“Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm gần 80% dân số và khoảng 48,85% lực lượng lao động xã hội; là chủ thể tích cực trong phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn”, ông Ðỗ Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng nông dân.
- Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể
- HTX vệ tinh - Bệ đỡ cho kinh tế tập thể
- Kinh tế tập thể - nhìn thẳng để đi đúng
- Phát huy lợi thế kinh tế tập thể
Ông Ðỗ Hoàng Tuấn cho biết thêm, trong những năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh xác định việc tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX, THT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, góp phần vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có.
Ðặc biệt, thực hiện Quyết định số 182/QÐ-TTg ngày 20/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, nông dân là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong việc phát triển THT, HTX, là người trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế tập thể của từng địa phương. Phát triển kinh tế tập thể trong Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia. Từ đó, giúp nông dân tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp; “5 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng; “6 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà phân phối hoặc nhà tư vấn... Liên kết giữa nông dân với nông dân thông qua 2 hình thức: Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, Chi hội Nông dân nghề nghiệp, và hình thức phát triển cao hơn là THT và HTX.
Hiện nay, HTX Minh Phát, Ấp 6, xã Tân Lộc Ðông, huyện Thới Bình, có 37 thành viên, ngành nghề chủ lực là sản xuất kinh doanh khô và mắm cá phi, thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng/thành viên.
Ðặc biệt, thực hiện Nghị quyết 04 và Ðề án 24 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khoá VII), đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp với mục tiêu là thành lập mô hình tổ chức theo tiêu chí “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi); đến nay, các cấp hội thành lập được 52 chi hội nông dân nghề nghiệp, 938 tổ hội.
Qua đó, Hội trực tiếp hướng dẫn thành lập 432 THT, 113 HTX, có 11.538 hội viên nông dân tham gia; thành lập 10 câu lạc bộ nông dân tỷ phú. Nhiều THT hoạt động có hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ vốn xoay vòng để phát triển sản xuất. Ðiển hình như THT ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, thành lập vào năm 2016, có 15 thành viên, bước đầu góp vốn 500 ngàn đồng/người/tháng; đến nay có 21 thành viên, quỹ hùn vốn phát triển lên mức 1 triệu đồng/người/tháng, hiện hùn vốn được trên 1 tỷ đồng.
Các HTX hoạt động hiệu quả như: HTX làm khô bổi Tư Hùng, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời; HTX trồng bồn bồn An Hoà, xã Khánh An, huyện U Minh; HTX dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp Tân Hải, xã Hoà Tân, TP Cà Mau... Ông Từ Thanh Hùng, Giám đốc HTX khô bổi Tư Hùng, cho biết: “HTX được thành lập vào năm 2021, ban đầu có 3-5 thành viên, dần dần đến nay có hơn 10 thành viên; từ 3 ha mặt nước cá bổi, nay đã tăng lên 65 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 150 tấn cá tươi. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, HTX không bán cá tại ao mà dùng nguồn cá này chuyển sang làm khô, tương đương với khoảng trên 100 tấn cá khô bán tại chỗ và gửi đi các tỉnh, thành trong cả nước để tiêu thụ, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên theo mô hình liên kết chuỗi để hạ giá thành đầu vào, nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra”.
Theo ông Ðỗ Hoàng Tuấn, các tổ hội, chi hội nghề nghiệp, HTX, THT luôn được các cấp, các ngành và hội nông dân các cấp tạo điều kiện hỗ trợ, có những định hướng hoạt động, phát triển chiến lược lâu dài, ổn định, tạo công ăn việc làm, tiến đến nhân rộng trong hội viên, nông dân và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của các địa phương trong tỉnh.
Với phương châm xây dựng phương pháp công tác của cán bộ hội theo phong cách “nghe nông dân nói, nói nông dân hiểu, làm nông dân tin”, thời gian qua, hội nông dân các cấp trong tỉnh có những cách làm cụ thể, không chạy theo thành tích về phát triển THT, HTX; luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất, kiến nghị của hội viên nông dân để trực tiếp hỗ trợ, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân kịp thời. Chính vì vậy, vai trò của hội viên trong việc tham gia xây dựng THT, HTX sản xuất được nâng lên, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực ở địa phương.
Ngoài làm khô, mắm cá phi, HTX Minh Phát còn kinh doanh tôm, cua giống đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các thành viên và bà con trong khu vực.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế tập thể, HTX trong hội viên nông dân. Hướng dẫn và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định, khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào THT, HTX trực tiếp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp để làm các dịch vụ cung ứng, chế biến tiêu thụ nông sản và thực hiện trọn gói hoạt động đầu vào - đầu ra thì THT, HTX mới mang lại nhiều lợi ích cho thành viên THT, HTX và nông dân. Từ đó, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững./.
Trung Ðỉnh - Trầm Nghĩ