(CMO) Miền đất phương Nam: “... Trời xanh mây trắng soi dòng Cửu Long Giang, mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh..." sâu nặng ân tình như bài ca đi cùng năm tháng.
Miền đất phương Nam in đậm dấu chân, hồn thiêng người xưa đi mở cõi, "đã trải qua thăng trầm dông tố, qua bao cuộc bể dâu" vẫn vững vàng như cây đước, cây tràm nơi đầu sóng ngọn gió, chống chịu với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại, kiên cường, anh dũng, "thành đồng Tổ quốc" chống giặc ngoại xâm để son sắt một lòng với tổ tiên đất Việt. Như Bác Hồ đã khẳng định: "Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
Miền đất phương Nam - nơi cực Nam xa xôi của Tổ quốc - tuy xa mặt nhưng không cách lòng. Càng khó khăn gian khổ, càng vững niềm tin tất thắng với khát vọng cháy bỏng thống nhất non sông. Khi đất nước thống nhất, độc lập, tự do, trong bối cảnh mới, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" nơi vùng đất phương Nam càng cháy bỏng với nỗi niềm mong đợi thiết tha.
Ðã gần 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, độc lập, tự do, mục tiêu "đến năm 2025 Việt Nam là nước phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp" đã đến rất gần, nhưng vùng đất phương Nam - ÐBSCL, dù có lạc quan đến mấy thì cũng phải thừa nhận thực tế ÐBSCL đang là vùng trũng về phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng giao thông còn trắc trở; hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hoá… dù được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu thốn, nghèo nàn. Ðặc biệt là nguồn nhân lực chưa thể bằng nhiều khu vực khác và không phải là nơi thu hút được sự hội tụ của nhân tài.
ÐBSCL được mệnh danh là vựa lúa, trái cây, thuỷ hải sản, nhiều sản phẩm nông nghiệp và sản vật đặc sản, là "niêu cơm" nuôi sống không chỉ người Việt mà còn hàng triệu người trên thế giới. ÐBSCL có những đóng góp quan trọng sức người, sức của cho đất nước thời chiến tranh và thời hoà bình. Nhưng đến nay, nông nghiệp ÐBSCL cơ bản vẫn là nền nông nghiệp "cơ bắp - tình thương - giải cứu" vì rất dễ tổn thương. Ðiệp khúc "được mùa - bội thu - mất giá - giải cứu" vẫn là điệp khúc quen thuộc. Thu nhập bấp bênh nên một bộ phận không nhỏ người dân ÐBSCL không thể sống nổi với đồng ruộng đã khăn gói tha phương cầu thực. Và khi gặp biến cố lớn (dịch Covid-19), họ lại lũ lượt kéo về quê nhà với hai bàn tay trắng…
Mặc dù đã có rất nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển bền vững vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng hiện nay nơi đồng bằng sông nước đang đứng trước nhiều nguy cơ thiếu nước ngọt, hạn mặn, sạt lở, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Thực tế này làm cho vùng đất phương Nam thêm rối rắm, ứng phó trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Có lúc tưởng chừng như bị hụt hơi, bởi thiên tai và nhân tai tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro luôn hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày trong sự chờ mong "phép màu" của người dân vùng sông nước.
Thiên nhiên đã "vật đổi sao dời", hoàn cảnh cũng đã đổi thay, sao vùng đất này vẫn chậm thay đổi? Thời gian qua mau, những nỗ lực thay đổi cuộc sống của người dân ÐBSCL là rất lớn, nhưng cũng còn quá nhiều việc phải làm. Nỗi trăn trở lớn nhất vẫn là làm gì để vùng đất này trở thành nơi phát triển năng động, xứng tầm của quốc gia? Làm gì để tạo ra cơ hội sinh lợi, làm giàu ngay tại vùng sông nước này? Làm gì để vùng đất phương Nam trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống giao thông thuỷ bộ, trên không, trên biển thông suốt, kết nối giao thương quốc tế với cảng nước sâu, trung tâm logistics, hệ thống năng lượng tái tạo? Làm gì để có nhiều công trường, công xưởng, xí nghiệp, nhà máy kỹ nghệ cao chuyên sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn ngon và nhiều sản phẩm nông nghiệp thuận thiên, xanh, sạch, thông minh... mang thương hiệu ÐBSCL cho cả thế giới. Làm gì để vùng đất này trở thành nơi có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ thân thiện với môi trường, gần gũi với thiên nhiên, điểm đến của du khách thập phương… Ðược như thế, người dân đất phương Nam mới khấm khá, làm giàu, sánh vai với nhiều khu vực khác trong cả nước, không phải khăn gói ra đi tha phương cầu thực.
Cơ hội đến, vùng đất phương Nam lại đứng trước thách thức mới. Ðó là khi những tuyến đường cao tốc đang được nối dài đến miền sông nước và còn nhiều kết nối khác hứa hẹn đường về ÐBSCL không còn đò giang cách trở, sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ hội làm giàu kéo về ÐBSCL khi nhu cầu cuộc sống của người Việt đã thay đổi, từ ăn no, mặc ấm đến ăn ngon, mặc đẹp và trong tương lai là ăn dinh dưỡng, mặc thời trang. Nhưng làm gì và làm như thế nào để người dân nơi này phải là những người đầu tiên tạo dựng được cơ hội đổi đời cũng quan trọng không kém. Làm sao để ÐBSCL không chỉ thu hút được nhân tài từ các nơi đổ về, cùng giúp người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh cùng làm giàu mà còn kéo người dân từ tứ xứ kiếm sống trở về quê nhà. Nhiệm vụ lớn nhất là không để người dân ÐBSCL với hai bàn tay trắng nhìn cơ hội đang đến với vùng đất này trôi qua.
Toàn cảnh khu Du lịch Mũi Cà Mau, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Văn Truyền. |
Vì vậy, rất cần những người lãnh đạo, dẫn dắt có tâm, có tài và có tầm; có tư duy đột phá sáng tạo, am hiểu miền sông nước, thấu cảm với người dân ÐBSCL, thấu hiểu những gì mà xứ sở này sẽ phải đối mặt để kiến tạo chiến lược lâu dài với những chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì, khả thi... Từ đó, để gánh vác trọng trách biến giấc mơ, khát vọng của người dân ÐBSCL thành hiện thực, làm cho vùng đất phương Nam trở thành nơi đáng sống, sâu nặng ân tình.
Mùa xuân về với miền đất phương Nam, ước mơ, khát vọng cũng theo về. Mong sao cho những ước mơ, khát vọng sớm thành hiện thực, xứng tầm là vùng đất "chín rồng". Mong sao cho miền đất phương Nam dù có xa xôi nhưng không còn cách trở./.
Thiếu tướng Ðoàn Thanh Xuân, Phó Chính uỷ Quân khu 9