Hợp tác, liên kết dưới dạng kinh tế tập thể (KTTT) để cùng nhau sản xuất, kinh doanh (SXKD) được xem là nhân tố quan trọng để thích ứng và phát triển trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Chỉ có hợp tác và liên kết mới phát huy tối đa những nguồn lực sẵn có, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá tập trung có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng... đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Phát huy lợi thế kinh tế tập thể
- Các cấp hội nông dân với kinh tế tập thể
- Chuyển đổi số trong kinh tế tập thể là xu thế cấp thiết
- Phụ nữ đồng hành phát triển kinh tế tập thể
Khu vực KTTT hiện nay được phát triển với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác. Trong đó, nòng cốt là tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và liên hiệp HTX. Thời gian qua, HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng trong khu vực KTTT, đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 333 HTX với 6.050 thành viên, cùng 991 THT với hơn 14.970 thành viên và 2 liên hiệp HTX. Khu vực KTTT thời gian qua đã phát huy và tiếp tục duy trì tốt trong mối liên kết sản xuất, nhất là trong vai trò đại diện làm cầu nối ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và thành viên; hỗ trợ các thành viên về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm... từ đó góp phần tăng thu nhập cho các thành viên tham gia THT, HTX.
Bánh phồng tôm Hàng Vịnh là sản phẩm đặc trưng của xã với khoảng 20 hộ, 2 công ty và 1 HTX cùng làm nghề với nhiều chủ thể đạt chuẩn sản phẩm OCOP.
Các tổ chức kinh tế hợp tác đã từng bước liên kết những người SXKD nhỏ lẻ để hợp sức, góp vốn, tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhận định, khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới theo hướng chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo nên mối liên hệ hài hoà giữa các thành viên. Các thành phần KTTT đang từng bước mở rộng hợp tác với các thành phần kinh tế khác.
Dù còn nhiều khó khăn, song KTTT bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các thành viên nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Ðặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, KTTT càng là nhân tố quan trọng để liên kết nông dân trong sản xuất và kinh doanh nông sản theo hướng tập trung quy mô lớn gắn với nhu cầu của thị trường.
HTX Dịch vụ - Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, là một minh chứng. Với 12 thành viên khi mới thành lập năm 2014, đến nay HTX đã kết nạp được 26 thành viên chính thức và liên kết với 104 thành viên để xây dựng vùng nguyên liệu hơn 178 ha đạt Chứng nhận quốc tế về nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm (ASC) và Chứng nhận hữu cơ; được đánh giá vùng nuôi tôm, cua an toàn thực phẩm, các ao nuôi truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu.
Ðại biểu dự Hội thảo Chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tỉnh Hậu Giang, rất quan tâm những sản phẩm của HTX Dịch vụ - Nuôi trồng thuỷ sản Cái Bát.
Ông Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Cái Bát, chia sẻ, để có được kết quả như trên, tất cả thành viên cả chính thức lẫn liên kết luôn hỗ trợ nhau, tuân thủ nghiêm theo quy trình kỹ thuật đã đưa ra. Nhờ cùng nhau sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, HTX đã có 5 sản phẩm OCOP, gồm: sản phẩm tôm sú cấp đông được chứng nhận OCOP 4 sao và chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu năm 2023; sản phẩm bánh phồng tôm được chứng nhận OCOP 4 sao; sản phẩm tôm khô đạt chứng nhận OCOP 3 sao; sản phẩm chả cá phi đạt chứng nhận OCOP 3 sao và sản phẩm cua biển sống đạt OCOP 3 sao. “Có chứng nhận, các sản phẩm của HTX được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ ngày một tăng. Từ đó, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho các thành viên mà còn là cơ sở để HTX tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới”, ông Ân chia sẻ.
Bồn bồn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận mang nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm bồn bồn Cái Nước - Cà Mau”, trở thành một trong những đặc sản nổi bật.
Dù đã có nhiều bước phát triển, song KTTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tiêu biểu có thể kể đến là hiện nay quy mô HTX trên địa bàn tỉnh nhỏ, thành viên ít, số lượng dịch vụ không nhiều. Ngoài ra, trình độ của các thành viên hội đồng quản trị HTX còn hạn chế, theo thống kê vào năm 2023 có đến 80% chủ tịch hội đồng quản trị HTX trình độ học vấn chỉ THCS và THPT... Những hạn chế đó lý giải vì sao số lượng HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động không hiệu quả và phải ngừng hoạt động còn cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 79 HTX tạm ngừng hoạt động.
Ðể từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy KTTT phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã xây dựng “Ðề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Cà Mau giai đoạn 2024-2030”. Theo đó, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025.
Theo ông Thuần, mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực. Lấy HTX làm nòng cốt, thu hút nông dân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp và nhiều tổ chức cùng tham gia hợp tác và liên kết. Tập trung thúc đẩy phát triển và nhân rộng các HTX liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường; hướng tới HTX ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, mục tiêu tỉnh đặt ra trong năm 2025 là vận động, thu hút tối thiểu 60% hộ cá thể ở địa bàn nông thôn là thành viên HTX, THT. Thu nhập của thành viên HTX tăng bình quân 6%/năm trở lên. Ðồng thời, xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Ðể đạt được những mục tiêu này, trong Kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2025, tỉnh ưu tiên nguồn kinh phí dự kiến khoảng 12,48 tỷ đồng hỗ trợ KTTT, trong đó ngân sách Trung ương 2,99 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 9,49 tỷ đồng./.
Nguyễn Phú