ nó kể thì tôi khẳng định đúng là Kim Ánh mà anh Ba Trân cần tìm”, bà Xuân kể tiếp.
Cuộc hội ngộ nghĩa tình
“Sau khi có được thông tin và khẳng định chắc người, tôi đã gởi 2 đĩa phim và cuốn nhật ký phô-tô qua cho mẹ con Kim Ánh. Ngày 29/5 vừa qua, Khoa đã chở mẹ cháu qua nhà tôi. Dù hồi đó chỉ gặp 1-2 lần nhưng tôi nhận ra Ánh ngay. Ánh vẫn còn phảng phất nét đẹp của ngày xưa. Còn cháu Khoa thì giống Quốc Tiến lắm. Vậy là mừng lắm rồi. Phần còn lại là làm cầu nối để cho Khoa gặp gia đình bên nội, thăm mộ, thắp nhang ông bà và cha nó và lo chuyện thờ phượng sau này”, ông Ba Trân tâm tình.
Tôi gọi điện thoại cho anh Khoa và anh Bắc, cả hai đều rất vui mừng về sự kiện này, họ đang sắp xếp để anh em được gặp nhau.
Bà Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ: “Câu chuyện này hết sức xúc động. Những năm 1970-1971, chiến tranh ác liệt, bọn giặc thực hiện chiến dịch nhổ cỏ U Minh. Và họ đã chia tay nhau đi chiến đấu trong tình cảnh như thế. Tôi cũng biết được nhà liệt sĩ Tiến chỉ còn mình cháu Bắc, giờ còn lại giọt máu của Tiến, vậy là quý vô cùng rồi. Coi như là kết thúc có hậu. Liệt sĩ Tiến còn lại đứa con trên đời, cháu sẽ tìm về cội nguồn, dòng họ…”.
Hỏi về mối quan hệ với ông Ba Trân, bà Xuân kể, trước đây ông Ba Trân có thời gian đóng quân nơi nhà bà (ở Kiên Giang). Lúc đó bà là cô bé 15 tuổi, rất thương mến các anh, các chú bộ đội. Khoảng 1 tháng sau, bà quảy ba lô đi Cà Mau học Trường Lý Tự Trọng. Mấy năm sau, có gặp lại ông một lần ở Cà Mau. Rồi mãi đến cách đây khoảng 10 năm, anh em tình cờ gặp lại một lần nữa. Bà có cho số điện thoại và ông vẫn giữ đến giờ. Và nhờ vậy mà có cuộc hội ngộ nghĩa tình này. Và bà bày tỏ: “Tôi phục anh Ba Trân ở việc sống có tình nghĩa, trách nhiệm. Anh đã giữ kỷ vật của người bạn mấy chục năm xem như là báu vật và tìm trao lại được cho gia đình. Giờ lại tìm được mẹ con chị Ánh. Ðối với người đã khuất đây là điều hết sức thiêng liêng…”.
Ðược biết, thời gian qua, ông Ba Trân còn làm được một việc hết sức nghĩa tình là cất công đi tìm kiếm được mộ của người đồng đội đã hy sinh. Ông bảo, “mình may mắn còn sống, phải có trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, với những người đã ngã xuống”. Có lẽ cũng vì vậy mà ngôi nhà ông là điểm hẹn thường xuyên của bạn bè thời chiến đấu. Tốn kém ông không màng. Vợ ông cũng hiểu và chia sẻ cùng chồng.
Cổ tích một chuyện tình
Gặp lại bà Kim Ánh sau một tuần biết tin về liệt sĩ Tiến, vậy mà bà vẫn còn hết sức bàng hoàng. “Mấy hôm rày khỏi ăn khỏi ngủ. Buồn lắm! Tôi không nghĩ là ảnh đã hy sinh…”, bà bùi ngùi.
Và bao kỷ niệm xưa tưởng mãi chôn vùi, chợt sống dậy: “Hồi đó anh Tiến ảnh thương tôi lắm. Tình thương ảnh đặc biệt, ảnh thương, ảnh quan tâm, chăm sóc và hướng dẫn, dạy bảo tôi đủ điều. Bạn bè ai cũng thán phục”.
