ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 12:04:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khi rừng được "cởi trói" - Bài 2: Hiện thực hoá giấc mộng “rừng vàng”

Báo Cà Mau (CMO) Khi tiềm năng được khai thác đúng hướng, khát vọng đổi đời được khơi dậy đúng lúc đã tạo nên sức mạnh giúp người dân trong lâm phần rừng U Minh thực hiện thắng lợi giấc mộng “rừng vàng”. Ðể giờ đây mỗi lần về lại U Minh, không ít người phải thốt lên trong sự ngỡ ngàng về những đổi thay mau chóng.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn ươm keo lai cấy mô, những khu vực rừng keo được quy hoạch trồng để lấy gỗ lớn đã hơn 2 năm tuổi, Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm…, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ Trần Văn Hiếu tâm huyết: “Ðây là nhân tố quan trọng giúp người dân đổi đời thời gian qua và sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong thời gian tới nếu được đầu tư đúng cách”.

Diệu kỳ câu chuyện làm giàu

Cơ chế được thay đổi, rừng được cởi trói, tiềm năng sức người, giá trị kinh tế rừng được phát huy tối đa đã viết lên những câu chuyện ly kỳ trong hành trình mưu sinh nơi đây. Những màu sắc trắng, xanh, vàng… từ các bức tường bê-tông, tôn lợp nằm xen lẫn trong vườn cây ăn trái, hoa màu, cây kiểng làm cho bức tranh nông thôn trên tuyến kênh 25 càng rực rỡ hơn. Tuyến kênh 25 đi qua Ấp 11 và Ấp 12, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, dù chỉ dài hơn 4 cây số nhưng hiện nay đã có hơn 10 căn nhà rộng rãi, khang trang. Ðặc biệt, xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, cây cảnh, ao cá, nối tiếp phía sau là những cánh rừng bạt ngàn, nào là keo lai, tràm Úc và tràm nước được trồng thẳng tắp trên bờ liếp, những bờ chuối sum suê… là điểm cuốn hút lớn nhất mỗi khi được trở lại đây.

Rừng tràm U Minh Hạ được đánh giá là nơi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.

Thở phào nhẹ nhõm khi công tác phòng chống cháy rừng mùa khô năm nay đã qua, ông Tám Thành (Nguyễn Minh Thành), Ấp 11, xã Khánh Lâm, lại tiếp tục lên kế hoạch làm giàu. Giờ, hơn 5 ha rừng được ông kê liếp trồng thâm canh tràm Úc cùng nhiều nguồn thu khác, từ rau màu đến cây ăn trái. Mỗi năm gia đình ông Tám Thành thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn thu này, ông xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Tuy nhiên, đối với ông Tám Thành, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ khi chia sẻ: “Thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng mỗi năm ở đất rừng này hiện nay nhiều hộ lắm, mình có là gì đâu, có cơ hội làm giàu thì phải tận dụng tối đa chớ”. Nói đến đây ông Tám Thành chỉ ra phía sau nhà, cho biết vừa mới cải tạo thêm vài cái ao, mấy liếp đất để nuôi thêm cá đồng và trồng thêm cây ăn trái. “Phấn đấu thu nhập phải từ 300 triệu đồng mỗi năm”, ông Thành tự tin chia sẻ.

Hiện nay, giá cây rừng đang giảm mạnh, người trồng rừng gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm gỗ, tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì câu chuyện mưu sinh của người dân lâm phần trong khoảng 10 năm trở lại đây là vô cùng kỳ diệu.

Sự kỳ diệu trong hành trình mưu sinh của người dân lâm phần được thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ giảm nghèo của huyện trong hơn 5 năm qua. Con số khoảng 21,69% hộ dân trên địa bàn huyện U Minh thuộc diện nghèo vào năm 2015 khiến nhiều người khi ấy nghe mà không khỏi chạnh lòng. Khi ấy, không ít hộ phải lâm cảnh cháo rau qua ngày lúc vào mùa giáp hạt. Thế nhưng, giờ đã hoàn toàn khác, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 2,84%. Con số 18,85% thoát nghèo trong khoảng 5 năm là điều kỳ diệu thật sự.

Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản nhận định, huyện xác định ngành hàng gỗ là 1 trong 4 ngành hàng chủ lực của huyện, từ đó tiến hành xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng gỗ. Theo đó, UBND huyện thực hiện quy hoạch lại đất đai; rà soát, phân loại rừng, phân chia khu vực, bố trí sản xuất phù hợp từng vùng; đa dạng hoá đối tượng rừng trồng nhằm mở rộng diện tích trồng rừng thâm canh để người dân phát triển kinh tế từ việc trồng rừng. Tận dụng bờ bao, bờ liếp lâm phần trồng chuối, các loại cây ăn trái, cây công nghiệp để tăng thu nhập cho nông hộ.

Hiện nay, diện tích rừng trồng theo hình thức kê liếp thâm canh đang phát triển nhanh.

Ðột phá diện mạo nông thôn

Hẳn không chỉ những người gắn bó mấy mươi năm với vùng rừng U Minh Hạ như ông Tám Thành, Sáu Thắng, mà ngay cả thế hệ 8X, 9X không sao quên được hình ảnh ngọn đèn dầu leo lét phía trong những căn nhà được xây cất bằng cây lá địa phương tại các tuyến dân cư trong lâm phần trước đây. Trong dòng hồi ức của ông Sáu Thắng, những năm 1990, khi mới vào đây nhận khoán đất rừng là hình ảnh lau, sậy và cỏ dại. Nhìn ra phía kênh tuyến 93 trước nhà, ông Sáu Thắng kể: "Những năm đó, dưới kênh 93 toàn lục bình, nhiều đến nỗi có thời điểm một người lớn lội ngang mà không ướt quần, còn trên bờ chỉ cần đứng cách nhau vài mét là đã hết nhìn thấy".

Nhìn những chiếc ghe chở cây rừng qua lại dưới kênh tuyến 93, trên bờ những chiếc xe tải, xe ô-tô, xe máy qua lại dập dìu, tốp mang những mặt hàng thiết yếu từ huyện, tỉnh vào bán cho người dân, số vào thu mua nông sản đi tiêu thụ khiến ông Sáu Thắng không khỏi xúc động khi chia sẻ: “Hình ảnh này trước đây có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Không phải riêng tôi mà nhiều bà con nơi đây đều không thể nghĩ rằng sẽ có một ngày tuyến 93 này có đường nhựa, điện lưới quốc gia như bây giờ”.

Không riêng tuyến 93, nhiều tuyến khác trong lâm phần từ huyện U Minh cho đến Trần Văn Thời, xe ô-tô, xe tải đến được tận nhà dân để thu mua nông sản, trao đổi hàng hoá. Sự phát triển về hạ tầng nông thôn trong lâm phần U Minh Hạ nói chung và huyện U Minh nói riêng được xem là thành tựu nổi bật. Từ xuất phát điểm gần như chưa có gì, đến nay toàn huyện U Minh có hơn 167 km đường ô-tô, 574 km đường bê-tông. Hệ thống giao thông được kết nối từ các cụm, tuyến dân cư đến UBND xã, huyện và tỉnh.

Giao thông thuận lợi thúc đẩy hoạt động giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, hưởng thụ văn hoá. Khi đời sống phát triển ổn định, sự đóng góp của người dân vào hạ tầng nông thôn ngày một nhiều hơn. Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, chỉ trong giai đoạn từ 2015-2020, huyện đã huy động các nguồn lực đầu tư với số tiền hơn 191 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trường học, xây mới và duy tu, sửa chữa lộ giao thông, cầu…

Hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho kinh tế lâm nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới, để từ đó cùng chính quyền địa phương tiếp tục thay da đổi thịt, chung sức làm toả sáng miệt rừng U Minh.

Trên nền tảng đã đạt được thời gian qua, huyện U Minh đặt ra mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, với thu nhập bình quân đầu người 68 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo mới) còn 2% trở xuống… Ðể đạt được những mục tiêu này, Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản cho biết: "U Minh có chính sách khuyến khích người dân đa dạng hoá đối tượng cây trồng, vật nuôi. Ðặc biệt là trồng rừng từ giống cấy mô để tăng nhanh sản lượng, rút ngắn chu kỳ khai thác, cũng như phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị gia tăng sản phẩm gỗ".

 

Nguyễn Phú

Bài cuối: KHI RỪNG TRỞ THÀNH... VÀNG

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.