Dự án đưa hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vào khu tập trung tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (giai đoạn 2014-2016) được UBND huyện phê duyệt hơn 1 năm. Thế nhưng, hiện nay dự án mới hoàn thành 2 hạng mục là hỗ trợ di dời nhà, đắp nền nhà và đang triển khai thực hiện hạng mục hỗ trợ cất nhà ở. Một trong những nguyên nhân làm tiến độ thực hiện dự án chậm là do thiếu nguồn vốn.
Dự án đưa hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vào khu tập trung tại ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (giai đoạn 2014-2016) được UBND huyện phê duyệt hơn 1 năm. Thế nhưng, hiện nay dự án mới hoàn thành 2 hạng mục là hỗ trợ di dời nhà, đắp nền nhà và đang triển khai thực hiện hạng mục hỗ trợ cất nhà ở. Một trong những nguyên nhân làm tiến độ thực hiện dự án chậm là do thiếu nguồn vốn.
Theo quyết định phê duyệt của UBND huyện, ngày 8/4/2014, tổng nguồn vốn thực hiện dự án trên là 1,1 tỷ đồng (từ nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay của tỉnh). Nhưng đến thời điểm này, nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh giải ngân cho dự án chỉ mới được 150 triệu đồng (hạng mục đắp nền nhà). Các hạng mục còn lại là do địa phương triển khai thực hiện thông qua việc lồng ghép vào các chương trình ở địa phương. Cụ thể, vừa qua, huyện hỗ trợ cất nhà ở cho 7 hộ dân trong dự án (trong số 10 hộ đang sinh sống ở đây), tổng số tiền hỗ trợ 170 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện.
Hy vọng an cư
Không giấu được niềm vui, ông Ðặng Thanh Hùng (chồng bà Lâm Thị Thì), chia sẻ, trước đây, gia đình không đất ở, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, vợ chồng ông cùng 2 con ở đậu nhà người quen ở ấp Kinh Dớn. 4 người trong gia đình sinh sống từ những đồng tiền ít ỏi của ông đi làm mướn cho chủ ghe biển và 4 công đất ruộng mướn làm. Mỗi chuyến đi ông được chủ ghe trả vài trăm ngàn đồng. Làm ruộng, 1 năm 2 vụ nhưng cũng chẳng đủ ăn vì thất nhiều hơn trúng, mỗi vụ còn phải trả tiền mướn cho chủ đất.
![]() |
Ngoài những căn nhà được hỗ trợ xây dựng, khu tập trung ấp Sào Lưới B hiện còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu điện, nước sinh hoạt. |
Ðược Nhà nước đưa vào sinh sống tại khu đất tập trung ấp Sào Lưới B, gia đình ông không những có nơi ở, có đất ruộng, mới đây còn được Nhà nước hỗ trợ cất nhà ở, với số tiền 35 triệu đồng. “Gia đình tôi mừng lắm, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có được căn nhà như thế này. Giờ cuộc sống đỡ hơn so với trước lắm rồi”, ông Ðặng Thanh Hùng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, thông tin: “Nhìn chung, kể từ khi về sinh sống tại ấp Sào Lưới B đến nay, đời sống của 10 hộ dân được tạm ổn hơn so với trước. Giờ đây, ngoài nguồn thu nhập từ công việc đi làm mướn, họ đã có chỗ ở, có đất làm ruộng”.
Còn đó khó khăn
Tuy nhiên, do tiến độ triển khai thực hiện dự án chậm nên đời sống của 10 hộ dân ở khu đất tập trung ấp Sào Lưới B gặp không ít khó khăn. Trước tiên đó là vấn đề điện và nước sạch sinh hoạt.
Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, nhìn nhận: “Hiện nay, điện, nước sạch sinh hoạt là 2 vấn đề bức xúc nhất của các hộ đồng bào dân tộc trong khu tập trung ấp Sào Lưới B. Theo dự án đã được phê duyệt, các hộ dân sẽ được hỗ trợ khoan giếng nước, bơm nước, bồn chứa nước và vay vốn để hạ thế điện. Nhưng đến nay, vấn đề trên vẫn chưa được thực hiện. Trong 10 hộ dân ở khu tái định cư chỉ có 1 hộ kéo điện và 3 hộ có khoan giếng nước, do các nhà tài trợ ủng hộ. Nhưng 1 cây nước đã bị hư hỏng, không sử dụng được, nước khoan ở đây lại không tìm được nguồn nước ngọt, bà con chỉ có thể sử dụng cho việc tắm rửa, giặt giũ”.
Không chỉ đối với điện, nước sạch sinh hoạt mà vấn đề làm ruộng của bà con nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tiên, Trưởng ấp Sào Lưới B, xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết, mỗi hộ dân ở khu đất tập trung được hỗ trợ vài công ruộng. Vụ lúa hè thu trước, diện tích lúa của 10 hộ dân ở khu đất tập trung này đều thất trắng. Nguyên nhân là do bờ bao ở đây không cố định, chỗ cao chỗ thấp, khi trời mưa dễ dẫn đến lúa bị ngập úng, bà con vùng lân cận nếu không đồng tình bơm nước thì các hộ dân ở đây không thể làm nổi, cuối cùng dẫn đến bể bờ, tràn bờ.
Bà Vui bộc bạch: “Làm ruộng thì không đủ ăn, muốn trồng màu, chăn nuôi kiếm thêm thu nhập để không còn nghèo nữa, nhưng với điều kiện như hiện nay, vốn không có, nước sử dụng cũng hạn chế thì cũng đành chịu. Rất mong Nhà nước sớm cho tôi và bà con ở đây được hỗ trợ nguồn vốn để sản xuất”.
Theo tiến trình của dự án, năm 2014-2015 có 6 hộ thoát nghèo và đến năm 2016, 100% hộ dân ở khu đất tập trung ấp Sào Lưới B sẽ thoát nghèo. Ðể đạt được mục tiêu trên, thiết nghĩ, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Bên cạnh đó, cũng cần kịp thời giúp người dân tháo gỡ những khó khăn trong đời sống, sản xuất, tạo điều kiện để bà con tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, tổ chức các mô hình sản xuất đa cây, đa con nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế./.
Bài và ảnh: Ngọc Minh