Bà Ánh sống với chồng sau được 4 người con, và hai người đã chia tay nhau cách đây hơn 5 năm. Anh Khoa sinh được 2 người con và đã có cháu ngoại. Bà giờ đã lên chức cố. Hằng tháng, ngoài tiền trợ cấp thương binh 1.700.000 đồng, bà bán tnước giải khát lấy tiền trang trải. Thông tin từ ông Ba Trân: Vào trung tuần tháng 6 này, sẽ tổ chức cho mẹ con anh Khoa và anh Bắc gặp nhau. Ðịa điểm, tại nhà ông Ba Trân. “Ðược như vậy là tôi cũng đã trọn nghĩa trọn tình với bạn mình”, ông Ba Trân trần tình. |
“Hồi đó tóc tôi dài. Ảnh trực đêm ngày, vậy mà ra ca còn làm kẹp bồ câu tặng tôi. Ảnh làm khéo và làm nhiều kẹp lắm. Ảnh nói tôi kẹp lên cho gọn, khỏi vướng víu khi chăm sóc bệnh nhân”.
“Hồi đó tôi ham đi chiến đấu. Tôi và mấy đứa bạn rủ nhau đăng ký đi chiến đấu. Tôi nói với ảnh, ảnh không cho, nói là tôi còn nhỏ. Ðã hứa với bạn bè rồi, giờ vì người yêu mà không đi tụi nó cười chết. Mà mình cũng muốn đi. Vậy là tôi năn nỉ, thuyết phục ảnh. Cuối cùng ảnh đồng ý cho tôi đi…”.
“Hồi đó ảnh là người chu đáo, hai đứa đi chơi, đi qua con đường khó hay lội con mương ảnh đều cõng tôi…”.
“Hồi đó tôi cũng có nhiều người thương, ảnh so ra không đẹp trai bằng những người kia, nhưng ảnh thương tôi lạ lùng. Và không hiểu sao tôi cũng chỉ thương có mình ảnh”.
Cứ thế, bà cứ miên man trong miền nhớ với bao lời lẽ trìu mến, thân thương khi nhắc về người yêu mình.
Rồi bà chợt buồn, ray rứt: “Cả ba lô với bao nhiêu thư từ, kỷ vật ảnh tặng, tôi bị mất hết trong trận chiến đấu ở lộ Vòng Cung”.
Bà phân trần: “Việc ảnh quen tôi, ba tôi và mấy cậu đều biết. Ba tôi là Trần Văn Cư, lúc đó công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 9, mấy cậu cũng làm ở Quân khu. Ảnh để ý tôi cũng lâu lắm, khi ảnh nói thương tôi, tôi hỏi ý kiến ba tôi và ông cho hai đứa tìm hiểu nhau. Sau này, chiến tranh càng ác liệt, thấy hai đứa thương nhau quá, gia đình cho phép tới lui. Và khi đó anh ra đi…”.
Không được tin của người yêu, kết quả của những ngày nồng ấm là bào thai ngày một lớn. Khi thai được 7 tháng, sợ nguy hiểm cho mẹ và con, thủ trưởng đơn vị cho bà lui về tuyến sau. Khi đó bà xin xuất ngũ lo chuyện sinh nở.
Là phụ nữ, bà Nguyễn Thanh Xuân thấu hiểu: “Câu chuyện đẻ con không chồng, không đám cưới, thì nói ai nghe được!”. Không thanh minh được, vừa phải đối mặt với miệng đời, đối mặt với bom đạn và những điều kiện khó khăn thời chiến tranh, lại vừa phải xoay xở nuôi con, bà chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng với niềm mong đợi lớn nhất là chồng trở về. Nhưng một ngày, một tháng, một năm, rồi hai, ba, bốn năm… chồng vẫn bặt vô âm tính. Rồi hoà bình, niềm hy vọng càng nhân lên. Nhưng một năm, hai năm vẫn đợi chờ trong vô vọng. Cuối cùng bà đành đi bước nữa. “Lúc đó tôi nghĩ chắc anh có gia đình rồi, không còn hy vọng gì”, bà trần tình.
***
Chiến tranh đã gây bao mất mát, tang thương. Nhưng có những nỗi đau được xoa dịu chính bằng tình yêu thương, trách nhiệm của những người đồng chí, đồng đội và các thế hệ sau này. Và câu chuyện trên cũng là một câu chuyện cổ tích, mà phép màu dệt nên câu chuyện ấy chính là tình đời, là trách nhiệm của người còn sống. Tin rằng, còn nhiều điều kỳ diệu như thế xảy ra, để những hy sinh không là vô nghĩa
Trang Anh